Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Quốc hội bàn giải pháp gỡ khó nền kinh tế và sửa Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm

Chiều thứ tư (4/6), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật CAND sửa đổi.

Một trong các nội dung được quan tâm tại kỳ họp này là việc Quốc hội thảo luận, sửa đổi Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn. Về việc sửa đổi Nghị quyết 35, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Lấy phiếu là một kênh tham khảo chất lượng cán bộ, tuy nhiên đây là lần đầu nên phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Lần này, Quốc hội sẽ xem xét sửa một số nội dung như thời điểm, đối tượng lấy phiếu.

Về thời gian tiến hành lấy phiếu, trước đây quy định là lấy 1 lần/năm, có hạn chế là thời gian ngắn quá, chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu sửa đổi, khắc phục hạn chế. Vì thế lần này sửa đổi có thể lấy vào năm thứ 3, nghĩa là vào giữa nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND (kỳ họp cuối năm). Ngoài ra, còn các nội dung về các mức lấy phiếu, đối tượng lấy phiếu.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, để ba mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) như Nghị quyết 35 là không hợp lý, vì việc lấy tín nhiệm thì chỉ có tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm. Người nào có nhiều phiếu tín nhiệm thì đương nhiên được coi tín nhiệm cao. Cách làm này cũng tránh gây ra rắc rối và sự trung dung trong bỏ phiếu. Đồng thời, đối tượng bỏ phiếu cần giản lược, thay cho bỏ phiếu cả người làm ở cơ quan lập pháp như hiện nay. Quốc hội sẽ dành ngày thứ 6 để thảo luận ở tổ về nội dung này.

Trong phiên họp đầu tuần, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013, việc thực hiện các tháng đầu năm. Báo cáo của Chính phủ trình kỳ họp này đánh giá, kinh tế nước ta đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh... rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế mở ra không gian phát triển rộng lớn nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả tại thị trường trong nước.

Chính phủ kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung vốn để thực hiện đúng tiến độ các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2014. Thực hiện các giải pháp phù hợp để thu hút mạnh các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, thủ tục để đẩy mạnh thực hiện đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách đất đai, tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền… để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng tính thương mại của dự án.

Cũng trong tuần này, Quốc hội sẽ nghe tờ trình 2 dự luật do Bộ Công an soạn thảo: dự luật Căn cước công dân và dự luật CAND sửa đổi. Chiều thứ tư (4/6), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật CAND sửa đổi. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân. Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan thẩm tra hai dự án luật, sẽ có báo cáo thẩm tra trình Quốc hội. Các dự án này trước đó đã được Chính phủ cho ý kiến, sau đó trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi nghe tờ trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ và hội trường các dự luật trên vào tuần tiếp theo. Nội dung các phiên thảo luận, Quốc hội họp riêng.

Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè