Đồng tiền lưu niệm được thiết kế theo phong cách hiện đại, có tính biểu tượng, biểu trưng cao, chuyển tải những giá trị đặc sắc, thể hiện sự đổi mới, phát triển của ngành ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ mới.
Mặt trước của đồng tiền lưu niệm “Kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam”.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngân hàng Việt Nam (6/5/1951- 6/5/2016), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phát hành đồng tiền lưu niệm nhằm đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành ngân hàng trong thời kỳ đổi mới, đồng thời tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử dân tộc và đồng tiền Việt Nam với đông đảo người dân và bạn bè quốc tế.
Đồng tiền lưu niệm được thiết kế theo phong cách hiện đại, có tính biểu tượng, biểu trưng cao, chuyển tải những giá trị đặc sắc, thể hiện sự đổi mới, phát triển của ngành ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ mới.
Tiền có mệnh giá 100 đồng - đây là mệnh giá tượng trưng, không có giá trị thanh toán trong lưu thông, với chất liệu cotton chất lượng cao, có các kỹ thuật bảo an tinh vi như bóng chìm, dây bảo hiểm, mực đổi màu…
Mặt tờ tiền có các họa tiết như hình ảnh NHNN, Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Họa tiết trên trống đồng Ngọc Lũ, hình mây, rồng được sử dụng làm nền trên cả mặt trước và mặt sau đồng tiền lưu niệm.
Cách đây 65 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thiết lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (nay là NHNN Việt Nam).
Lần đầu tiên kể từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta có được một ngân hàng độc lập, tự chủ của chính quyền nhân dân. Cũng từ đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam được tổ chức theo quy mô lớn, hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống tài chính-tiền tệ của đất nước.
Trải qua 65 năm xây dựng, củng cố, phát triển, đổi mới và hội nhập, ngành ngân hàng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, NHNN Việt Nam đã có những bước đổi mới căn bản trong xây dựng cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành, thực thi chính sách tiền tệ, qua đó, hoạt động ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo lập nền tảng cho định hướng phát triển của hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, có sức cạnh tranh, là kênh dẫn vốn hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK