Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giải mã dấu ấn Chăm trong văn hóa Đại Việt

Văn hóa Chăm ảnh hưởng đến văn hóa Đại Việt là một hiện tượng không thể phủ nhận, cũng giống như việc ảnh hưởng của văn hóa Đại Việt/Việt Nam đối với văn hóa Chăm vậy. Sự ảnh hưởng giao thoa văn hóa Chăm - Việt thể hiện ở 3 mức độ: 1/ sự ảnh hưởng cưỡng bức; 2/ ảnh hưởng từ ngoại giao văn hóa và 3/ buôn bán thương mại và di dân tự nguyện. 

Sự ảnh hưởng của di dân và thương mại là khó tìm thấy dấu vết. Nhưng, Lê Quý Đôn trong "Vân đài loại ngữ" từng ghi nhận các loại lúa Chiêm (chịu khô hạn), các giống lúa tẻ cấy ruộng chiêm có: sài đường, chiêm bầu, chiêm di, chiêm dự, chiêm vàng, chiêm hom, v.v... Từ giống lúa dẫn đến sự học hỏi một vụ mùa của người Chiêm, tạo thành thế đối lập: vụ mùa - vụ chiêm. Nên mới có thành ngữ “Chiêm Nam, mùa Bắc”. “Mạch phạn cơm chiêm tháng năm trái thì/ Đại mạch lâu chầy lúa chiêm tháng năm”. Phạm Đình Hổ ghi: “Mạch là lúa chiêm” trong sự đối lập “Đạo là lúa de nước”. Còn đặc sản kẹo mạch nha dân gian vốn là chế biến từ “mầm mạ chiêm” (Chỉ nam ngọc âm, TK 17). Sự di thực của lúa làm thay đổi cơ cấu mùa màng - lương thực của người Việt trong cả ngàn năm.

Tượng đá thần Shiva (chùa Võng La, Đông Anh, Hà Nội). Nguồn: Nguyễn Tiến Đông.

Nhưng, chắc chắn, các thương nhân Chăm, cũng như Java, Xiêm La và Tây Á đã có mặt tại các cảng bến Nghệ An, Vân Đồn, Hà Trung,... Họ đã nương theo những luồng gió thổi vượt qua những vùng biển, để giao lưu buôn bán. Nên tiếng Việt hiện còn từ “gió mậu dịch”. Thế kỷ 17, còn biết đến loại “vải Chiêm Thành quốc” rất được người Việt ưa chuộng (Bội thường yêu sao, Chỉ nam ngọc âm). Ngoài các thương nhân, các loại trộm cướp, thậm chí quân chính quy Chăm nhiều lần theo “gió Nồm” ra ngoài Thanh - Nghệ cướp bóc, bắt người các vùng duyên hải, nên Ngô Sĩ Liên còn gọi là “giặc sóng gió Chiêm Thành”. 

Rõ rệt nhất là những ảnh hưởng cưỡng bức qua các cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt - Chiêm. Năm 982, Vua Lê Hoàn đánh bại Vua Bế Mi Thuế, bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể; bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một thầy tăng người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu (Toàn thư ). Năm 986, người Chiêm Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người họ xin nội phụ. 

Năm 1044, Vua Lý chém đầu vua Chiêm Sạ Đẩu, được hơn 30 voi thuần, bắt sống hơn 5 nghìn người, bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên. Năm 1045, vua cho chế xe Thái Bình, lấy vàng trang sức "bồng la nga" (tức là cái bành voi của Chiêm Thành) đóng voi để kéo. Sử liệu này cho thấy cái “bành voi” là một từ gốc Chăm, sau chuyển sang làm động từ “bành- banh” và tính từ “to bành” (to như cái bành voi). Năm 1046, dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành. Năm 1060, phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát. 

Năm 1202, sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo, ai oán, buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt. Cái trống Chiêm trong văn hóa Việt là nguồn gốc trống cơm ngày nay. “An Nam chí lược” ghi: trống cơm (phạn sĩ) nguyên là nhạc khí của Chiêm Thành, kiểu tròn và dài, nghiền cơm, bịt hai đầu, cứ giữa mặt mà vỗ thì kêu tiếng trong mà rõ ràng” (Lê Trắc, 1333/2002, tr.72). Về sau, thế kỷ 17, người Việt còn mô tả hình dáng trống thót yêu: “Yết cổ trống cơm vỗ thôi” (Chỉ nam ngọc âm).

Kể thêm các lần đánh và bắt tù binh Chăm thời Lý - Trần, có một lớp người Việt hiện nay vốn là người Chăm nhưng đã Việt hóa hoàn toàn về văn hóa, chỉ còn thấy nhận dạng lác đác về màu da nâu, tóc xoăn, môi dày nhưng nói... tiếng Việt. Đời Trần, Trần Nhật Duật đi thăm các trại người Chiêm, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già có khi 3-4 ngày mới về. Thôn này hồi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi sai thành "Bà Già") (Toàn thư). Thôn Bà Già nay thuộc đất làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Những địa điểm của tù binh Chăm quanh Hà Nội có thể kể đến các làng cổ đan xen trồng dừa, như Ngã Tư Sở, Cổ Nhuế, Yên Sở, Đắc Sở..., cả một vùng phía Tây Thăng Long từ Ba La Bông Đỏ lên đến tận Sơn Tây, họ bị kẹp giữa Việt và Mường. Các làng tù binh Chăm, có khi được ở riêng nhưng xen cài giữa những làng Việt. 

Lâu dần, họ đã hòa huyết và nói tiếng Việt, thi thoảng còn lưu dấu lại chút tín ngưỡng xưa, như chùa Bà Đanh ở Hồ Tây và nhiều nơi khác, thờ một tượng thần không đúng theo tinh thần Nho giáo, khiến vua Lê Thánh Tông phải làm thơ dạy dỗ. Tượng thần Shiva và tượng Bà mẹ Xứ sở (Thiên Yana) của Chăm tìm thấy ở chùa Võng La (làng Võng La, Đông Anh, Hà Nội). Trên bia ký chữ Hán, thi thoảng có nơi vẫn khắc hình Bà Banh, như một truyền thống chưa đứt đoạn. Thậm chí, nhà khảo cổ Nguyễn Tiến Đông; Ogawa Yako còn tìm thấy những giếng nước mang đậm tính kỹ thuật của người Chăm ở xã Song Phương (Đan Phượng).

Lá nhĩ, hay gọi là tympan theo các học giả phương Tây trên các ngôi đền thờ Chămpa. Nguồn: Nguyễn Tiến Đông.

Chuyện hòa huyết giữa người Chăm và người Việt đã diễn ra từ sớm. Lê Ngọa Triều thích ăn kỳ nhông - khiến Tạ Chí Đại Trường ngờ ông là con của Lê Hoàn với một bà phi gốc Chăm. Chuyện về Hà Ô Lôi có khả năng sinh lý vượt trội, được miêu tả là một kiểu nô lệ (gia nô) gốc Chăm với nước da đen trơn láng. Năm 1448, người Chiêm Thành là Phan Mỗ dẫn hơn 340 đàn ông đàn bà sang hàng, xuống chiếu chia cho ở các đạo. 

Thời Hồng Đức, tù binh Chiêm và dân Chiêm được nhập bản đồ nhiều đến mức nhà nước còn phải ra quy chế về họ tên, nếu tên quá dài thì cắt lại chỉ còn 2 đến 3 âm tiết (như Tô Môn - Tô Sa Môn, Sa Qua - Sa Oa Qua) cho đúng với thói quen người Việt để tiện ghi chép sổ hộ tịch và quản lý suất đinh. Lại ban thêm luật cấm quan viên và dân chúng không được lén lút chứa giấu người Chiêm Thành. Tù binh Hoàng gia Chiêm (Trà Toại) trong sự kiện năm 1471 chủ yếu được an trí ngoài cửa Bảo Khánh (Ngọc Khánh, Hà Nội nay) trong ba mươi năm. Luật phải cấm quan lại hoàng thân không được lấy vợ Chiêm. Đến thời Cảnh Thống, Trà Phúc mang trộm hài cốt của cha Trà Toại trốn về nước, nô lệ người Chiêm của các nhà thế gia, công thần ở các điền trang cũng bỏ trốn về nước. Đó là một cuộc đào tẩu có tổ chức, khiến Lê Hiến Tông ra lệnh tàn sát người Chiêm ở kinh thành. 

Năm 1509, Vua Lê sai giết các nữ sử nội thần người Chiêm. Đến mức, thân thích của Trường Lạc Hoàng thái hậu là Nguyễn Văn Lang, khi bị đuổi  về Thanh Hóa, đã dẫn cả Chế Mạn - nô lệ Chiêm, cùng người ba phủ nổi nghĩa quân ở thành Tây Đô, đem quân giữ ở cửa biển Thần Phù. Năm 1516,  một người Chăm khác ở Bắc là Phan Ất (tên Đồng Lợi - vốn là gia nô của Trịnh Duy Đại), cùng hàng loạt người Việt khác theo Trần Cảo dấy quân ở chùa Quỳnh Lâm, chiếm khắp Thủy Đường và Đông Triều. Ngoài các họ Chế - Trà - Ông - Ung, ta còn biết đến cả họ Phan (vốn đọc chệch từ phiên - với nghĩa người phên dậu) cũng là một gốc Chăm đã Việt hóa. Thời Lý, ta còn biết đến một Phan Ma Lôi đi buôn sang tận Ai Lao, “có tài chủ động đánh thắng, dụng binh như thần”. Những Phan Mỗ hay Phan Ất thì đều với nghĩa là “thằng phiên nào đấy không biết tên”.

Trên đây, bài viết đã điểm qua những ảnh hưởng của Chăm trên vùng Thăng Long - Bắc Bộ. Sẽ còn nhiều ý kiến khác nữa, như chất liệu gạch đỏ son thời Lý - Trần trên tháp Bình Sơn, hay những đôi phỗng trong các ngôi đền thờ cổ kính, cột đá chùa Dạm mô phỏng linga-yoni, các vũ nữ trên tháp Chương Sơn, hình tượng garuda và kinara trong kiến trúc tháp Phật Tích,... Những biểu hiện ấy cần phải thảo luận thêm trong bài viết tiếp sau. Bởi văn hóa Chăm tuy có hiện diện và hòa tan trong văn hóa Bắc Bộ nhưng vẫn phải có giới hạn về tiêu chí, để tránh những nhận định quá đà.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi