Hòa trong không khí tưng bừng cả nước chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị đón mừng mùa xuân mới - Tân Sửu 2021, ngày 24/1, tại khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào các dân tộc cùng tề tựu về làng dân tộc Khơ Mú, vui đón Tết Gơ rơ.
Hàng trăm du khách thích thú hòa mình vào không khí đón xuân, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khơ Mú nói riêng, đồng bào các dân tộc nói chung. Với các chủ thể văn hóa này, niềm vui không chỉ dừng ở lễ hội Tết.
Sau gần nửa ngày cùng các thành viên trong “ngôi làng” của đồng bào Khơ Mú tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tất bật chuẩn bị lễ, tiến hành các nghi lễ cần thiết, Trưởng làng Lữ Văn Quang cho biết, Tết Gơ rơ được tổ chức vào dịp cuối năm với ý nghĩa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người trong gia đình, bản làng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Đây là một nghi lễ linh thiêng nhất của đồng bào trong năm, là dịp thể hiện đạo lý uống nước nguồn, nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc Khơ Mú còn được lưu giữ từ đời này qua đời khác.
|
Tết Gơ rơ nhộn nhịp du khách và đồng bào các dân tộc đến chung vui cùng người Khơ Mú.
|
Tết Gơ rơ cũng là dịp để đồng bào, những người trong gia đình, họ hàng bản làng một năm đi làm ăn xa có dịp gặp gỡ nhau, vui chơi thỏa thích, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình và toàn thôn bản.
Tại bản Xốp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, quê của ông Lữ Văn Quang, vào tháng 10, tháng 11 âm lịch, nhà nhà đều lo sắm sửa bình rượu cần để chuẩn bị vui xuân, đón Tết Gơ rơ. Theo quan niệm của các già làng, rượu cần là thức uống quan trọng để thể hiện năm vừa qua gia chủ làm ăn có phát đạt hay không. Do vậy, dù khó khăn đến đâu, đến ngày Tết trong nhà, người Khơ Mú cũng có từ 5 - 7 bình rượu cần.
Rượu cần được làm từ những hạt lúa nếp, đồ lên trộn với trấu và men lá rừng. Rượu lên hương ngào ngạt báo hiệu 1 cái Tết vui vầy sắp đến. Ngày ăn Tết được từng nhà tự chọn, kéo dài trong 1 buổi hoặc 1 ngày, tùy vào số rượu cần mà gia chủ chuẩn bị được để mời bà con đến chung vui. Mỗi gia đình đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà trống – mái, 1 vò rượu cần, 1 đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết…
Khoảng hơn 8h sáng, phụ nữ trong nhà mang rượu cần và gà sống lên bếp. Thầy cúng lấy rượu cần đầu tiên để dâng lên tổ tiên, để thể hiện sự kính trọng đối với các bậc sinh thành và thần linh núi rừng đã ban cho người Khơ Mú mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau đó, thầy cúng cắt tiết gà và gọi con cháu lại bôi huyết gà lên đầu gối mọi người…, chúc nhau năm mới sức khỏe, an lành, đôi chân luôn cứng để vững bước trên núi rừng, nương rẫy. Gà được làm thịt để chuẩn bị cho phần lễ tiếp theo. Những già làng được thầy cúng mời đến ngồi quanh chum rượu cần, vừa uống, vừa chúc gia chủ 1 năm mới tốt lành…
|
Đồng bào Khơ Mú biểu diễn tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong ngày Tết Gơ rơ.
|
Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Tết Gơ rơ gồm hai phần. Nếu phần lễ có sự linh thiêng, trang nghiêm và huyền bí thì phần hội rất tưng bừng vui tươi. Ngoài sự nhập cuộc của du khách, tất cả các dân tộc đang cư ngụ tại Làng đều mang lễ đến chung vui cùng đồng bào Khơ Mú. Thấy đoàn khách lạ, nhiều cụ ông, cụ bà đồng bào các dân tộc Tày, Nùng… cười rạng rỡ, giới thiệu với chúng tôi về Tết Gơ rơ bằng tiếng Kinh chưa sõi với niềm tự hào như thể đây là Tết của chính dân tộc mình.
Ông Hồ Xuân Lim, già làng Cơ Tu cho biết, bản của ông tại đây có 8 nghệ nhân, đến từ huyện Nam Đồng, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dịp Tết Gơ rơ năm nay, làng Khơ Mú mời các làng đến dự, mỗi làng được chuẩn bị 3 đến 4 món, là những đặc sản của dân tộc, vừa góp vui, vừa thi xem ẩm thực làng nào ngon nhất. Mặc dù ngày 24/1 mới tổ chức lễ nhưng từ ngày 20/1, đồng bào các dân tộc trong Làng đã đến chung vui, múa, hát.
“Người dân Cơ Tu nói riêng, nhiều dân tộc khác nói chung trước đây đói khổ. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư điện đường, trường trạm, đồng bào Cơ Tu và đồng bào các dân tộc anh em đỡ khổ hơn nhiều. Chúng tôi rất vui mừng khi được mời về Làng, cùng đồng bào các dân tộc anh em được tìm hiểu, học hỏi, giúp đỡ nhau.
Ngày nào chúng tôi cũng ăn mặc chỉnh tề đón khách, biểu diễn, có lúc không kịp ăn cơm nhưng vẫn rất vui vì mình giữ lại được bản sắc văn hóa của dân tộc, uy tín của mình. Có những đoàn 200 đến 300 khách, tôi rất vui khi văn hóa của dân tộc của mình được nhiều người tìm hiểu”, ông Hồ Xuân Lim xúc động chia sẻ.
Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc tại Làng đều có ngày Tết riêng. Đây cũng là ngày hội đoàn kết của toàn cộng đồng dân tộc, đưa mọi người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, để chung sức xây dựng và phát triển bản làng. Với du khách, lễ hội Tết của đồng bào là dịp đặc biệt để trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa riêng có của từng dân tộc.
Bày tỏ sự thích thú trước văn hóa mới lạ, độc đáo của đồng bào khi đến tham gia lễ hội Tết tại Làng nhưng không ít du khách cũng bày tỏ tiếc nuối vì chưa biết nhiều đến các sự kiện này, dù địa điểm tổ chức cách không xa trung tâm Thủ đô.
Về vấn đề này, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng, ông Trịnh Ngọc Chung thừa nhận, công tác truyền thông, quảng bá của Làng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục có nhiều đầu tư, đổi mới hơn nữa về nhiều mặt, từ dịch vụ, sản phẩm, nội dung hoạt động cho đến hoạt động quảng bá, để hấp dẫn đông đảo người dân đến với Làng hơn nữa.
Nguồn: Báo CAND