Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
“Hộ chiếu vaccine” và những điều chưa ngã ngũ

Trước nhu cầu bức thiết về “hộ chiếu vaccine”, hồi tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một đề xuất pháp lý liên quan tới việc tạo ra một “chứng chỉ xanh kỹ thuật số” ở cấp độ châu Âu. EC ưu tiên việc gọi là “chứng chỉ xanh” hơn là “hộ chiếu vaccine”. Đằng sau sắc thái ngữ nghĩa này, có hai vấn đề chính: Chứng chỉ này không phải là tài liệu thiết yếu để có thể đi lại trong lãnh thổ của EU - do đó nó không phải là hộ chiếu, và nó còn bao gồm các thông tin khác chứng minh sự miễn dịch của du khách ngoài việc được tiêm phòng, như xét nghiệm PCR và xét nghiệm huyết thanh.

Vẫn còn nhiều vấn đề chưa ngã ngũ liên quan đến “hộ chiếu vaccine”.

Cụ thể, “chứng chỉ xanh kỹ thuật số” này cho phép công dân châu Âu và công dân nước thứ 3 sống trên lãnh thổ của EU có thể chứng nhận sự miễn dịch theo 3 cách khác nhau: Được chủng ngừa, có kết quả âm tính bằng xét nghiệm PCR hoặc bằng xét nghiệm huyết thanh. Cần lưu ý các nước thành viên sẽ được phép cấp “chứng chỉ xanh” cho cả những người đã tiêm loại vaccine đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) và EC cho phép.

Tuy nhiên, bản đề xuất của EC lại để ngỏ việc có chấp nhận các loại vaccine khác. Theo bản tóm tắt của đề xuất, các nước thành viên có thể tự quyết định có chấp nhận nới lỏng hạn chế với các công dân EU đã tiêm loại vaccine khác hay không. Chương trình tiêm chủng tại châu Âu tới nay chủ yếu sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.

Theo công ty phân tích tài chính Finbold, vaccine của Pfizer/BioNTech chiếm tới hơn 2/3 trong số gần 65 triệu liều đã được phân phối ở EU, Lichtenstein, Iceland và Norway. Nhưng, do thiếu nguồn cung, một số nước EU đang phải tìm tới vaccine của Nga và Trung Quốc, trong khi các loại vaccine này lại chưa được EMA phê duyệt. Hungary tháng trước trở thành thành viên đầu tiên của EU đưa vaccine do Công ty Sinopharm của Trung Quốc sản xuất vào chương trình tiêm chủng. Nước này cũng đã đặt mua 5 triệu liều vaccine của Trung Quốc trong vài tháng tới. Ngoài vaccine của Trung Quốc, Hungary cũng đang sử dụng vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga phát triển. Vaccine này mới đang trong quá trình được EMA đánh giá và vẫn chưa được phê duyệt.

Ngoài Hungary, một thành viên khác trong EU là Slovakia đã nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên trong khi Cộng hòa Czech bày tỏ quan tâm tới vaccine của cả Nga và Trung Quốc. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, “chứng chỉ xanh” này có thể có hiệu lực “vào mùa hè” năm nay. Nhưng hiện chưa rõ các nước thành viên EU có chấp nhận vaccine Trung Quốc cũng như và các loại vaccine khác chưa được EMA phê duyệt trong cơ chế chứng nhận điện tử hay không. Ông John Lim, nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Singapore, nói rằng, việc thiết lập cơ chế hộ chiếu vaccine ở cấp độ quốc tế là một phần trong cuộc tranh cãi rộng hơn về đánh giá hiệu quả vaccine.

Bên cạnh đó, xét về quan điểm y tế, cho tới thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác mức độ những người được tiêm chủng có thể truyền virus hay không, cũng như không thể xác định chắc chắn thời gian miễn dịch được đảm bảo bởi 4 loại vaccine được cấp phép ở châu Âu (Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Janssen).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo 2 lần về điểm này vào tháng 4 và 7/2020, khẳng định rằng, “hộ chiếu vaccine” không thể nào được coi là hộ chiếu miễn dịch theo kiến thức khoa học hiện nay. Tuy nhiên, một nghiên cứu khoa học của Israel được công bố vào ngày 8-2 chỉ ra rằng, tải lượng virus của những người được tiêm chủng trong 2 tuần đã giảm 75%. Ngay cả trong mỗi quốc gia thành viên, sự phân biệt giữa những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng cũng có thể dẫn đến các hình thức phân biệt đối xử, bằng cách cho phép những người đã được tiêm ngừa đến nhà hàng và rạp chiếu phim, vốn bị cấm đối với những người không được tiêm chủng.

Một vấn đề chưa được ngã ngũ nữa là về vấn đề bảo vệ dữ liệu. Tháng 6/2020, người Giám sát bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPS) Wojciech Wiewiórowski nhấn mạnh rằng, việc cấu thành một hồ sơ dữ liệu như vậy có nguy cơ cao vi phạm các quyền cơ bản của người dân châu Âu và dẫn đến ý tưởng về một hình thức hộ chiếu vaccine “cực đoan”. Về phần mình, EC đảm bảo chỉ những dữ liệu y tế thiết yếu mới phải công khai cho mục đích tự do di chuyển, trong khi các thông tin khác sẽ phải được các quốc gia thành viên lưu giữ cẩn thận.

Theo các chuyên gia, ở châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, việc sử dụng các loại “chứng chỉ xanh” hay “hộ chiếu vaccine” để cho phép người dân đi lại qua biên giới sẽ vẫn là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong những tháng tới. Trung Quốc tuần này đã nới lỏng quy định cấp thị thực cho một số công nhân nước ngoài muốn nhập cảnh nước này, nhưng với điều kiện họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Nhiều người cho rằng đây là động thái nhằm quảng bá sản phẩm của Trung Quốc vì thỏa thuận nhập cảnh này đã được đưa ra với một số nước, trong đó có Ấn Độ và Mỹ - những nơi không có vaccine của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, việc thỏa thuận hoàn toàn khác biệt với việc chấp nhận vaccine và động thái này là nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại dựa trên độ an toàn và hiệu quả của các vaccine Trung Quốc. Khi được hỏi Bắc Kinh có chấp nhận các loại vaccine được sản xuất ngoài Trung Quốc hay không, ông Triệu Lập Kiên nói: “Tôi nghĩ các nhà sản xuất vaccine liên quan cũng nên nộp đơn lên cơ quan chức năng ở Trung Quốc và các cơ quan này sẽ đưa ra quyết định phù hợp theo luật pháp và quy định”.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi