Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân lãnh đạo giành được thắng lợi, góp phần cùng Đồng minh dân chủ quốc tế đánh bại chủ nghĩa phát-xít, kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, đem lại hòa bình cho toàn thể nhân loại. Cách mạng Tháng Tám còn góp phần tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nhanh chóng, ngoạn mục là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định, đó chính là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình và khéo léo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là đỉnh cao của 15 năm đấu tranh của toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua ba cao trào cách mạng lớn, ba cuộc tổng diễn tập cách mạng. Qua đấu tranh gian khổ, hy sinh to lớn, Đảng đã từng bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng hùng hậu. Đảng đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp và linh hoạt, luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phân hóa lực lượng kẻ thù, xác định rõ kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt.
Đảng tiên phong thật sự cách mạng, với một bộ tham mưu giỏi, một lãnh tụ kiệt xuất, nắm bắt được những lý luận, những tư tưởng tiên tiến của thời đại và biết vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể của đất nước, đề ra được đường lối cách mạng đúng đắn, phương pháp, hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt để định hướng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi.
Đảng đã coi trọng cả đấu tranh chính trị lẫn đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt hai hình thức đấu tranh này. Lực lượng vũ trang được Đảng lãnh đạo tuyệt đối, được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc có chỗ đứng vững chắc là các căn cứ cách mạng.
Đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, phương châm, phương pháp, sách lược cách mạng mềm dẻo, linh hoạt đã lôi cuốn, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, hun nóng thêm bầu nhiệt huyết, làm bừng cháy ngọn lửa cách mạng đang âm ỉ trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Trong 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng để đi đến thắng lợi Cách mạng tháng Tám đã có biết bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh oanh liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Họ đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đã tin tưởng sâu sắc vào tương lai của Đảng, của dân tộc, đã hy sinh tất cả, đem xương máu vun tưới cho cây cách mạng, cho nền cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
Trong buổi đầu của cuộc cách mạng, hầu hết các đội vũ trang cách mạng từ núi rừng Việt Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, qua vùng Ba Tơ vào đến Cà Mau đều được nhân dân giúp đỡ: vũ khí do dân trang bị, quần áo dân sắm, lương thực nuôi quân dân cho. Nhiều ông bố, bà mẹ đã dẫn con đến gặp đoàn thể xin cho vào du kích. Bà mẹ cho con đẫy vải đựng gạo đựng ngô, ông bố cho con cây súng kíp hoặc con dao phát rẫy để làm vũ khí. Có gia đình ở Cao Bằng đã bán phần lớn gia tài để mua súng cho con vào du kích, Khi phong trào sắm vũ khí để khởi nghĩa lên cao, gia đình nào cũng tìm mọi cách, kể cả bán thóc, bán trâu để mua súng. Nhiều địa phương đã tổ chức ngày hội “góp đồng đúc đạn” nhiều người đem cả đồ tế tự bằng đồng như lư hương, đỉnh đồng, chậu thau, mâm đồng… kể cả tiền xu bằng đồng quyên góp cho các lò rèn vũ khí. Ở Cần Thơ, nhân dân đã ủng hộ cho cách mạng gần 200 khẩu súng bắn chim để trang bị cho tự vệ chiến đấu…
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, ở tất cả các tỉnh, huyện, thị trấn, thị xã, các đội xung phong vũ trang, các đội tự vệ du kích đã đóng vai trò quan trọng cùng các tổ chức công nhân, nông dân, thanh niên vũ trang chiếm các công sở trước ngày giành chính quyền. Bằng các hành động yêu nước của mình, nhân dân đã tạo nên sức mạnh vĩ đại cho quân đội, cho các lực lượng vũ trang cách mạng trong Tổng khởi nghĩa năm 1945. Qua đó có thể khẳng định, toàn bộ sức mạnh của Đảng không chỉ ở bản thân Đảng mà chủ yếu bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân đã sớm được khẳng định. Ông cha ta đã quan niệm “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Nguyễn Trãi đã đúc kết: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Kế thừa và phát triển những tư tưởng tiến bộ trong lịch sử dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm, tư tưởng hết sức sâu sắc về vị trí, vai trò của nhân dân. Người cho rằng nhân dân là quý nhất, là quan trọng nhất, quyền lực của nhân dân là tối thượng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Dân là gốc của nước, của cách mạng “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân, Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử của cuộc cách mạng năm 1945.
Qua thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có thể thấy rằng mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nhân dân và Đảng là mối quan hệ khăng khít, keo sơn và có tác động hai chiều rõ nét. Đảng nhờ có sức dân đoàn kết, đồng lòng mà thực hiện thành công đường lối cách mạng, nhân dân nhờ Đảng lãnh đạo sáng suốt, tài tình mà bước khỏi lầm than, trở thành người dân của một nước độc lập.
Một sự thật hiển nhiên mà nhiều nhà khoa học đã chứng minh là, trong hơn 80 năm đấu tranh chống thực dân Pháp, hàng chục cuộc đấu tranh vũ trang oanh liệt của nhân dân Việt Nam nổ ra nhưng vẫn chưa giành được thắng lợi. Nguyên nhân chủ yếu là do các cuộc đấu tranh đó chưa có một giai cấp tiền phong lãnh đạo, chưa có lý luận cách mạng soi đường, cũng như chưa có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, đủ sức giành thắng lợi trước những kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phát-xít. Nhưng, còn một sự thật lịch sử nữa phải được làm rõ là, muốn đưa cách mạng đến thành công, không chỉ cần có một Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mà còn cần có một Đảng biết vượt qua bao thử thách, gay go, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện đường lối chiến lược và sách lược. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác nhận, để đi đến thành công của Cách mạng Tháng Tám, Đảng phải trải qua ba cuộc vận động cách mạng khó khăn, gian khổ. Đó là:
- Cuộc vận động những năm (1930 - 1935), mà đỉnh cao là phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), tiếp theo là giai đoạn khủng bố trắng và thoái trào cách mạng (1932 - 1935).
- Cuộc vận động những năm (1936 - 1939), với cao trào Mặt trận Dân chủ năm 1938, sau đó Đảng lại phải vượt qua tổn thất do khủng bố của địch và đi vào hoạt động bí mật.
- Cuộc vận động những năm (1939 - 1945), Đảng đã sáng suốt phát triển cả lực lượng chính trị lẫn lực lượng vũ trang, dấy lên cao trào tiền khởi nghĩa, chủ động nắm bắt thời cơ mới để tiến hành Tổng khởi nghĩa. Chính nhờ trải qua ba cuộc vận động đó, Đảng từng bước hoàn thiện đường lối chiến lược và sách lược.
Qua các cao trào cách mạng từ những năm 1930-1931 đến năm 1945, các tầng lớp nhân dân Việt Nam được động viên, bồi dưỡng, phát huy và làm rạng rỡ truyền thống anh hùng, đoàn kết và sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Kết quả tiêu biểu là trong thời khắc phải chớp thời cơ lịch sử, khắp nơi nhân dân thể hiện được tấm lòng vì nước quên thân, nô nức tự vệ vũ trang, hừng hực khí thế sẵn sàng tổng khởi nghĩa và đã nhất tề vùng dậy giành chính quyền. Cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra với ý chí triệu người như một. Sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân tại các địa phương gần như diễn ra đồng thời: Đầu tiên Tuyên Quang giành được chính quyền vào ngày 14-8; Hà Nội: ngày 19-8; Huế: ngày 23-8; Sài Gòn: ngày 25-8;…. Hà Tiên, tỉnh cực Nam của Tổ quốc, khởi nghĩa thắng lợi cũng trong thời khắc của tháng tám lịch sử năm 1945 (ngày 28-8-1945). Như vậy cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, được hoàn thành trong khoảng 15 ngày.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam đã chứng minh khả năng các dân tộc bị áp bức dù nhỏ yếu vẫn có thể chiến thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh nếu biết đoàn kết đấu tranh với ý chí tự lực tự cường cao độ và với sự lãnh đạo đúng đắn của một chính đảng cách mạng chân chính. Đây là cuộc cách mạng đã kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, kết hợp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp thực hiện mục tiêu dân tộc và dân chủ mang lại không chỉ độc lập cho dân tộc mà còn tự do, hạnh phúc cho con người, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ đất nước và xã hội để mở đường đi tới chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã gắn kết mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Ngay tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, tiếp tục Cương lĩnh năm 1930 của Đảng, nhân dân Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng là mục tiêu lớn của thời đại.
Hơn 70 năm đã trôi qua, sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong xã hội, với những thành tựu quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng những nguyên nhân thành công và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Tin bài: Ngọc Anh (T2)