Khi mở cửa bầu trời, phải đồng bộ hóa hệ thống điều hành, quy định pháp luật cũng như việc quản lý điều hành bay để tạo ra một “bầu trời thông suốt trong ASEAN”.
18 năm để giành quyền kiểm soát FIR Hồ Chí Minh
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang điều hành hai vùng thông báo bay (FIR Hồ Chí Minh và Hà Nội) gồm toàn bộ vùng trời lãnh thổ Việt Nam và phần vùng trời trên biển quốc tế do ICAO giao Việt Nam quản lý rộng 1,2 triệu km2, với 3 khu vực kiểm soát tiếp cận, 21 khu vực kiểm soát tại sân bay trên phạm vi toàn quốc, 25 đường hàng không nội địa và 35 đường hàng không quốc tế.
Trong đó có các đường bay với mật độ hoạt động bay lớn của khu vực và thế giới; hơn 320 hệ thống thiết bị; 4 hệ thống ra đa sơ cấp và 7 hệ thống ra đa thứ cấp; 70 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cùng 2 Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hà Nội và Hồ Chí Minh cùng các đài kiểm soát không lưu tại tất cả các cảng hàng không; 21 cơ sở khẩn nguy sân bay và 4 cơ sở hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn; đặc biệt là hệ thống Đài ADS-B (sắp tới bổ sung hệ thống VHF) trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Côn Đảo.
Các cơ sở điều hành bay, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, đổi mới cơ bản theo công nghệ tiên tiến, hiện đại; cơ bản hoàn thành mạng thông tin VHF, mạng ra đa giám sát hệ thống, đài dẫn đường DVOR/DME trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cũng chia sẻ rằng, ít ai biết được để giành quyền quản lý vùng FIR Hồ Chí Minh đã trải qua 18 năm đấu tranh bền bỉ, khôn khéo và cương quyết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, cùng sự giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương và bạn bè quốc tế.
“Ngày 8/12/1994 đã đi vào lịch sử Hàng không Việt Nam khi chúng ta giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, đó là mốc son vô cùng quan trọng trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao và an ninh quốc phòng”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Sẵn sàng để “mở cửa bầu trời”
Trao đổi với phóng viên về công tác quản lý điều hành bay trong thời gian tới khi đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, nhất là việc mở cửa bầu trời chung ASEAN, ông Lại Xuân Thanh cho biết, khi mở cửa bầu trời, về mặt thương quyền, ta cho các hãng hàng không của ASEAN tự do kinh doanh khai thác trong ASEAN và phải đồng bộ hóa hệ thống điều hành, quy định pháp luật, đặc biệt là đồng bộ hóa việc quản lý điều hành bay, tạo ra một “bầu trời thông suốt trong ASEAN”.
Ngoài việc tăng số lượng tàu bay, mở rộng hạ tầng, theo ông Lại Xuân Thanh, công tác quản lý điều hành bay rất quan trọng. Cụ thể là việc quản lý phân định điều hành bay, tối ưu hóa hệ thống đường bay trong 2 vùng FIR, đường bay giữa trục Bắc-Nam, giữa các cảng hàng không, sân bay, hệ thống Đài ADS-B (sắp tới bổ sung hệ thống VHF) trên đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Côn Đảo.
Phải làm sao để hết năm 2016, sẽ kết thúc cơ bản dự án các trạm ADS-B theo kế hoạch không phận mới của ICAO để tăng năng lực điều hành, điều phối. Như vậy mới có thể sẵn sàng “mở cửa bầu trời”.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng đề cập đến việc thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực chuyển đổi sang hệ thống CNS/ATM mới”. Theo đó, việc chuyển đổi dẫn đường hiện tại sang dẫn đường theo tính năng (PBN) là chuyển đổi toàn diện, mang tính đột phá trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay.
Liên quan đến việc sau khi mở cửa bầu trời, các hãng nước ngoài có được phép khai thác đường bay nội địa của Việt Nam hay không, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, theo Công ước về Hàng không Dân dụng Quốc tế (CICA) còn gọi là Công ước Chicago thì cho đến nay, chưa có nước nào cho phép các hãng nước ngoài khai thác thương quyền nội địa và Việt Nam cũng đang thực hiện quy định này.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK