Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Khẩn trương ứng phó với cơn bão mạnh nhất 10 năm qua

Kiểm đến 69.547 phương tiện với 287.359 lao động

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tất cả các tỉnh ven biển đã kêu gọi, kiểm đếm được 69.547 phương tiện với 287.359 lao động biết được thông tin, diến biến bão. Báo cáo từ cơ quan này cho thấy, trong tọa độ nguy hiểm, có khoảng 4679 phương tiện. Hiện các phương tiện này đều đã nắm được thông tin và đang di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 4 phương tiện với 38 người ở Ninh Bình và Thanh Hoá chưa nắm được thông tin và chưa liên lạc được.

Bên cạnh đó, còn khoảng 315 lồng bè với khoảng hơn 4000 phương tiện đang hoạt động tại các khu vực ven biển. Lực lượng Biên phòng hiện đã dừng tất cả các hoạt động không cần thiết, để cùng với các địa phương kêu gọi, hướng dẫn phương tiện vào nơi tránh trú an toàn. Mục tiêu là muộn nhất chiều tối nay các phương tiện phải vào nơi an toàn. Cùng với đó, đảm bảo chằng néo chắc chắn phương tiện đã vào nơi tránh trú.

Báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết. "Chúng tôi đã chỉ đạo biên phòng các tỉnh dừng tất cả các hoạt động không cần thiết, tập trung cho phòng chống bão. Tập trung thực hiện khẩn trương trong ngày hôm nay 14-9, tiếp tục kêu gọi qua máy Icom và cần thiết sẽ bắn pháo sáng để ngư dân nhận biết. Tiếp tục kiểm tra việc chằng chống tàu thuyền ở khu vực cửa sông".


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: Nhật Bắc)

Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, chỉ còn khoảng 5% diện tích lúa chưa thu hoạch, cùng với đó có khoảng 600ha cam đang chuẩn bị được thu hoạch. Do đó, nếu bão vào, đây sẽ là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Tỉnh cũng đã có các phương án đảm bảo an toàn cho hồ chứa, các đập thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn. Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo sơ tán người dân tại những vùng nguy hiểm ngay trong chiều 14-9 theo phương châm tuyệt tối tuân thủ lệnh di dời theo các kịch bản ứng phó đã được phê duyệt. 

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, hiện còn 298 tàu chưa vào bờ, dự kiến sẽ vào trong chiều tối 14-9. Tỉnh cũng đã chỉ đạo xả bớt nước tại các hồ chứa lớn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu. Cho đến sáng 14-9, Quảng Bình đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa.

Bám sát dự báo và cảnh báo

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu công tác dự báo tiếp tục bám sát hơn, đưa ra các cảnh báo sát với thực tiễn để tổ chức ứng phó hiệu quả với cơn bão lớn này, cố gắng cao nhất để không xảy ra thiệt hại về người và tài sản.


Đường đi của bão số 10 đang hướng thẳng vào các tỉnh Bắc Trung bộ

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động của các cơ quan, lực lượng chức năng, của người dân trong triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển; tiếp tục kiểm đếm, thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu khai thác thuỷ sản, tàu vận tải, tàu du lịch,…) biết diễn biến của bão, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

“Phải chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển (bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị trên các giàn khoan, các công trình thăm dò, khai thác dầu khí, phương tiện liên quan đến hoạt động của dầu khí; đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, các vùng biển đảo, các nhà giàn’, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14-9. Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi tránh trú, hướng dẫn sắp xếp, neo đậu an toàn. 

Đối với khu vực vùng tâm bão có khả năng đổ bộ, có thể kéo tàu thuyền lên bờ hoặc di chuyển sâu vào đất liền để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu như một số trận bão trước đây; chủ động di dời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi.

Trong đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất. Khi cần thiết, huy động lực lượng vũ trang, thanh niên,... hỗ trợ nhân dân thu hoạch.

Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục tăng cường thông tin, cập nhật kịp thời diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó, tránh chủ quan.

Nguồn tin: Báo điện tử CAND
Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi