Chiều 9/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn, cùng nhiều bộ, ban, ngành Trung ương đã có cuộc làm việc với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, nhanh nhạy, sâu sát của toàn hệ thống chính trị Thủ đô và có thể nói Hà Nội là địa phương gương mẫu, đi đầu trong phong trào đảm bảo an ninh trật tự của cả nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm của cả nước và để phát huy tinh thần “cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước” thì trước tiên Thủ đô phải làm thật tốt mọi vấn đề, trong đó vấn đề an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, quy hoạch, xây dựng là những lĩnh vực đặc biệt quan trọng để hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Muốn vậy, Hà Nội phải luôn đổi mới, quyết tâm cao, thông thoáng hơn và cải cách hành chính phải tốt nhất cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ những thế mạnh của Hà Nội là năm 2015, với sự nỗ lực cao của các cấp chính quyền nên Hà Nội đã giành thắng lợi trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế, an ninh trật tự được đảm bảo, nhất là không để xảy ra các vụ trọng án. Thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình hay về đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu. Đặc biệt, Hà Nội đã xử lý mạnh tay, nghiêm minh, công bằng, công khai một số vụ án lớn, vừa là để răn đe, cũng như là nhằm giáo dục, nêu gương và phòng người phạm tội.
Phó Thủ tướng lưu ý, công tác phòng chống buôn lậu, đấu tranh với tội phạm phải được làm thường xuyên, quyết liệt và phải đẩy mạnh sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, chuẩn bị đủ hàng hóa có chất lượng đưa ra thị trường phục vụ nhân dân cũng hết sức quan trọng nhằm đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng, trôi nổi thâm nhập vào địa bàn. Muốn được như vậy, trước tiên chỉ đạo phải kịp thời, sâu sát, liên tục và phải thường xuyên quan tâm cả tinh thần lẫn vật chất đối với cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ khó khăn, vất vả này.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương cần quan tâm, nghiên cứu chế độ, chính sách và giải quyết kịp thời đối với những đề nghị sát thực tế của Hà Nội. Trong đó, cần ưu tiên bổ sung mạnh mẽ hơn nguồn lực, nguồn vốn ODA cho hạ tầng giao thông Thủ đô; đẩy nhanh tiến độ thi công những công trình trọng điểm; vận dụng chính sách để nâng phụ cấp cho cán bộ các ngành đặc thù và áp dụng cơ chế trích lại nguồn kinh phí hỗ trợ các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu giải đáp những đề xuất, kiến nghị của đại biểu các bộ, ngành, trong đó tới đây Hà Nội sẽ tập trung một số nội dung trọng tâm như: thành phố sẽ cấp 400 tỷ đồng hỗ trợ hàng hóa cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa; đảm bảo các điểm bán hàng hóa thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường 43 chợ hoa rải rác nhiều điểm trên địa bàn; kiểm soát không để pháo nổ thâm nhập; bố trí nhiều chuyến xe đưa đón học sinh, sinh viên, người lao động về quê ăn Tết và vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không bán hàng giả, hàng lậu và đã có 3.000 hộ thực hiện.
Đối với công tác phòng chống tội phạm và an toàn giao thông, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, dịp này ngoài việc bố trí tối đa lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra, Hà Nội còn phối hợp với trường Đại học Cảnh sát bố trí thêm 500 học viên để hướng dẫn giao thông, giải tỏa ách tắc. Công an Hà Nội cũng duy trì bố trí các Đại hội phản ứng nhanh đặt tại các điểm Mê Linh, Đông Anh, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì thường xuyên tuần tra cho các khu vực phụ cận và ngoại thành Thủ đô. Thành phố cũng đấu tranh, ngăn chặn mạnh mẽ việc vận chuyển trái phép, buôn lậu hàng hóa, nhất là từ cửa khẩu Lào Cai, Quảng Ninh vào địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay trên địa bàn Hà Nội đã kiểm tra hàng hóa trên 41.000 vụ, trong đó xử lý trên 24.00 vụ và đã khởi tố hình sự 83 vụ với 114 bị can. Tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách trên 5.522 tỷ đồng.
Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK