Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.
Phát biểu kết luận sau 2,5 ngày diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ tổng cộng đã có 121 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn; có 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu. Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trả lời trực tiếp chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
|
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn |
“Cơ bản các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đã được các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành trả lời, còn một số câu hỏi chưa được trả lời hoặc được phép trả lời bằng văn bản, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân trả lời, sớm gửi văn bản đến các vị đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết, với tính chất, phạm vi nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, có thể coi đây như là bước đầu tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của Quốc hội. Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và Nhân dân quan tâm mà đã được Quốc hội giám sát, ra nghị quyết yêu cầu thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
Qua phiên chất vấn cho thấy, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao đã được thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
|
Các đại biểu Quốc hội nghe Thủ tướng trả lời chất vấn |
Chủ tịch Quốc hội cho biết có những nội dung chưa sâu, nhiều chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu trong các báo cáo, đồng thời đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành các yêu cầu đã được Quốc hội đề ra, cũng như những giải pháp đã nêu tại phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội nêu ra 9 vấn đề, đề nghị các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện, trong đó, nhấn mạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới nền công chức, công vụ; tập trung xây dựng chính phủ điện tử, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa liên thông, thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tập trung xây dựng các nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; xây dựng và ban hành chiến lược chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, tăng cường kết nối, liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu.
Tiếp tục triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tập trung nguồn lực, nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động nguồn lực để thực để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, công tác quản lý nhà chung cư. Chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng đô thị, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn; rà soát, điều chỉnh, xử lý, thu hồi các “dự án treo”, bảo đảm quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và sở hữu nhà. Rà soát việc thành lập các hãng hàng không, xã hội hóa cảng hàng không; tập trung triển khai, đưa vào vận hành các dự án giao thông trọng điểm tại các thành phố lớn và có tính chất liên vùng; tiếp tục rà soát hệ thống thu phí BOT. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, quy hoạch báo chí và hoạt động báo chí theo quy định đúng của pháp luật.
“Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa; bảo tồn văn hóa truyền thống” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID - 19; khẩn trương đầu tư, nghiên cứu, sản xuất vắc xin của Việt Nam bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, chất lượng, an toàn;
Rà soát, hoàn thiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách lương hưu của người về hưu trước năm 1993. Tập trung hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ, vùng bị thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường trong việc thực hiện các dự án kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp...
Trích nguồn: Báo CAND