Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thừa Thiên – Huế đón Bằng công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tối 22/9/2015, tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ban ngành cùng nhiều NSƯT, NNƯT và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực ca Huế.

Ca Huế được ra đời trong khoảng từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18 dưới triều Nguyễn với những bài bản được rút ra từ tế nhạc cung đình. Cùng với ca Trù (hát ả đào) ở miền Bắc và Đờn ca tài tử ở miền Nam thì ca Huế là một trong ba loại hình âm nhạc độc đáo trong di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam, mang tính chuyên nghiệp và phổ biến rộng rãi.

Tiết mục biểu diễn ca Huế tại buổi lễ.

Ca Huế là loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo, có giai điệu phong phú  được xây dựng trên các điệu chính như Bắc (Khánh), có tổng cộng 10 bản Ngự và 3 bản lẻ là Cổ bản, Hành vân và Lưu thủy; điệu Nam với các bản Nam ai, Nam bình, Quả phụ và điệu Nam xuân với các bản Nam xuân, Tứ đại, Phú Lục...

Đại diện lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên- Huế đón nhận bằng
công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với ca Huế.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, với những đặc trưng tiêu biểu của loại hình nghệ thuật ca Huế nói trên, ngày 8/6/2015, Bộ VHTT&DL đã có quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL công nhận ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Đây là niềm tự hào và là trách nhiệm của tỉnh nhà trong việc giữ gìn di sản ca Huế. Tới đây, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm kê, tư liệu hóa để xây dựng dữ liệu di sản về ca Huế. Qua đó đề nghị cấp thẩm quyền  cho phép lập hồ sơ di sản ca Huế đệ trình UNESCO công nhận là kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu đại diện của nhân loại”, ông Dung khẳng định.

Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ghi nhận công lao đóng góp trong quá trình giữ gìn, bảo tồn ca Huế đối với 7 nhà nghiên cứu cùng 14 nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè