Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn có quy mô diện tích khoảng 5.692 km2, bao gồm các huyện: Định Hóa, Đại Từ và Phú Lương của tỉnh Thái Nguyên; các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang của tỉnh Tuyên Quang; huyện Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn.
Vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn được phân ra thành 4 tiểu vùng; Tiểu vùng trọng tâm ATK; tiểu vùng phía Bắc; tiểu vùng phía Nam; tiểu vùng thành phố Tuyên Quang.
Đến 2020 vùng ATK có 18 đô thị
Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, theo quy hoạch, thành phố Tuyên Quang là trung tâm thương mại dịch vụ du lịch, lưu trú cấp Vùng. Các thị trấn: Chợ Chu, Đu, Hùng Sơn, Vĩnh Lộc, Sơn Dương là trung tâm đô thị cấp khu vực trong vùng ATK với chức năng hỗ trợ về dịch vụ du lịch, đầu mối về quảng bá, đào tạo, sản xuất nông lâm nghiệp phục vụ cho phát triển du lịch và bảo tồn. Thị trấn Chợ Chu là đô thị du lịch.
Các đô thị còn lại trong vùng là trung tâm dịch vụ theo các cụm được gắn kết cùng các cụm điểm di tích nhằm hỗ trợ về hạ tầng và dịch vụ.
Đến năm 2020 vùng ATK có 18 đô thị trên cơ sở nâng cấp, mở rộng 10 đô thị hiện có và hình thành mới 8 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại III (thành phố Tuyên Quang), 3 đô thị loại IV (Hùng Sơn, Đu, Chợ Chu) và 14 đô thị loại V (Trung Hội, Giang Tiên, Quân Chu, Cù Vân thuộc tỉnh Thái Nguyên; Vĩnh Lộc, Tân Bình, Yên Sơn, Mỹ Bằng, Sơn Dương, Sơn Nam, Tân Trào, Lạc Hồng, Trung Sơn thuộc tỉnh Tuyên Quang và Bằng Lũng thuộc tỉnh Bắc Kạn).
Đến năm 2030 vùng ATK có 25 đô thị trên cơ sở nâng cấp, mở rộng 18 đô thị tính đến năm 2020 và hình thành mới so với năm 2020 là 7 đô thị.
Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm
Về định hướng phát triển du lịch, văn hóa vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh, theo quy hoạch, sẽ phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm với các loại hình du lịch chủ yếu: Văn hóa tín ngưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng, du lịch nghiên cứu, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái,...
Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với các loại hình du lịch và tính chất của Vùng, phát huy được tiềm năng lợi thế của Vùng, ưu tiên phát triển các sản phẩm địa phương như làng nghề truyền thống, sản vật địa phương có thương hiệu, lễ hội, thơ ca,...
Đồng thời, bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu gắn với phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng và phát triển du lịch. Duy trì và xây dựng không gian công cộng trong thôn bản dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng và các lễ hội đặc trưng: Lễ hội Lồng Tồng, lễ hội chè, hát then,...
Đẩy mạnh liên kết du lịch vùng ATK với các khu du lịch quốc gia thuộc các tỉnh lân cận như: Đền Hùng - ATK (Trung Sơn, Tân Trào) - Pác Bó; Hồ núi Cốc - ATK (Phú Đình, Chợ Chu) - Hồ Ba Bể; Tam Đảo - ATK (Tân Trào, Kim Bình) - Na Hang; ATK (Chợ Chu, Phú Đình, Tân Trào, Tuyên Quang) - Thác Bà;...
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK