Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0%

Gần 100% dòng thuế nhập khẩu được xóa bỏ

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại, trừ Hoa Kỳ áp dụng riêng lộ trình giảm thuế với hàng hóa của từng thành viên TPP. 

Cụ thể với Việt Nam, Hoa Kỳ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan. Canada cam kết xóa bỏ ngay 94,9% số dòng thuế, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (0,88 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào năm thứ 4. 

Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế, và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế. Với Mexico, tại thời điểm bắt đầu thực thi cam kết, tổng số 77,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay. Peru cam kết xóa bỏ tới 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17. 

Cam kết của Úc, tổng số 93% số dòng thuế của Úc, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (2,9 tỷ USD) sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi thực hiện Hiệp định. Cam kết của Newzealand sẽ xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (101 triệu USD). Vào năm thứ 7 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn. 

Cam kết của Singapore, xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định. Cam kết của Malaysia, xóa bỏ ngay đối với 84,7% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, tổng số dòng hàng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của Malaysia lên tới 99,9%. 

Cam kết của Chile, xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile (76 triệu USD). Vào năm thứ 8, Chile sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, tương ứng với 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Cam kết của Brunei, ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, Brunei sẽ xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) và sẽ xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.

Phía Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP, theo đó 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Thuế nhập khẩu ô tô, xóa bỏ vào năm 2031


Ô tô sang được xóa thuế nhập khẩu vào năm 2028.

Một mặt hàng được người tiêu dùng rất quan tâm đó là thuế nhập khẩu ô tô. Theo Bộ Tài chính, xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. Cùng với đó,Việt Nam sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch sẽ giảm về 0% vào năm thứ 16. Thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất MFN. Như vây, theo lộ trình, vào năm 2018, Hiệp định TPP mới có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với đến năm 2031, thuế ô tô nhập khẩu mới được xóa bỏ. Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000 cc trở lên, do có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sớm hơn 3 năm, nên sau 13 năm nữa, thuế ô tô các loại này mới về bằng 0%. Tuy nhiên, thuế về bằng 0 là một chuyện còn giá có giảm hay không lại là câu chuyện khác.

Về câu hỏi khi xóa bỏ thuế nhập khẩu, ngân sách sẽ hụt thu như thế nào, Bộ Tài chính cho biết, khả năng 2016 sẽ ký kết Hiệp định, và có hiệu lực vào năm 2018. 

“Việc thực hiện Hiệp định tương đối đa chiều, có những yếu tố đan xen, có thể giảm thu ở thị trường này nhưng tăng thu ở thị trường khác. Dự kiến quy mô thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn ổn định. Áp lực giảm thu sẽ có từ năm 2018 khi Hiệp định có hiệu lực. Chúng tôi đã có kiến nghị, điều chỉnh chính sách như thuế thu nhập doanh nghiệp, GTGT, thu nhập cá nhân… để đảm bảo tính bền vững của ngân sách trong thời gian tới”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Vậy, khi TPP có hiệu lực, thuế XNK giảm hàng loạt, thì giá cả các loại hàng hóa ở thị trường trong nước có giảm không? Người tiêu dùng có được hưởng lợi giá rẻ từ TPP hay không? Trả lời câu hỏi này, Bộ Tài chính cho biết cam kết thuế nhập khẩu chỉ là 1 trong nhiều cơ cấu hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, hàng hóa còn chịu các sắc thuế khác như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (với một số hàng hóa), thuế bảo vệ môi trường… Ngoài ra còn là vấn đề giá cả nguyên liệu đầu vào, thời điểm bán hàng của doanh nghiệp… 

“Các yếu tố này sẽ quyết định giá cả nên chỉ điều chỉnh, xóa bỏ một mình thuế nhập khẩu sẽ không đủ để giúp cho hàng hóa chắc chắn giảm. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu giảm cũng sẽ giúp giảm yếu tố đầu vào của các mặt hàng sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư, kích thích xuất khẩu ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội để điều chỉnh thị trường nhập khẩu”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Đỗ Thu (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi