Sáng 10-5-2016, Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã phát đi Hồ sơ Panama đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Dư luận xôn xao, thị trường chứng khoán cũng “nổi sóng”. Vậy, những đại gia bị điểm mặt này liệu có trốn thuế hay rửa tiền trong hồ sơ Panama?
Trong hồ sơ Panama, có khá nhiều các doanh nhân Việt Nam nổi tiếng có liên quan. Cụ thể, đối với Việt Nam, dữ liệu của ICIJ cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong vòng 40 năm qua, trong đó có 7 công ty có mặt trong "Hồ sơ Panama".
Đồng thời, cơ sở dữ liệu của ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks". Trong đó, đáng chú ý với những cái tên như Nguyen Duy Hung, hiện là cổ đông của NDH Co.Ltd và có địa chỉ tại 1C Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; bà Nguyễn Thị Phương Thảo - lãnh đạo của tập đoàn Sovico và đồng thời là Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air; hay cựu CEO Ngân hàng ANZ Đàm Bích Thủy…
Thông tin trên phần nào đã tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường chứng khoán trong ngày 10-5. Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia về thuế, ngân hàng, tài chính và các luật sư cũng vào cuộc lên tiếng về thông tin này và đều cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng trước khi kết luận có hay không việc trốn thuế hay rửa tiền của những nhân vật được nhắc tên này.
Còn phía những “người trong cuộc”, ngay lập tức, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã nhanh chóng có thông tin gửi báo chí. Theo đó, SSI cho biết SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng là 2 thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý.
SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, và đã hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước nơi SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư, và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác.
“SSIAM thực hiện đầy đủ các các nghĩa vụ tài chính tài chính đối với Nhà nước Việt Nam, cũng như tại nước sở tại nơi SSIAM thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. SSIAM thực hiện việc thành lập Công ty ở nước ngoài và mở tài khoản tiền ở nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo đúng quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, tuân thủ các quy định của nước sở tại và hoàn toàn hợp pháp.
Hiện tại, cũng chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản, rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.
Do đó, chúng tôi một lần nữa khẳng định việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được Cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường, minh bạch và tuân theo quy định của pháp luật. Việc xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền”- SSI thông tin.
|
SSIAM có mặt trong danh sách Hồ sơ Panama.
|
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - lãnh đạo của tập đoàn Sovico và đồng thời là Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet Air lý giải, năm 2005, Sovico Corporation PTE Ltd đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance.
“Công ty Furama có từ năm 1992, do Lai Sun (Hong Kong) thành lập. Việc các tập đoàn thành lập các công ty ở nước ngoài để đầu tư là hình thức phổ biến trên thế giới. Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường. Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường”- Tổng giám đốc Vietjet Air nói.
Một phụ nữ khác là cựu CEO Ngân hàng ANZ Đàm Bích Thủy cũng đã xác nhận tên mình trong danh sách Hồ sơ Panama. Sở dĩ bà có tên trong danh sách vì là CEO của Ngân hàng ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này. Cũng theo bà Thủy, việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội.
Phản ứng nhanh nhạy, thị trường chứng khoán đã có diễn biến tích cực hơn sau những công bố này. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặc dù hồ sơ Panama gây được sự chú ý với dư luận vì tiết lộ danh tính những cá nhân có liên quan đến hoạt động rửa tiền, trốn thuế... tuy nhiên, không phải tất cả những cá nhân xuất hiện trong danh sách “Hồ sơ Panama” đều có dính líu đến các hoạt động trên, mà phần nhiều liên quan đến hoạt động thành lập công ty ở nước ngoài với các mục đích tài chính lành mạnh hay hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã được cơ quan Nhà nước cấp phép...
Về phía Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Đại Trí- Phó Tổng Cục trưởng cho biết, hồ sơ vừa được công bố chỉ là những thông tin ban đầu, cần có xác minh rõ ràng. Hiện, ngành thuế chưa thể đưa ra những đánh giá hay nhận định nào cụ thể. “Đây là vấn đề không chỉ riêng của ngành thuế mà cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan thậm chí cả cơ quan quốc tế”- ông Nguyễn Đại Trí nói.
Thông tin thêm, bà Lê Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ (Tổng cục Thuế) cho biết Tổng cục Thuế đã kiểm tra, rà soát tất cả các thông tin được cung cấp trên mạng và đã thành lập khẩn một tổ công tác điều tra nghĩa vụ thuế đối với các cá nhân, tổ chức có tên trong bộ Hồ sơ Panama. Bà Thủy cho biết khi có thông tin cụ thể, Tổng cục Thuế sẽ công bố rộng rãi.
Trước đó, khi vụ hồ sơ Panama mới được “khui” ra và danh sách 189 đại gia Việt Nam chưa được công bố, nhưng đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, vụ việc đã thức tỉnh cơ quan chức năng để cảnh giác hơn với các DN từ vùng “thiên đường thuế.”
“Qua vụ việc này cũng thức tỉnh cho ngành thuế cần tăng cường tiếp cận nhiều nguồn thông tin, cần phát triển bộ phận quản lý rủi ro và tăng cường giao lưu thêm thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, nắm bắt thông tin với cơ quan thuế mà ta đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, để phối hợp giữa các cơ quan thuế”, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn Nguyễn Văn Phụng trao đổi.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK