Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những câu chuyện nhỏ của Phú Quang

1. Phú Quang đã nằm bệnh gần 1 năm do biến chứng của bệnh tiểu đường. Trong một năm qua, Hà Nội thiếu vắng những đêm nhạc của ông. Thiếu vắng bước chân ông trên từng con phố nhỏ. Người ta chỉ nghe nhạc ông trong những sản phẩm đã thực hiện trước đó và cầu nguyện cho ông sức khoẻ, mong ông quay trở lại sân khấu, ngồi bên cây đàn dương cầm để đệm cho nghệ sỹ hát trong vòm sáng của ánh đèn sân khấu. Và run run kể những câu chuyện về các tác phẩm của mình. Nhưng, sự chờ đợi vẫn đang trong những ngày tháng thinh lặng.

Khi Phú Quang nằm bệnh hồi đầu năm ngoái, tôi đã sốc. Mới trước đó, chúng tôi còn gặp nhau để bàn làm đêm nhạc của ông. Tôi sốc vì nhìn thấy hình ảnh ông nằm hôn mê trên giường bệnh với đầy dây dợ xung quanh và một thân hình hốc hác, gầy guộc. Phú Quang tôi biết, lịch lãm biết bao, kiêu hãnh biết bao. Tôi ước giá như mình không phải nhìn thấy ông lúc đó. Lúc đó, nước mắt tôi chảy ra với những câu hỏi chạy ngang dọc trong đầu mình, tại sao và tại sao?.

Hồi trước tết, một người bạn tôi bảo, sức khoẻ của Phú Quang yếu lắm. Thật xót xa. Trong lần làm show “Dương cầm lạnh và phố cũ” của tôi cùng Phú Quang, tôi đã tự đặt ra câu hỏi và chắc rằng, cũng có nhiều người đặt câu hỏi như thế. Nếu một ngày, Hà Nội vắng những đêm nhạc của Phú Quang thì sao nhỉ? Thật khó tưởng tượng được sự thiếu vắng này. Bởi lẽ, Phú Quang và Hà Nội yêu nhau thực sự như một mệnh đề, gắn bó. Những tác phẩm của Phú Quang về phố cũ, là di sản của mảnh đất kinh kỳ. Chúng giúp Hà Nội đẹp hơn trong mắt thi sĩ, là nỗi nhớ cào xé của kẻ lưu lạc kiếm sống nơi đất khách, để xơ xác mong quay trở về. Nói như Lê Hoàng, để định danh căn cước công dân Hà Nội, trong những thứ cần phải có, không thể thiếu âm nhạc Phú Quang.

2. Nhiều người mới gặp Phú Quang sẽ nghĩ ông chảnh, khó tính và hơi ngoa ngôn, phũ mồm. Tôi cũng vậy. Nhớ hồi mới chập chững bước vào nghề làm báo cách đây hơn chục năm, cuộc phỏng vấn đầu tiên của tôi với nhạc sỹ của Hà Nội bất thành. 

Mới hỏi được vài câu, cuộc trò chuyện đã dừng lại. Vì tôi ngây ngô và vô tình chạm vào vùng ký ức ông không muốn nói đến, cuộc hôn nhân vừa tan vỡ, và con gái Trinh Hương, Giáng Hương trong lúc ông đang tất tả lo cho show diễn của mình. Tôi vẫn nhớ như in căn gác nhỏ ấy tầng hai, ngôi nhà trong ngõ phố Trần Quốc Toản và bước chân nặng nề của mình sau khi rời đi. Thực là tôi đã từng nghĩ mình sẽ không bao giờ làm việc cùng Phú Quang nữa.

Nhưng rồi, sau này tôi lại có cơ duyên làm việc với Phú Quang ở một vị trí gần ông hơn, không giống như một nhà báo thông thường để chỉ có những hỏi đáp và những đề phòng. Làm cùng Phú Quang một vài show diễn và đĩa nhạc mấy năm gần đây, tôi hiểu và quý trọng và yêu ông hơn. Trong vẻ ngoài có vẻ xù xì ấy là một trái tim nồng ấm và một tâm hồn đầy kiêu hãnh, lãng mạn vô cùng. Một lần, ngồi cùng Phú Quang trong phòng khách nhà ông tại Tây Hồ. Tôi nhắc lại chuyện lần đầu gặp phỏng vấn ông, rằng ông có nhớ không?. Sau câu hỏi ấy, hai chú cháu lặng thinh. Cả hai ngượng ngùng. Tôi chột dạ nghĩ mình dại, mình không nên vì sự tò mò mà kiếm tìm sự khó xử ấy.

 Lại nói về trái tim ấm áp của Phú Quang. Tôi nhớ, trong một lần ông kể về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Chiều đông Matxcơva”. Người đàn ông ở tuổi 70 ấy vẫn nấc nghẹn từng hồi, nước mắt tưởng đã khô cạn lại rơi xuống về phận đời, phận người trong ánh chớp số phận. Ông khóc kể, khoảng những năm 1990, ông có những chuyến lưu diễn ở Nga cho kiều bào xa xứ. Mỗi lần sang Matxcơva, ông hay lang thang ra chợ Vòm (chợ trời) mua đồ và gặp gỡ đồng hương. Một lần ông chọn được vài món đồ ở quầy hàng của một người Việt, ông rút ví trả tiền thì bất ngờ anh bán hàng từ chối. Anh muốn tặng những món đồ đó cho nhạc sĩ Phú Quang bởi "anh ở Việt Nam sang, em rất nhớ Việt Nam, cái này em tặng anh thôi".

Xúc động bởi tình đồng hương, yêu mến anh bán hàng Việt Nam giữa trời Âu, ba ngày sau trở lại khu chợ, Phú Quang mang theo chút tiền và một đĩa hát được ông làm cầu kỳ để tặng người bán hàng. Nhưng, tìm không thấy anh, người ta bảo anh đã mất vì đứng ngoài trời bán đồ kiếm sống dưới cái lạnh âm 40 độ C của Matxcơva. Và vì thế, bài hát ra đời, như một sự tri ân, như một nỗi xót xa. Kể rồi, Phú Quang lại khóc.

3. Phú Quang là một người chỉn chu và lịch thiệp. Sau mỗi lần đi diễn, có đi ăn đêm, Phú Quang chăm chút và vô cùng ân cần với từng món ăn cho bố mẹ vợ dù ông thấm mệt và có thể, ông cũng ngại ăn uống ở cái giờ oái oăm với người già ấy. Điều này thì hẳn nhiên ai quen Phú Quang đều biết. 

Ông là người bận rộn và để hẹn gặp được ông thì phải gọi điện và Phú Quang luôn có rất nhiều cuộc gặp gỡ, hẹn hò với những kế hoạch nối tiếp nhau nên mỗi lần muốn gặp là phải gọi điện rồi nhắn tin nhắc lịch. Nhưng đã hẹn rồi, Phú Quang luôn đúng giờ. Ông có thói quen ngồi ở một quán nhỏ trên phố Lý Thường Kiệt. Con phố ấy luôn thanh bình, ít xe cộ và lưu giữ trong nó vẻ đẹp cũ kỹ, lãng mạn của Hà Nội kiểu quy hoạch của Pháp. Có lẽ, ở trong không gian tĩnh tại trong ồn ã ấy, Phú Quang tìm được mình, tìm được vẻ đẹp của Hà Nội trong những sáng tác đã quá đỗi nổi tiếng của ông. Là “Em ơi Hà Nội phố”, là “Nỗi nhớ mùa đông”.

Hồi còn khoẻ, Phú Quang có thói quen tổ chức show diễn định kỳ hai lần một năm vào dịp 8/3 và những ngày cuối cùng của mùa thu. Nhiều người tìm đến Phú Quang để được hát nhạc và là học trò của ông nhưng Phú Quang khá kén chọn. Để hát được nhạc của Phú Quang, không hề dễ như nhiều người nghĩ. Bởi lẽ để truyền tải được tinh thần âm nhạc của Phú Quang, cần có sự trải nghiệm và hiểu sâu sắc những gì ông viết ra. 

Thế nên, bao nhiêu năm qua, Phú Quang vẫn chỉ có một vài tri kỷ trong âm nhạc là Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Anh, Tấn Minh, Minh Chuyên... Mỗi tác phẩm cũng chỉ hợp với một vài ca sỹ. Một vài lần ông xích mích với ca sỹ vì những phát biểu nhưng không ai giận ông được lâu. Vì tình yêu âm nhạc của ông, vì những tác phẩm của Phú Quang có sức mạnh xoá tan mọi rạn nứt.

Ông cũng có nhiều sáng tác để dành tặng cho ca sĩ mà mình yêu mến và vừa vặn với họ. Giống như “Sẽ một mình thôi”, Phú Quang viết đề tặng Khánh Ly. Phú Quang nhìn thấy, tìm thấy sự đồng điệu trong nỗi cô đơn giữa ông với danh ca nên chia sẻ với bà như hai người bạn, đang ở vách sầu của cuộc đời. Hai người đồng hương cô quạnh ở nỗi buồn nhân thế tuổi 70 nên dù lúc đầu ca khúc viết riêng cho mình, để tự mình hát, rồi cuối cùng lại đưa cho Khánh Ly. Vì chỉ có bà mới ở đỉnh núi cô đơn và hát thành công ca khúc. Và quả thật, Khánh Ly đã khiến người ta ớn lạnh khi hát ca khúc này.

Phú Quang bảo, nhiều ông chủ vì ái mộ ông, ngỏ ý muốn nhờ ông viết cho ca khúc về doanh nghiệp của mình. Khi đặt câu hỏi về số tiền để được Phú Quang viết nhạc, ông đều cười, “các ông không trả nổi đâu, tôi chỉ viết nhạc khi có cảm xúc nên không thể định giá được”. Có lẽ vì thế mà Phú Quang luôn được yêu mến. Ngoài tài năng, nhạc sỹ chạm vào những góc sâu kín nhất của con người yếu mềm đa cảm nên trở thành tri kỷ với khán giả của mình, dù có thể chẳng hề gặp gỡ nhau.

Lan man kể chuyện nhỏ về Phú Quang, tôi lại ước ao được nhìn thấy các nghệ sỹ vui vẻ tập nhạc trong căn phòng nhỏ nhà ông. Được nhìn thấy Phú Quang đứng ở trên cầu thang thỉnh thoảng nói vài câu, đôi mắt cười reo lên. Tôi lại ước ao nhìn thấy ông ngồi bên ly cà phê trầm ngâm và hỏi nhỏ, đĩa nhạc vừa ra, cháu thấy có hay không? Hồi ức vẩn vơ cứ thế cuốn đi như một cuốn phim nhỏ cùng những vết xước như những clip giới thiệu đêm nhạc, tôi đã từng dựng cho ông.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi