Cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một yêu cầu bắt buộc cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai, nhưng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, kể cả TPP, không tạo ra sức ép lớn cho sự cải cách này. Đây là khẳng định của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tại hội nghị bàn tròn với các chuyên gia của World Bank (WB) và các chuyên gia Việt Nam về TPP được tổ chức vào giữa tháng 3 vừa qua.
Việc Việt Nam tham gia TPP được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn để cải cách thể chế và cải cách DNNN. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Tuyển, thực chất Việt Nam cải cách DNNN do nhu cầu tự thân và đây không phải là giai đoạn cải cách mạnh mẽ nhất của Việt Nam liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội phục vụ tiến trình đi đến phê chuẩn hiệp định này cho biết tuy có 3 nội dung đáng chú ý các DNNN sẽ phải tuân thủ như cạnh tranh bình đẳng, không được trợ cấp quá đáng gây méo mó thị trường và phải công khai hoạt động, nhưng không phải tất cả các DNNN đều phải thực hiện các cam kết này.
Cải cách DNNN xuất phát từ nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam.
Các DNNN có doanh thu hằng năm thấp hơn khoảng 16.000 tỷ đồng (vào thời điểm khi TPP bắt đầu có hiệu lực) và thấp hơn khoảng 6.500 tỷ đồng (khi có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của hiệp định. Với ngưỡng này, dự kiến chỉ một số rất ít DNNN lớn là thuộc diện điều chỉnh (bao gồm cả các DNNN đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ).
Việt Nam đã bảo lưu được việc loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Một vài doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an tham gia kinh doanh thông thường trên thị trường và có cạnh tranh với doanh nghiệp thông thường của các nước TPP thì phải tuân thủ cam kết. Ngoài ra, Việt Nam cũng loại trừ tất cả các doanh nghiệp công ích và các hoạt động thực hiện các chương trình có ý nghĩa quan trọng chiến lược như phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế vùng sâu - vùng xa, an ninh lương thực và các chương trình an sinh xã hội…
Với bề dày kinh nghiệm về đàm phán quốc tế và nghiên cứu các Hiệp định Việt Nam ký kết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng TPP không gây ra áp lực lớn cho việc cải cách DNNN.
“Quan điểm cho rằng Việt Nam sử dụng hội nhập để cải cách DNNN là không đúng. Đầu tiên là do tự nhu cầu của Việt Nam, do việc kém hiệu quả của các DNNN, bắt đầu từ năm 1990. Cải cách DNNN mạnh nhất diễn ra dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi Việt Nam đưa từ khoảng 12.000 DNNN xuống còn vài nghìn, giải tán một loạt, cổ phần hóa một loạt, dù lúc ấy chưa có hội nhập gì cả”.
So với ngưỡng ban đầu (các DN dưới 16.000 tỷ đồng không phải thực hiện hầu hết các cam kết), thì có không quá 50 DNNN có thể thuộc diện điều chỉnh, trong khi số lượng của chúng ta theo định nghĩa của TPP có thể hàng nghìn. Do đó, muốn cải cách, Việt Nam phải tự chủ động.
Nói về việc cải cách DNNN đang được tiến hành hiện nay, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, có một hiện tượng “kỳ quặc” đang diễn ra, biểu hiện ở việc số DN được tham vọng cổ phần hóa là quá nhiều, trong khi lượng cổ phần bán được không đáng bao nhiêu.
Các doanh nghiệp Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách khi gia nhập TPP. Ảnh: Hiền Hạnh
“Trong 2 năm 2014 – 2015, Thủ tướng yêu cầu cải cách 400 DN, thực tế làm được hơn 130 DN, tốc độ như vậy là khá, bởi con số đưa ra là quá tham vọng. Nhưng rất tiếc, sau cổ phần hóa, cổ phần của Nhà nước trong số DN này vẫn khoảng hơn 90%, nên không có ý nghĩa gì trong thay đổi quản trị cả. Khu vực Nhà nước vẫn chiếm rất nhiều lĩnh vực kinh doanh độc quyền và chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường. Mặc dầu số lượng DNNN đã giảm thiểu so với trước đây, nhưng tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế Việt Nam vẫn trên 30% - là mức rất lớn và kém hiệu quả vì chiếm rất nhiều tài sản, sử dụng một lượng tín dụng rất lớn. Nếu như không cải cách DNNN thì không thể nào tạo ra môi trường cạnh tranh”.
Theo thông tin từ ông Lương Hoàng Thái – Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP, TPP không cấm một nước duy trì DNNN, đó là quyền của mỗi quốc gia, nhưng TPP đặt ra các nguyên tắc cho phép DN tư nhân có thể kiện nếu DNNN được ưu đãi để cạnh tranh bất bình đẳng, yêu cầu chấm dứt ưu đãi.
Ông Thái hi vọng, đây là động lực để đến một lúc nào đó, DNNN sẽ không muốn trở thành DNNN nữa, vì không còn ưu đãi, ngược lại còn bị ràng buộc chặt hơn. Ví dụ một DN dệt may ở trung tâm thành phố di dời ra ngoại thành, nếu là DN tư nhân, có thể nhận trợ cấp từ ngân sách, nhưng DNNN lại không được.
Ông Thái dẫn trường hợp Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lãnh đạo tập đoàn này cũng đã từng khẳng định mình hoạt động được dù là DNNN, thì không có lý do gì không hoạt động được khi là DN tư nhân. Cho rằng các hiệp định thương mại tự do chưa đi đến cùng trong việc tạo ra một mô hình hoàn hảo trong quản trị DNNN, nhưng theo ông Lương Hoàng Thái, việc một số nguyên tắc đã được đặt ra như cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch… sẽ giúp một ngày nào đó DNNN cũng hoạt động theo nguyên tắc thị trường, không cần đặt vấn đề cơ quan nào được giao quản lý, hay lãnh đạo DNNN do ai chỉ định.
Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Hoàng Lương – T2