Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Lộn... tùng phèo

Nhưng kể từ khi có con thì khác. Sớm sớm dậy đưa con đi học, kiểu gì cũng phải kiếm món gì điểm tâm. Tự dưng, thấy một ngày của mình ý nghĩa hơn hẳn khi dậy sớm. Một buổi sáng, tranh thủ lúc ăn sáng, cafe xong, làm được ối việc.

Sáng nay, thả con gái ở trường tiểu học xong, định bụng về nhà viết lách mấy dòng. Thế là miên man suy nghĩ theo dòng xe chạy xuôi chiều, tự dưng bỗng thấy thèm thèm một cặp trứng vịt lộn. Thèm thì phải ăn thôi. Nhưng buổi sáng sớm như thế này, kiếm đâu ra chỗ bán "hột vịt lộn" giữa Sài Gòn. Thế là lặn lội đi ngang chợ, mua chục trứng, ít rau răm, củ gừng, ít ớt bột. Về nhà sửa sửa soạn soạn, cũng mất béng 30 phút. Bù lại, được bữa sáng ưng cái lòng.

Những người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam hẳn thất kinh khi nhìn thấy trứng vịt lộn. Nghe đâu, nó được đồn là một trong 10 món ăn kinh dị nhất thế giới. Nhưng có những người bạn nước ngoài mà tôi quen, sống ở Việt Nam lâu năm, đã hoá ra "Tây rau muống" rồi, lại thích ăn trứng vịt lộn thực sự. Đã quen với nó thì không còn sợ nữa. Khi ấy, chỉ còn thấy cái bùi bùi, thơm thơm (chứ không còn là tanh tanh), ngầy ngậy rất quyến rũ.

Kể cũng lạ, cũng trong một nước cả, cùng một dân tộc với nhau cả mà cái cách ăn trứng/hột vịt lộn đã khác nhau rồi. Người miền trong thường ăn trứng buổi tối, nhất là khi đi nhậu. Cái tiếng rao "Trứng cút lộn, hột vịt rữa, hột vịt lộn... xào me... êiiiiii" đã quá quen thuộc với bao người, kể cả những người không khoái khẩu món này. Quen bởi nó vang lên mỗi đêm, ở mỗi lề phố, với hình ảnh một người đẩy hoặc đạp một cái xe thùng phía trước nghi ngút khói, với nào trứng, nào bắp luộc đủ màu sắc cả.

Cái điều khó lý giải vô cùng là vì sao hột vịt lộn được coi là thứ hàn, ăn dễ lạnh bụng mà người miền trong lại hay ăn nó cữ đêm, có khi là lúc đang uống bia. Còn người miền ngoài thì khác hẳn. Trứng vịt lộn nó như món ăng sáng, ăn xế nhiều hơn. Và vì coi vị nó là hàn, nên ăn kèm bao giờ cũng có gừng thái sợi, ít ớt bột với muối tiêu và rau răm để dẫn vị, dẫn mùi. Cái lối ăn ấy, cùng giờ ăn ấy, có vẻ cân bằng âm dương thật.

Cái khác hơn nữa là người miền trong ăn trứng thì đặt lên cái chung nhỏ, lấy cái muỗng gõ gõ, mở lớp vỏ trứng ra, chêm gia vị rồi xắn từng muỗng nhỏ. Muối tiêu vắt xíu chanh hoặc tắc (quất), đâm thêm ít ớt xay nhuyễn và cũng có rau răm đi kèm. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ăn với gừng. Trong khi đó, người Bắc lại đập trứng ra bát nhỏ xinh chứ, loại bát xấu xấu, men sứ cũ cũ màu hơi xỉn xỉn. Hai cách ăn khác nhau, hai thời điểm ăn khác nhau, lối gia vị cũng khác nhau rất nhiều. Điểm chung nhất, mà sau này mới thấy, là ăn với lẩu. Cái này ngon thì ngon thật, nhưng nhìn thì cũng rất sợ khi trứng đập ra chưa thả vào nồi. Sợ đến nỗi không nên tả nữa...

Nhấm nháp cặp trứng vịt lộn xong, tự dưng tôi khẽ cười một mình khi nghĩ đến ngày hôm nay. Ừ nhỉ, vẫn còn ngày mùng của tháng Hai âm lịch luôn. Ngoài Bắc, có cái tập quán cũng lạ lùng mà trong Nam hiếm thấy. Ấy là kiêng cữ vài việc, trong đó có cả ăn uống, ở trong mấy ngày "mùng" đầu tháng. Nào là kiêng thịt chó, kiêng thịt vịt, kiêng ăn mực, và kiêng cả trứng vịt lộn. Cũng có những người chẳng kiêng cữ gì nhưng không ít người giữ gìn thận trọng lắm. Thèm mấy thì thèm, mấy món ấy phải đợi qua ngày mùng. Có những ông kỹ hơn, còn đợi qua cả rằm. Họ sợ cả tháng xúi quẩy. 

Cái kiêng cữ ấy có người còn đưa lên tới "cảnh giới" đỉnh điểm là kiêng cắt tóc, kiêng cạo râu. Chưa kể còn xem cả giờ ra khỏi nhà. Điển hình là một cậu bạn học cũ của tôi. Hắn kiêng đến cả màu sắc quần áo, giày dép. Xưa, chúng tôi hay ghẹo "Ơ thế mày có kiêng tắm, kiêng gội đầu không? Nếu kiêng thế thì qua rằm mày tắm bù ngày bốn lần à?". Đúng là mê tín phát sợ.

Từ cái ngẫm ngợi về ngàn kiểu kiêng, vạn kiểu cữ ấy, tôi sực nhớ đến câu chuyện vừa xảy ra. Giữa thời COVID-19 vẫn còn là mối đe dọa lơ lửng này, những năm vạn con người đổ vể chùa Tam Chúc thì đúng là sợ thật. Rủi cái, có ông nào dính virus Corona ở đấy, ông ấy hắt hơi vài cái thì chả biết tai họa sẽ đến mức nào? Và cũng chính cái chuyện 5 vạn người dồn về một chùa này mà những tranh luận về mê tín lại rộ lên. Năm nào cũng như năm nào, câu chuyện cũ rích ấy đều được đào xới lại. Thế mà cuối cùng cũng chẳng có thay đổi gì.

Nghĩ mà thấy buồn thực sự. Việt Nam mình là nước tự do tín ngưỡng. Thần ai người nấy thờ. Thậm chí, có nhiều gia đình, vợ Công giáo, chồng Phật tử cũng vẫn chẳng sao. Cái tự do ấy quả thật khiến chúng ta không bị vướng vào những ràng buộc phiền toái có thể cản trở nhiều đến sự phát triển của xã hội. Nhưng trớ trêu thay, cái phổ biến lại không phải là niềm tin vào một tín ngưỡng nào đó một cách thuần thành. Thay vào đấy là một xã hội mê tín với sự pha trộn lộn tùng phèo của nhiều loại đức tin khác nhau. Thần, phật, quan, thánh... người ta thờ tuốt. Không còn thấy đức tin đúng nghĩa nữa mà chỉ là một mớ u mê sợ hãi. Không còn là "có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành" như các cụ nói. Chỉ còn lại "có thờ không phải vì thiêng mà chẳng qua chỉ là vì sợ".

Có khá nhiều bạn bè tôi am hiểu giáo lý nhà Phật và tôi thấy rõ, cách họ thể hiện ra ngoài đúng nghĩa là một Phật tử thuần thành. Họ không có nỗi sợ hãi nào với những thứ tà ma ngoại đạo. Họ hướng đến cái hiểu biết của triết lý hơn và không lẫn lộn những thần, ma, tiên, tà... của các tín ngưỡng khác vào đó.

Nhưng số người như vậy ngoài xã hội hiếm lắm. Phổ biến, chúng ta vẫn gặp những cá nhân lúc nào cũng muốn nói chuyện tâm linh nhưng thực sự không hề hiểu cái căn bản nhất của một tín ngưỡng là gì. Họ trộn lẫn đạo Phật vào cả đạo giáo, thêm những gia vị của đạo mẫu và dăm ba thứ tín ngưỡng khác vào. Họ tin vào gì? Không ai trả lời được. Nhưng tôi nghĩ, thứ họ tin duy nhất chỉ là nỗi sợ. Họ sợ một thế lực vô hình siêu nhiên nào đó mà bản thân họ không có một chỗ dựa đức tin đúng nghĩa để giải quyết tận cùng nỗi sợ ấy.

Tôi tự hỏi, ngày xưa, thời thế hệ ông bà, cụ kỵ mình có vậy không? Tôi e là không. Thời đó, người thờ Phật chắc chỉ tin hoàn toàn vào cửa Phật. Cách cúng dường của thời ấy có lẽ cũng khác nhiều. Và chỉ cần nhìn vào kiến trúc của chùa chiền xưa là chúng ta đủ hiểu. Nó thống nhất, nó có căn cước tính riêng của người Việt.

Còn thời nay thì sao? Chùa chiền được xây lên nhiều, hoành tráng lắm, bề thế lắm. Nhưng kiến trúc thì pha tạp. Một ít Trung Quốc, một ít Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, một ít Tây Tạng và có cả những nơi làm cổng chẳng khác gì cổng Thần đạo của Nhật Bản. Một mớ hỗn tạp ấy được tạo ra từ thứ "quái ngưỡng" dị kỳ.

Suy cho cùng, nếu con người thực sự tin vào một điều gì đó, một tín ngưỡng gì đó, họ sẽ không mất phương hướng giữa điệp điệp, trùng trùng các niềm tin khác bủa vây. Không có gì là xấu khi ta chọn cho mình một tín ngưỡng riêng ở cái thời khoa học có thể lý giải ngàn vạn điều này. Nhưng sẽ rất quái gở nếu ta đặt niềm tin vào một thứ tạp - pí - lù tín ngưỡng, lộn xộn và thiếu tinh thần chủ đạo. Chính việc đặt niềm tin một cách tạp nham như vậy là minh chứng rõ nhất cho thấy một người thực sự không có một đức tin riêng cho mình.

Việc có một đức tin riêng tinh tuyền và thuần thành là lựa chọn riêng của mỗi người nhưng thực tế nó cũng đến từ chính môi trường gia đình. Cha mẹ, anh chị tin tưởng lộn xộn kiểu mỗi nơi một tí chắc chắn sẽ dẫn tới việc con cái bị ảnh hưởng và cũng dễ lung lạc niềm tin. Sự lung lạc ấy chính là mê muội. Và hai tiếng "mê tín" quả thực quá chuẩn xác để đánh giá về niềm tin của số đông hôm nay.

Những người cho rằng đầu tháng âm lịch ăn thịt vịt, trứng vịt lộn hay mực sẽ mang lại xui xẻo có hiểu được rằng chẳng tôn giáo nào dạy tín đồ của họ kiêng cữ kiểu đó cả. Và ở miền Nam, nơi có rất nhiều người là Phật tử, không có ai tin rằng những thứ đồ ăn vặt vãnh kia lại có thể mang lại cho họ điềm gở. Cơ bản, vì khi họ tin vào Phật thực sự, sức mạnh của triết lý nhà Phật đủ cho họ hiểu ba cái kiêng cữ kia chính là thứ u mê của những kẻ thực chất không có niềm tin.

Có bao giờ, tự chúng ta hỏi mình một câu, rằng "Ừ, thực chất mình đang tin vào điều gì?". Trả lời được nó thực sự mở ra cho chính ta những cánh cửa rất lớn. Bởi vì khi xác quyết mình tin tưởng vào một tín ngưỡng duy nhất nào đó, chắc chắn chính ta phải trải qua một quá trình thách thức các niềm tin để xem thực sự chúng chinh phục ta tới mức độ nào. Chưa qua nổi những thách thức này, rõ ràng mọi thứ còn lại chỉ là mù quáng mà thôi.

Nguồn: báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi