Tối 3/10, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 đã bế mạc với phần tổng kết nghệ thuật và trao giải thưởng cho các vở diễn, nghệ sĩ, thành phần sáng tạo. Có 13 vở diễn tham gia kỳ liên hoan lần này và đã có nhiều giải thưởng được trao. Tuy nhiên có thể thấy đây là một kỳ liên hoan thiếu vắng những kịch bản mới, những kịch bản mang hơi thở của cuộc sống đương đại mà chủ yếu là các vở diễn được dàn dựng lại ở các thời kỳ trước. Điều này cũng là sự phản ánh khá chân thực một đời sống sân khấu trầm buồn ở Thủ đô.
Liên hoan Sân khấu Thủ đô được tổ chức trong tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, Ban tổ chức vẫn chấp hành các nội quy, quy định của công tác phòng dịch tại các nhà hát nơi diễn ra các buổi thi diễn của Liên hoan.
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan cho biết: "Năm nay, dịch COVID hoành hành nhưng chúng tôi vẫn triển khai kế hoạch từ đầu năm và gửi giấy mời đến các đơn vị để họ lên kế hoạch tập luyện. Vừa làm công tác chuẩn bị cho liên hoan, vừa theo dõi công tác dịch bệnh nên anh chị em nghệ sĩ cũng có phần lo lắng. Nhưng cuối cùng, cả nước đã kiểm soát được tình hình và thiết lập được trạng thái bình thường mới nên chúng tôi đã quyết định bắt tay ngay vào việc tổ chức Liên hoan đúng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và hướng về ngày Giỗ tổ nghề sân khấu 12-8 âm lịch".
|
Ban tổ chức trao các giải thưởng xuất sắc dành cho đạo diễn Trần Lực, Tạ Tuấn Minh và biên đạo múa Hoài Anh. |
Vì dịch COVID-19 khiến đời sống văn hóa nghệ thuật gần như đóng băng trong suốt nhiều tháng, vì thế Liên hoan Sân khấu Thủ đô cùng với Liên hoan nghệ thuật Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND tổ chức hồi tháng 7-2020 đã thực sự là các hoạt động "hâm nóng" đời sống nghệ thuật của Thủ đô.
Diễn ra từ ngày 26-9 đến 3-10, khán giả Thủ đô đã có cơ hội được xem 13 vở diễn ở các loại hình sân khấu như chèo, cải lương, kịch nói với các vở: "Trương Chi - Mị Nương" - Nhà hát Kịch Hà Nội; "Những người ở lại" - Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội; "Huyền thoại Hà Nội" - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; "Trinh Nguyên" - Nhà hát Chèo Việt Nam; "Hoàng thúc Lý Long Tường" - Nhà hát Chèo Bắc Giang; "Người đi tìm minh chủ" - Nhà hát Cải lương Việt Nam; "Bạch đàn liễu" - LUCTEAM; "Huyền thoại Thánh Mẫu" - Nhà hát Cải lương Hà Nội; "Cánh chim trắng trong đêm" - Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu"; "Chuyện thành Cổ Loa" - Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh; "Người tốt nhà số 5" - Nhà hát Kịch Việt Nam; "Đợi đến mùa xuân" - Nhát hát Tuổi trẻ; "Tình sử Thăng Long" - Nhà hát Chèo Hà Nội.
13 vở diễn là 13 phong cách khác nhau và đã có sự đa dạng khi Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Hà Nội như các lần tổ chức Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm trước, biên độ đề tài cũng mở rộng hơn.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng các nhà hát, đơn vị nghệ thuật vẫn nỗ lực dàn dựng, tập luyện để có vở diễn tham gia kỳ liên hoan này là một điều rất đáng khích lệ, động viên. Tuy chất lượng các vở diễn theo đại diện của Ban Giám khảo là còn chưa đồng đều, nhiều vở diễn tính khái quát chưa cao, thông điệp vở diễn chưa được truyền tải một cách rõ nét, mà còn đang mải mê hoặc bị sa đà vào các "trò diễn".
|
Một cảnh trong vở "Người tốt nhà số 5" của Nhà hát Kịch Việt Nam. |
Ở kỳ liên hoan này, hầu hết các vở diễn đều là các vở được dựng lại và thiếu vắng hơi thở của cuộc sống đương đại hôm nay. Đặc biệt hơn, có những vở diễn trên sân khấu xã hội hóa lại được đầu tư công phu hơn, bài bản hơn, hay hơn, đẹp hơn nhiều so với các vở diễn của các đoàn trong biên chế nhà nước như "Bạch đàn liễu" của LUCTEAM, "Chuyện thành Cổ Loa" của Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh...
Điều này cũng là một minh họa rất rõ nét cho nhận định rằng, gần đây các sân khấu xã hội hóa đã trở nên năng động, nắm bắt tốt những nhu cầu thị hiếu của khán giả để đáp ứng và thay đổi. Còn sân khấu trong khu vực nhà nước, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội vẫn rất "hàn lâm", thậm chí là cũ kỹ, chậm hoặc ngại thay đổi, mà vẫn làm theo kiểu "Ngân sách nhà nước đặt hàng" chứ không phải "khán giả đặt hàng".
Kỳ Liên hoan năm nay chứng kiến sự bứt phá của một thế hệ các đạo diễn đầy sức sống như Tạ Tuấn Minh, Phùng Tiến Minh, Lê Tuấn, Lê Nguyên Đạt, Trần Lực... Có thể các nghệ sĩ này về tuổi đời không còn trẻ, tuy nhiêu họ đã đem đến cho đời sống sân khấu một không khí trẻ trung, tươi mới với những khám phá, dấn thân với sân khấu hết sức dũng cảm, ngoạn mục.
Năm nay, giải đạo diễn xuất sắc đã thuộc về NSƯT Trần Lực với vở "Bạch đàn liễu" và NSƯT Tạ Tuấn Minh với vở "Người tốt nhà số 5" được cho là hoàn toàn xứng đáng. Đây cũng là 2 vở diễn nhận được nhiều lời khen ngợi nhất kỳ liên hoan với tiếng vỗ tay kéo dài của khán giả và để lại dư âm sâu sắc, xúc động trong lòng khán giả. Việc trao tới 31 giải Bạc và 21 giải Vàng dành cho diễn viên cũng được cho là quá nhiều trong khuôn khổ một kỳ liên hoan chỉ có 13 vở diễn tham gia.
Có thể thấy, sự thiếu vắng những tác phẩm sân khấu mới mẻ, thiếu vắng hơi thở của cuộc sống đương đại đã khiến kỳ liên hoan năm nay cũng như đời sống sân khấu của Thủ đô trở nên hoài cổ và có phần cũ kỹ. Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi cũng kỳ vọng những yếu điểm này sẽ được khắc phục vào kỳ liên hoan sau. Dù sao, sân khấu có sức sống lâu bền và rực rỡ hay không, phụ thuộc nhiều vào khán giả. Làm cho sân khấu trở nên gần gũi với khán giả, với cuộc sống ngày hôm nay hơn, cũng chính là cách kéo khán giả đến với sân khấu!
NSND Hoàng Dũng - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo:
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV đã có sự lan tỏa tới nhiều đoàn nghệ thuật cách xa Hà Nội như TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Bắc Giang và điều đặc biệt là những vở diễn này lại phản ánh rất chân thực, hấp dẫn cuộc sống, đấu tranh của người Hà Nội xưa và nay.
Trong liên hoan lần này, nhiều kịch bản cũ đã được dàn dựng theo cách nhìn mới của ngày hôm nay, cho thấy những tư duy mới, những tìm tòi rất đáng vui, đáng trân trọng. Trong liên hoan xuất hiện nhiều đạo diễn trẻ, có tiềm năng bên cạnh những đạo diễn đã thành danh là một tín hiệu rất vui.
Nhưng có một điều mà ai cũng thấy rõ, đó là liên hoan lần này có sự thiếu vắng những kịch bản mới mà đa phần là các tác phẩm được dàn dựng lại. Vì thế, dường như thiếu đi bóng dáng của những vở diễn phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống hôm nay.
|
NSND Thúy Mùi:
Với 13 tác phẩm sân khấu tham gia Liên hoan thuộc các loại hình nghệ thuật: chèo, kịch nói, cải lương với các đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại... trong đó có nhiều tác phẩm đề cao tinh thần chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nhân cách phẩm chất con người Việt Nam nói chung và con người Hà Nội nói riêng.
Ở liên hoan lần này, tôi đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật của các tác giả, đạo diễn, diễn viên và các thành phần sáng tạo nghệ thuật trẻ tuổi. Họ đã góp phần tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng thẩm mĩ đến với người xem, góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu có sự lan tỏa, sôi động hơn.
|
Một số giải thưởng của Liên hoan
Giải Vàng vở diễn:
"Bạch đàn liễu" (Kịch bản: Xuân Trình; Đạo diễn NSƯT Trần Lực; Đơn vị: LUCTEAM.
"Người tốt nhà số 5" (Kịch bản: Lưu Quang Vũ; Đạo diễn: NSƯT Tạ Tuấn Minh; Đơn vị: Nhà hát Kịch Việt Nam)
Giải Bạc cho vở diễn:
"Tình sử Thăng Long" (Kịch bản: Phạm Văn Quý; Chuyển thể chèo: Lê Thế Song; Đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn)
"Truyền tích Cổ Loa xưa" (Kịch bản: Mai Hương - Nguyên Phương; Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt; Đơn vị: Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP. Hồ Chí Minh)
"Trương Chi - Mị Nương" (Kịch bản: Phùng Nguyễn; Đạo diễn: NSƯT Phùng Tiến Minh; Đơn vị: Nhà hát Kịch Hà Nội)
|
Trích nguồn: Báo CAND