Mỗi người phải gác lại cả niềm vui riêng, cả lợi ích chung để dập tắt dịch bệnh cũng giống như tinh thần "tiêu thổ kháng chiến" của thế hệ cha anh năm xưa đánh giặc.
Mùa xuân thứ hai vắng tiếng trống hội làng, mùa xuân thứ hai các em học sinh chưa thể đến trường, một số hoạt động kinh doanh hàng quán của Hà Nội phải đóng cửa; toàn tỉnh Hải Dương phải cách ly xã hội từ 0h ngày 16/02/2021 và bao địa phương khác đang thực hiện các biện pháp quyết liệt… Đã hơn một lần phải giãn cách xã hội, từng người dân phải thu hẹp bán kính hoạt động của mình, nhưng có lẽ đây cũng là thời điểm để mỗi chúng ta có dũng khí thay đổi, không chỉ duy trì mà còn tạo ra hướng đi mới.
Tinh thần của Chỉ thị số 48 ngày 9-12-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đi vào cuộc sống bằng những suy nghĩ và hành động thiết thực trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Chúng ta nhận ra những thói quen lãng phí tiền bạc, phù phiếm bấy lâu nay và tập trung vào những việc làm thiết thực với bản thân, với gia đình hơn và chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng, các hoạt động cưới xin, ma chay được tổ chức với quy mô hợp lý.
Khi xuất hiện đại dịch COVID-19, "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) đã được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của công chúng. Theo tác giả Hà An (Báo CAND): "Trước khi COVID-19 bùng phát, chỉ 20% doanh nghiệp để ý đến chuyển đổi số. Sau 6 tháng, có đến hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quá trình này và trên 50% doanh nghiệp đang thực hiện". Sự thay đổi không chỉ giúp các doanh nghiệp đối phó được khó khăn trước mắt mà còn mở ra một trang mới với những tiện ích từ nhiều phía.
|
Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong việc cung cấp kiến thức cho học sinh trong những ngày nghỉ tránh dịch. |
Cơ hội thay đổi, vượt khó có thể bắt đầu từ những sáng kiến nhỏ nhất của từng cá nhân, cho thấy sự đồng lòng của mọi người dân như câu chuyện bán phở qua ròng rọc của ông Lê Hoài Nhân (chủ quán phở Nhân ở quận Tân Phú - Thành phố Hồ Chí Minh); Grab Việt Nam triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang mô hình kinh doanh trên nền tảng online của GrabMart; sáng kiến "Shipper" mang bài tập, "Tiếng kẻng học bài" hỗ trợ học sinh học trong mùa dịch của Đoàn thanh niên ở nhiều địa phương trên cả nước…
Cơ hội đến với nhiều ngành còn là việc khắc phục những hạn chế vốn có và hoàn thiện mình. Từ người có ý tưởng, tạo ra sản phẩm và cả người sử dụng, thụ hưởng cũng cần thay đổi để phù hợp với thực tế. Có thể lấy một vài ví dụ. Trong những năm gần đây, ngành Du lịch đã có sự phát triển mau lẹ.
Theo một con số thống kê của Tổng cục Du lịch: "Về khách quốc tế đã tăng 72 lần, từ 250 nghìn lượt của năm 1990 lên 18 triệu lượt của năm 2019. Về khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Về tổng thu từ khách du lịch, năm 1990 đạt 1.340 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP cũng tăng từ 3,26% năm 2000 lên 9,2% vào năm 2019".
Nhưng, bên cạnh những thành công, bản thân "ngành công nghiệp không khói" này cũng cần có những điểm phải hoàn thiện. Tác giả Thành Nam (Báo Nhân dân) từng nêu rõ những bất cập: "Một tỷ lệ lớn cơ sở lưu trú mọc lên theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, khai thác theo kiểu tận thu, dẫn đến tình trạng kinh doanh chộp giật. Thậm chí có tình trạng "chạy sao" từ khách sạn hạng thấp lên thứ hạng cao hơn trong khi chất lượng không tương xứng. Hậu quả là có tình trạng khách sạn mọc lên thiếu quy hoạch, phá vỡ cảnh quan đô thị, gây sức ép lên các cơ sở hạ tầng của địa phương, làm giảm sự hấp dẫn của điểm đến du lịch".
Có thể, với trạng thái bình thường mới, khi thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng tránh, những bất cập lâu nay tại các điểm du lịch sẽ được hạn chế, hạ tầng được tu bổ, chỉnh trang. Trong thời gian chờ đợi các tour du lịch hoạt động trở lại, mỗi vị khách sẽ có thời gian tìm hiểu thông tin về điểm đến thay vì thói quen tham quan theo phong trào, dâng sao, giải hạn, cúng bái… để tiếp tay cho các dịch vụ tâm linh ồ ạt xuất hiện.
Tương tự như ngành Du lịch, ngành Giáo dục cũng đã có những thay đổi trong chương trình, hình thức dạy học, đi sâu vào thực hành, vận dụng; hình thành sự chủ động của người học… Các thầy cô giáo đã sáng tạo trong việc xây dựng chương trình dạy học trực tuyến, đã có các dự án triển khai trường học thông minh. Bản thân sự gắn kết nhà trường - gia đình - xã hội cũng có những điều chỉnh.
Cha mẹ học sinh phải đối mặt với khó khăn trong việc phối hợp quản lý, giám sát học sinh cùng với nhà trường. Nhưng ở một phương diện khác, các phụ huynh sẽ phải quan tâm đến con em mình, được gắn thêm trách nhiệm trong giáo dục con trẻ. Qua những buổi "học" online cùng con, chúng ta sẽ thấu hiểu cả những vướng mắc, khó khăn, những hạn chế… thay vì coi nhà trường vĩnh viễn là nơi trông trẻ, là nơi phó mặc trách nhiệm theo kiểu khoán trắng.
|
Ngày 1-2, tỉnh Phú Thọ đã ban hành quyết định dừng tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan. |
Cơ hội cũng là cảnh giới để từng con người hoàn thiện mình bằng một phép thử đặc biệt. Nhưng câu chuyện đáng trách như việc chị Hoàng Thị Th (giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng) về ăn Tết tại Hải Dương nhưng khai báo ở Hà Nội; chị N.T.P.T (19 tuổi, trú tại thôn Thanh Bình, xã Việt Dân, TX. Đông Triều) thuê thuyền sang Quảng Ninh trốn chốt kiểm soát; ông Phạm Văn Q. (41 tuổi, ngụ khu đô thị Ecorivers, P. Hải Tân, TP. Hải Dương) dù đã có tiếp xúc với đối tượng F1 (sau đó chuyển thành F0) nhưng không khai báo y tế (sau đó bị phạt 15 triệu đồng)… còn nói lên ý thức vì cộng đồng, về sự trung thực của mỗi con người mà trong cuộc sống thường ngày chúng ta không dễ dàng nhận ra.
Từ những điều đã bàn luận, bản thân mỗi chúng ta cần tìm ra cách tiếp cận, thích nghi và lan tỏa suy nghĩ, hành động trong trạng thái bình thường mới.
1. Thiết nghĩ, ở thời điểm lịch sử nào, ở hoàn cảnh sống nào, con người cũng không chỉ tồn tại, phát triển mà còn hình thành một văn hóa ứng xử, giao tiếp, tương tác trong cộng đồng. Nếp sống lành mạnh, trung thực, tương thân tương ái đã phát huy giá trị tốt đẹp trong quá khứ thì giờ đây trước những thử thách mới vẫn nguyên giá trị. “Bình thường mới” phải chăng cũng là trở lại với những giá trị đã đánh mất bấy lâu nay bởi những guồng quay của mưu sinh, tham vọng không giới hạn trong cuộc sống.
2. Trong những ngày giãn cách xã hội, với trạng thái luôn cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh cũng là cơ hội để gắn kết mối quan hệ gia đình, tăng "sức đề kháng" cho từng "tế bào xã hội" mà các nhà xã hội học từng cảnh báo. Sự hướng nội với gia đình không hề tạo ra sự ích kỉ, bàng quan xã hội mà ngược lại, giúp chúng ta đồng cảm với hành xóm, làng giềng, với cộng đồng xã hội, hàn gắn những rạn nứt bấy lâu. Đó cũng là cơ hội để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống, để đạt đến hạnh phúc.
3. Trạng thái “bình thường mới” giúp mỗi người nhận ra giá trị cuộc sống. Chúng ta thường nhắc đến cách tận hưởng cuộc sống của người phương Tây như việc dành phần lớn thời gian, tiền bạc cho trải nghiệm, thăm thú thay vì tích lũy tài sản cố định như người Á Đông. Tuy nhiên, bản chất của triết lý ấy cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Đi nhiều, biết lắm, nhưng bản thân chúng ta đã hiểu kĩ, đã nhận ra đầy đủ giá trị sống hay chưa bởi chất lượng của vốn sống cũng không kém phần quan trọng. Phải chăng, việc thấu hiểu lịch sử của quê hương, bản quán, của đất nước, của từng tấm gương trong xã hội cũng là một hành trình dài, thách thức mỗi con người thay vì chỉ biết đi, check in, live stream…
Bấy lâu, chúng ta hướng đến các lễ hội như một sự cầu mong may mắn, sự thay đổi số phận hay đơn giản là để giải tỏa những căng thẳng sau một năm làm việc vất vả. Gác lại những lễ hội để đón nhận những cơ hội mới cũng đầy đủ sự háo hức, bất ngờ, hứa hẹn những thắng lợi cho mỗi con người.
Nguồn: Báo CAND