Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Khắc phục những yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của ngành du lịch cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Thời gian gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phát triển ngành du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, du lịch Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong khối các ngành dịch vụ, góp phần tạo việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua như việc thực hiện quản lý Nhà nước về du lịch ở nhiều nơi chưa nghiêm, chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế, môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn chậm được cải thiện, sức cạnh tranh còn thấp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững.

Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo thuận lợi cho khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là vấn đề đơn giản hóa thị thực nhập cảnh, kết nối hàng không, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch…

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần chú trọng công tác quản lý giá cả, bảo đảm vệ sinh, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch thời gian tới.

Thống kê của Bộ VH-TT&DL cho thấy trong giai đoạn 2010-2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng với mức trung bình hằng năm cao hơn so với giai đoạn 2006-2010, tăng 1,57 lần. Năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ hơn 7,94 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đón 5,55 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới  năm 2015, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá.

So với một số nước trong khu vực, du lịch Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Việt Nam được đánh giá cao đối về các chỉ số tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa và sức cạnh tranh về giá.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi