Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thu ngân sách vẫn là bài toán khó trong 2017

Giá dầu giảm, thu của PVN chưa đạt 60% dự toán

Dự toán thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước năm 2016 là 256,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực hiện thu 10 tháng ước chỉ đạt 176,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán, giảm 1,8% so cùng kỳ 2015.

Theo dự báo của Chính phủ, thu từ khu vực này năm nay sẽ không đạt dự toán, mà chỉ đạt khoảng 239,95 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán.

Nguyên nhân thu không đạt được cho biết chủ yếu do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, trong đó có khu vực DNNN, đã có tác động làm giảm nguồn thu. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành trọng điểm như dầu khí, than, thủy điện gặp khó khăn.

Cụ thể, do giá dầu, khí giảm, số thu từ các đơn vị thuộc Tập đoàn dầu khí ước thực hiện 10 tháng chỉ đạt 59% dự toán và giảm trên 14,8 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ; trong đó: thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt 56,5% dự toán, giảm 52,3% (khoảng 10,86 nghìn tỷ đồng); Cụm khí - điện - đạm Cà Mau đạt 59% dự toán, giảm 23% (280 tỷ đồng) so cùng kỳ; Tổng Công ty Khí bằng 26,1% so cùng kỳ (giảm 2,9 nghìn  tỷ đồng).

 

Ngành Dệt may và nhiều ngành sản xuất gặp khó đã ảnh hưởng lớn
đến thu ngân sách. Ảnh: CTV

Hạn hán diện rộng, kéo dài trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng làm doanh thu của các nhà máy thủy điện sụt giảm khá lớn. Trong 10 tháng, ước sản lượng giảm trên 19,6% so cùng kỳ, riêng thuế tài nguyên và thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng.

Giá than giảm, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn cũng khiến sản lượng tiêu thụ than mới đạt 68% kế hoạch và giảm 2% so với cùng kỳ, lượng than tồn kho tăng cao; riêng Tập đoàn Than khoáng sản doanh thu sản xuất kinh doanh chỉ đạt 63% kế hoạch năm, giảm 7% so cùng kỳ.

Ngoài những mặt hàng đáng kể trên, một số ngành khác cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá bán, nên doanh thu tăng thấp, có ngành còn giảm, như: ngành cao su, hóa chất, dệt may, da giày, thủy sản, sắt, thép, thuốc lá,... cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của khu vực DNNN.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cũng có nguyên nhân chủ quan do công tác quản trị và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn yếu.

Năm 2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc bổ sung 30.000 tỷ đồng từ việc bán cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp vào ngân sách để chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, qua 3/4 thời gian của năm nay, số tiền thu được mới đạt 1/3 (khoảng 10.000 tỷ đồng). 

Tiến độ này được đánh giá là rất chậm và Chính phủ chắc chắn sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thu đủ thêm 20.000 tỷ đồng còn lại.

Ngân sách Trung ương sẽ phải bố trí 8.500 tỷ đồng để tăng lương

Với bối cảnh hiện nay, rất nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về thu nội địa trong năm sau. Quốc hội mới đây đã thông qua dự toán thu nội địa 2017 là 990,280 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 19,5% so với ước thực hiện năm 2016.

Tuy con số này không phải thấp, nhưng Chính phủ cho rằng sẽ đạt được, do năm 2017 sẽ có một số khoản thu mới được đưa vào cân đối ngân sách như: xổ số kiến thiết, phí đảm bảo hàng hải, phí sử dụng đường bộ…; một số khoản thu đặc thù như: bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp… dự kiến sẽ đóng góp được thêm khoảng 2% vào ngân sách.

Năm 2017, Việt Nam sẽ phải huy động trả nợ khoảng 340.157 tỷ đồng, bao gồm trả nợ gốc NSNN khoảng 156,5 nghìn tỷ đồng và bù đắp bội chi khoảng 183,6 nghìn tỷ đồng.

Con số này cao hơn 86.157 tỷ đồng so với năm 2015 do nghĩa vụ trả nợ phải trả và mức bội chi phải bù đắp để đáp ứng nhu cầu chi của NSNN cao hơn.

Với số thu rất khó tăng, trong khi nhu cầu chi đầu tư phát triển lớn và nghĩa vụ trả nợ đang nặng dần lên, ngân sách 2017 sẽ phải “co kéo” khá căng thẳng.

Cũng do khó khăn này, mức tăng lương cơ bản năm sau sẽ thấp hơn kỳ vọng (sẽ chỉ tăng từ 1,21 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng). 

Với mức tăng trên, ngân sách Trung ương sẽ phải chi khoảng 6.600 tỷ đồng, nếu tính cả 1.900 tỷ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách Trung ương phải chi khoảng 8.500 tỷ đồng. Đây được cho là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm hiện nay.

Kinh doanh khó khăn, khu vực ngoài quốc doanh chiếm 77% nợ đọng thuế

Theo báo cáo của Chính phủ: Đến ngày 30-9, tổng số tiền nợ thuế nội địa khoảng 74,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% (245 tỷ đồng) so với cuối năm 2015.

Riêng khu vực ngoài quốc doanh chiếm khoảng 77% tổng số nợ thuế. Số nợ thuế tuyệt đối vẫn cao, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh, do một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán, không có khả năng nộp thuế.

Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp dẫn đến khoản tiền phạt chậm nộp tăng lên.

 

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Ngọc Ánh (T2)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi