Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5% - 10%

Trong giai đoạn 2011 - 2015, nhất là sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CPngày 24/8/2011 của Chính phủ và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, công tác bảo đảm  trật tự, an toàn giao thông đã có sự chuyển biến mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có chuyến biến tốt; trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao; bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước và giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm liên tục cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương; đặc biệt đã giảm được 12.500 người chết (giảm gần 24% so với giai đoạn 2006 - 2010). Biểu dương các địa phương có thành tích tốt trong việc giảm tai nạn giao thông, nhất là giảm số người chết vì tai nạn giao thông; đặc biệt 14 địa phương giảm số người chết trong 4 năm liên tục gồm: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Quảng Bình, Bình Định, An Giang, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông còn ở mức cao; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2015, tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt tăng cao. Một số địa phương có tình hình giảm tai nạn giao thông chưa ổn định. Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng đã giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp...

Phó Thủ tướng yêu cầu giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục giảm tai nạn giao thông hàng năm từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông ở tất cả các địa phương; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thuỷ nội địa, xe khách; phòng, tránh và khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục giao thông trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát động Phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT

Phó Thủ tướng yêu cầu phát động trên phạm vi toàn quốc “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020”. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Chiến lược Quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết của Liên hiệp quốc về “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011 - 2020".

Đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung quy định về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ; chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông; tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó bảo đảm tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; nghiên cứu xây dựng kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường thuỷ nội địa. Tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.

Đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực vận tải; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, hàng hải, đường thuỷ nội địa và hàng không, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh; đẩy nhanh tiến độ phát triển vận tải hành khách công cộng kết nối các đô thị trung tâm tỉnh với trung tâm huyện, các khu công nghiệp, cụm dân cư nông thôn, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, xe buýt nhanh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tập trung xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông, các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.

Tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông đô thị; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành các dự án đường sắt đô thị đang thi công theo đúng tiến độ; sớm triển khai các tuyến đường sắt đô thị mới theo quy hoạch đã được phê duyệt; mở rộng các đường vành đai, đường hướng tâm, đường trên cao để nâng cao lưu lượng phương tiện hoạt động. 

Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2016, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng, ban hành, chỉ đạo triển khai và tổ chức ra quân thực hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2016 ngay từ ngày đầu năm với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết", nhằm thực hiện mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2015 ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường sắt, đường bộ và đường thuỷ nội địa; khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm và tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Kế hoạch năm An toàn giao thông 2016, xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi