“Tiềm năng du lịch của TP Hồ Chí Minh rất lớn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chính sách phát triển du lịch còn khá chung chung, chưa tạo được điểm nhấn”. Đó là ý kiến của các chuyên gia du lịch đưa ra tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp du lịch năm 2017 diễn ra vào ngày 13-4.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch thành phố trong những năm qua đã khẳng định là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Số lượng khách du lịch đến với thành phố tăng theo từng năm. Nếu như năm 2003, số lượng khách quốc tế đến thành phố chỉ có 1.321.000 lượt khách, năm 2010 đạt gần 3.000.000 lượt khách, thì năm 2016 đạt ngưỡng 5.200.000 lượt. Năm 2016, tổng thu du lịch đạt 103 ngàn tỷ đồng, tăng trên 9% so với năm 2015. Cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng phát triển, số cơ sở lưu trú du lịch là 2.504 cơ sở với 56.900 phòng, có 1.015 doanh nghiệp lữ hành (lữ hành quốc tế chiếm 56%), 195 doanh nghiệp vận chuyển khách, 4.822 hướng dẫn viên. Loại hình sản phẩm, dịch vụ ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng ngành du lịch thành phố vẫn còn không ít những vấn đề cần khắc phục như chưa hoàn thành việc xây dựng Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố, nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch còn ít, sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện chưa đồng bộ, sự liên kết hoạt động giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và giữa lĩnh vực du lịch với các ngành khác còn rời rạc, sản phẩm du lịch tuy phong phú nhưng chưa có sản phẩm đặc trưng, chưa đăng cai, chưa tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao lớn, đẳng cấp để khẳng định Thương hiệu du lịch TP Hồ Chí Minh ngang tầm với khu vực Đông Nam Á. Tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách vẫn chưa được giải quyết triệt để… Mặt khác các cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng vào khu vực và thế giới.
|
Khách Tây đi du lịch tại TP Hồ Chí Minh.
|
Góp ý cho phát triển du lịch của thành phố trong thời gian tới, ông Phan Xuân Anh, CTHĐQT Công ty Du ngoạn Việt cho rằng, thành phố cần phải xây dựng một biểu tượng làm điểm nhấn, ví như Hà Nội có Hồ Gươm, Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long. Điểm nhấn chính là việc mà mỗi du khách khi đi du lịch ở TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ đặt chân tới, chứ hiện nay thì một số địa danh như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà…vẫn chưa phải là điểm đến mang tính điểm nhấn quan trọng của thành phố. Và ông cũng đề xuất, Nam bộ nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng xưa nay vốn nổi tiếng bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đặc biệt là Bến cảng Nhà Rồng. Nếu thành phố khai thác được những thế mạnh đó thì du lịch chắc chắn sẽ rất phát triển. Còn ông Võ Anh Tài – Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn đã đề xuất nghiên cứu sử dụng tên gọi Sài Gòn song song với TP Hồ Chí Minh trong công tác tiếp thị vì từ lâu tên gọi Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông đã trở nên thân quen với du khách trong nước và quốc tế. Ông Võ Anh Tài cũng cho rằng để phát triển du lịch thì phương thức tiếp thị quảng bá du lịch phải thật sự đột phá. Xây dựng thương hiệu du lịch thành phố cần tăng tính chuyên nghiệp, trong đó phải áp dụng các công nghệ hiện đại phù hợp với việc xây dựng thành phố thông minh. Là một doanh nghiệp lữ hành lớn của TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc quảng bá hình ảnh du lịch của thành phố, về công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
Riêng về đào tạo, ông Kỳ cho rằng, nước ta có rất nhiều trường dạy về du lịch nhưng số lượng sinh viên ra trường để có thể làm việc tốt trong nghiệp vụ thì rất hạn chế, việc dạy kiến thức so với những yêu cầu khi làm việc trong ngành du lịch lại tách rời nhau, vì vậy gây khó khăn cho việc phát triển du lịch. Ông Nguyễn Ngọc Châu, Chủ tịch HĐQT BenThanh Tourist cho rằng, du lịch TP Hồ Chí Minh cần quy hoạch các công trình trọng điểm để phát triển du lịch M.I.C.E (du lịch gắn với hội thảo, hội nghị). Bên cạnh đó, phải nâng tầm bằng một số chương trình nổi tiếng như các nước láng giềng đang làm, như “Amazing Thailand”. Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Khách sạn TP Hồ Chí Minh, bức xúc phản ánh, những DN chuyên kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn đang phải chịu những khó khăn như việc xin giấy phép để kinh doanh các loại như rượu, dịch vụ massage, khiêu vũ….thêm nữa còn phải trả 3 mức giá điện khác nhau trong ngày (giờ cao điểm, thấp điểm và lúc bình thường), dù rằng lĩnh vực này chiếm 60% doanh thu của ngành du lịch.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Phải có quy hoạch thì mới định hướng chiến lược phát triển. Thành phố sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Cần Giờ; dự án Công viên Safari Củ Chi… TP Hồ Chí Minh cần tạo ra một “hệ sinh thái” thuận lợi cho DN phát triển. Những gì DN kiến nghị, các sở, ngành cần tập hợp giải quyết ngay, không để sự chậm trễ ngăn cản bước tiến của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh”.
Nguồn: CAND Online
Biên tập: Đại Nghĩa