Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Học tập Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với tinh thần đổi mới

Đây là Hội nghị đầu tiên do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức với quy mô lớn và sự có mặt đông đủ của gần 1.400 đại biểu, gồm các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí cán bộ chủ chốt của các địa phương, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của Hội nghị.

Do tính chất đặc biệt quan trọng của việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng yêu cầu trong thời gian diễn ra Hội nghị, không tổ chức các hoạt động hội họp, hội thảo… ở các bộ, ngành, địa phương để việc học tập, quán triệt Nghị quyết được tập trung, hiệu quả.

Mục tiêu đặt ra là qua quá trình học tập tại Hội nghị, các đại biểu tham dự là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đội ngũ báo cáo viên Trung ương nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đồng thời vận dụng các quan điểm, nhiệm vụ giải pháp vào xây dựng chương trình hành động của tập thể và cá nhân để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo sự thống nhất về ý chí và quyết tâm chính trị cao trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Chúng ta cần quán triệt sâu sắc, việc học tập, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết phải góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ;  chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch”.

Tổng Bí thư cũng nêu ra bốn mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cần bám sát trong quá trình tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết với phương châm “đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.

Thực tế diễn ra Hội nghị cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bố trí thời gian, phân công các đồng chí dự Hội nghị đông đủ, đúng thành phần.

Phát huy tinh thần đổi mới, dân chủ, nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng, các đại biểu đã tập trung nghe giới thiệu, nghiên cứu 3 chuyên đề do các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trực tiếp truyền đạt:  Những nội dung cơ bản của Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và  phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Các đại biểu dự Hội nghị đã đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng; viết thu hoạch và nêu nhiều vấn đề để trao đổi, giải đáp; đồng thời có những góp ý vào việc tổ chức Hội nghị thành công.

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư một lần nữa đề nghị trong thời gian tới, cần đổi mới mạnh mẽ trong học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng theo tinh thần thiết thực, hiệu quả, khắc phục triệt để bệnh hình thức. Khuyến khích phương pháp truyền đạt nêu vấn đề, gợi mở để người nghe chủ động nghiên cứu, quán triệt, nắm vững, hiểu sâu nội dung các văn kiện và Nghị quyết Đại hội; sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để mở rộng số lượng người được nghe truyền đạt.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chủ động, sáng tạo, xây dựng chương trình hành động vừa bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, vừa phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị; các cá nhân xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng, sát với chức năng, nhiệm vụ được giao, tuyệt đối tránh dập khuôn, sao chép, sơ lược, qua loa, làm cho xong chuyện.

Quá trình học tập, quán triệt Nghị quyết phải gắn với việc đấu tranh phê phán nhận thức lệch lạc; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; phê phán, phản bác thông tin, quan điểm sai trái… qua đó, nâng cao nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận và ý chí chính trị để nhanh chóng đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi