Càng gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nổ càng diễn biến phức tạp.
Trước tình hình này, ngoài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân chấp hành nghiêm Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.
|
Các đối tượng đốt pháo trên đường TP Huế khai nhận hành vi vi phạm tại cơ quan Công an.
|
Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Nghị định số 137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề. Đây là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép.
Để không xảy ra việc đốt pháo hoa nổ, pháo nổ trái phép, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo, tránh tình trạng đốt pháo hoa gây nguy cơ cháy nổ và mất ANTT địa bàn.
Theo Thượng tá Hoàng Thị Mai, Nghị định 137 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về việc được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, Tết, hội nghị... và chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Tuy nhiên, để tránh bị nhầm lẫn, người dân cần phân biệt khái niệm pháo hoa là loại pháo được phép sử dụng và pháo nổ là loại pháo bị nghiêm cấm.
Theo quy định tại Khoản 1a, Điều 3, Nghị định 137, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ hoàn toàn bị nghiêm cấm sử dụng, nếu người dân sử dụng pháo hoa nổ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 14 của Nghị định 137 còn quy định, việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ mới được thực hiện và phải bảo đảm các điều kiện đúng quy định.
Trước khi Nghị định số 137 có hiệu lực, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành kế hoạch triển khai thi hành, tuyên truyền các nội dung mới của Nghị định, đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo nổ, không để xảy ra tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu...
Qua trao đổi, Trung tá Hoàng Quốc Phong, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn cho biết, theo thống kê, những năm trước địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào vi phạm về pháo nổ bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên từ cuối tháng 12-2020 lại liên tiếp xảy ra 3 vụ việc đốt pháo hoa nổ trái phép.
Do đó, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH còn tăng cường lực lượng về cơ sở kiểm tra, chấn chỉnh, không để xảy ra các vi phạm về pháo nổ; chủ động phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường… kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường biên giới, tuyến biển nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhập lậu pháo, thuốc pháo trái phép vào địa bàn tỉnh.
Đồng thời tổ chức tuyên truyền đến các Trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, lễ hội, nhà hàng tiệc cưới ký cam đoan, cam kết không vi phạm về pháo nổ; chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương rà soát các hộ có con em đi làm ăn xa về quê đón Tết cam kết không mang pháo về quê... nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về pháo nổ, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn.
Nguồn: Báo CAND