Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nước cờ táo bạo mang lại khả năng thắng lợi của Thủ tướng Abe

Những lợi thế vững vàng của liên minh cầm quyền trước thềm bầu cử cho thấy dường như Thủ tướng Shinzo Abe đã có một nước cờ sáng suốt trong việc tổ chức bầu cử Hạ viện trước thời hạn nhằm xây dựng lại cơ sở chính trị tại cơ quan lập pháp có quyền thành lập chính phủ này.

Theo kết quả thăm dò trước thềm bầu cử, hai đảng đối lập chính là đảng Hy vọng của Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike và đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) có thể sẽ chỉ giành được khoảng 50 ghế cho mỗi đảng. 

 

Người ủng hộ lắng nghe bài phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe trước thềm bầu cử. Ảnh: JIJI.

Trong khi đó, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi lớn. Nhật báo Nikkei của Nhật Bản dự đoán liên minh cầm quyền có thể giành được khoảng 300 ghế tại Hạ viện 465 ghế, trong đó chỉ riêng LDP có thể nhận được xấp xỉ 280 ghế và chiếm đa số tuyệt đối. 

Nếu kịch bản này xảy ra, Thủ tướng Shinzo Abe có thể tiếp tục cầm quyền đến năm 2021, nhưng điều quan trọng hơn là ông có cơ hội thực thi việc sửa đổi bản Hiến pháp, cho phép gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản, trong bối cảnh vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang được coi là mối đe dọa hàng đầu. 

Những phản ứng của vị Thủ tướng đối với sự khiêu khích của Bình Nhưỡng đã giúp sự ủng hộ ông Abe tăng trở lại, cho phép ông kêu gọi tổ chức bầu cử sớm và giải tán quốc hội Nhật Bản hồi tháng 9. Đa số cử tri đều ủng hộ quan điểm cứng rắn của ông Abe đối với CHDCND Triều Tiên, tương tự phản ứng của Mỹ là chú trọng trừng phạt và gây sức ép hơn là đối thoại. 

Nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á của Tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Chatham House (Anh) và là giảng viên khoa nghiên cứu Nhật Bản hiện đại ở Đại học Cambridge, ông John Nilsson-Wright nhận định rằng: “Một sự thay đổi chính phủ vào lúc Bình Nhưỡng là mối đe dọa có thể quá đủ để người dân cảm thấy họ cần ở bên cạnh chính phủ này”, và rằng: “Không hẳn cử tri quyết tâm ủng hộ ông Abe mà vì họ không cảm thấy thoải mái với các đảng đối lập”. 

Mặc dù vậy, cuộc bầu cử trước thời hạn lần này vẫn được xem là “canh bạc” đối với Thủ tướng Abe, bởi cũng không loại trừ khả năng ông có thể rơi vào “vết xe đổ” của người đồng cấp Anh Theresa May khi quyết định bầu cử sớm trong bối cảnh Đảng Bảo thủ đang chiếm ưu thế, để rồi cuối cùng phải nhận “trái đắng” khi đánh mất nhiều ghế tại Quốc hội vào tay các đối thủ. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng đất nước Mặt trời mọc cũng cần phải “dè chừng” với đối thủ Yuriko Koike - người đã đặt các dấu mốc lịch sử trên chính trường Nhật Bản khi trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên, nữ Thị trưởng Tokyo đầu tiên và là người đầu tiên tìm kiếm cơ hội trở thành nữ Thủ tướng Nhật Bản.

Cuộc bầu cử Hạ viện năm nay có 1.180 ứng cử viên chạy đua vào 465 ghế. Trong đó, sẽ có 289 nghị sỹ được bầu trực tiếp và 176 nghị sỹ được bầu thông qua một hệ thống tỷ lệ đại diện. 

Chỉ tính đến 11h (giờ địa phương - 9 giờ Việt Nam) ngày 22-10, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn tại nước này đạt 12,24%, cao hơn so với tỷ lệ 11,08% cùng thời điểm trong cuộc bầu cử trước. Tuy nhiên, số cử tri đi bầu được công bố sau cùng khả năng sẽ thấp hơn do bão Lan đang gây ra mưa to và gió lớn tại nhiều khu vực của nước này. 

Lịch sử đã chứng minh điều này khi, trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản diễn ra tháng 10-1979, một cơn bão đổ bộ vào Thủ đô Tokyo với lượng mưa lên tới 100mm/ngày đã khiến số lượng cử tri đi bầu giảm đáng kể, chỉ ở mức 53,19%, giảm hơn 10% so với cuộc bầu cử diễn ra trước đó ba năm. 

Do đó, hàng loạt các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa vào lúc 7h để đón các cử tri tới bỏ phiếu. Bên cạnh đó, ngay từ ngày 21-10, một số khu vực miền núi và các đảo của Nhật Bản đã tiến hành bỏ phiếu sớm.

Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa lúc 20h (giờ địa phương) ngày 22-10 và kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố sáng 23-10.

Trích nguồn: Báo điện tử CAND
Biên tập: Mai Hương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi