Đây là hoạt động văn hóa-thể thao-du lịch nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy và phát triển các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc riêng có của các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, hướng tới Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIII, năm 2016 được tổ chức tại Lào Cai.
Đồng thời tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác chặt chẽ để kết nối phát triển kinh tế-du lịch giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Diễn ra từ 13-15/3, Lễ hội Hoa ban 2016 sẽ có sự tham dự của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang) và Thanh Hóa, Nghệ An, TPHCM, TP. Hà Nội…
Tại lễ hội sẽ diễn ra Triển lãm văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên. Triển lãm trưng bày những hình ảnh, không gian sinh hoạt văn hóa, hiện vật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo mang tính đại diện của các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên thông qua một số Lễ hội truyền thống tiêu biểu.
Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ có màn giao lưu các môn thể thao, trò chơi dân gian (tung Còn, Tù lu) và giải bóng đá 11 người giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với 03 tỉnh Bắc Lào và Thái Lan (mỗi tỉnh 10 người).
Ngoài ra còn một số hoạt động khác như: Trưng bày Triển lãm ảnh, sản phẩm, quà tặng du lịch; trưng bày giới thiệu sách về Điện Biên, Tây Bắc; thi và giới thiệu ẩm thực “Hương sắc Điện Biên”, hội thảo phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Lễ hội hoa ban Điện Biên sẽ kết thúc với màn diễu hành văn hóa đường phố với chủ đề: “Qua miền Tây Bắc xem hội Hoa Ban”và Lễ bế mạc vào ngày 15/3/2016 tại Quảng trường 7/5, TP. Điện Biên Phủ.
Đề nghị truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Nhạc sĩ Văn Cao
Xét thành tích đặc biệt xuất sắc của cố Nhạc sĩ Văn Cao đối với nền âm nhạc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kính trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Nhạc sĩ Văn Cao.
Cố Nhạc sĩ Văn Cao là người có nhiều cống hiến trong nền âm nhạc Việt Nam, là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của giới nhạc sĩ nước ta, đã sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám, viết trên Báo Độc Lập, phụ trách Nhà in bí mật Phan Chu Trinh, phụ trách Đội danh dự trừ gian. Vào cuối năm 1944 đến 1945 ông viết tác phẩm Tiến quân ca cho lực lượng vũ trang Việt Minh.
Sau cách mạng Tháng Tám, Nhạc sĩ Văn Cao vừa là phóng viên, vừa tham gia trình bày báo Lao động. Ông cùng đồng chí Hà Đăng An chuyên chở tiền bạc và vũ khí vào mặt trận Nam Bộ, cùng thời gian này ông sáng tác các ca khúc: Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Bắc Sơn... và là ủy viên Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc.
Kháng chiến toàn quốc, Nhạc sĩ Văn Cao ra liên khu III rồi phụ trách một bộ phận điều tra của Công an Liên khu X ở Lào Cai và viết báo Độc Lập. Thời kỳ này ông đã viết Trường ca Sông Lô, Làng tôi, Ngày mùa, Tiến về Hà Nội và rất nhiều các tác phẩm như Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Dưới ngọn cờ giải phóng, Tố khúc đường về, Gửi má thân yêu, Đường dây qua bản mèo, Mùa xuân đầu tiên, Ta đi làm con suối, Hải Phòng mở ra biển lớn-hợp xướng cùng các tác phẩm khí nhạc: Sông tuyến, Hàng dừa xa, Giao hưởng thính phòng Anh bộ đội cụ Hồ...
Ngoài các ca khúc cách mạng, Nhạc sĩ Văn Cao còn được công chúng yêu mến bởi rất nhiều ca khúc trữ tình của ông như: Buồn tàn thu, Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Đống Đa hành khúc ca, Thăng Long hành khúc ca...
Giới thiệu Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt
Chiều 25/2, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức giới thiệu bản dịch bằng thơ tự do tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du mang tên “Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt”. Đây là tác phẩm của tập thể nhiều tác giả.
Tại buổi giới thiệu, cảm ơn tập thể dịch giả đã đóng góp vào sự ra đời cuốn “Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt”, đặc biệt là dịch giả Vũ Thế Khôi, Tham tán Sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam Vadim Vladimirovich Bublikov đã khẳng định bất kỳ người nước ngoài nào học tiếng Việt và nghiên cứu văn học Việt Nam đều biết Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam.
Ông Vadim Vladimirovich Bublikov đánh giá cao chất lượng bản dịch, vốn từ tiếng Nga, cách chuyển ngữ tinh tế của dịch giả và hi vọng bản dịch Truyện Kiều sẽ không chỉ giúp người Nga hiểu hơn về văn học Việt Nam kinh điển mà cuốn sách này còn có giá trị cho các sinh viên và giảng viên ngành Việt Nam học ở Nga.
“Truyện Kiều song ngữ Nga-Việt” được in bằng tiếng Việt và bản dịch thơ bằng tiếng Nga cùng với các chú thích và minh họa. Sách đã được xuất bản 1.000 cuốn với hình thức trang trọng, đạt chất lượng cao về nội dung. Đặc biệt, gần 20 bức tranh minh họa của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Tạ Thúc Bình… được chọn in đã góp phần làm tăng vẻ đẹp và giá trị của cuốn sách.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK