Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tranh giành tiền cúng cô hồn - phản cảm và thiếu nhân văn

Theo phản ánh trên các báo, vào khoảng 16h ngày 6-9, tức ngày rằm tháng 7 âm lịch, hàng trăm người dân đổ về góc đường Trần Hưng Đạo – Phùng Hưng (quận 5, TP Hồ Chí Minh) để chờ nhặt tiền do chủ nhà ném ra từ trên tầng xuống sau lễ cúng cô hồn. Nhiều tốp thanh niên sáng tạo ra các dụng cụ vợt tiền như lưới, nón, thậm chí cắm gậy vào thùng xốp… để hứng được nhiều tiền hơn.

Sau lễ cúng, chủ nhà đứng trên ban công rải tiền xuống đường phố, tạo nên một cảnh tranh giành tiền hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau. Dư luận cho rằng, gia chủ đã dùng hơn 10 triệu đồng tiền thật để cúng cô hồn. Tiền cúng đều có mệnh giá nhỏ, từ 1.000 đồng – 10.000 đồng. Đây là cách thể hiện tâm linh của một số người kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh, mục đích rải tiền là cho các linh hồn lang thang nhằm cầu bình an. 


Hình ảnh tranh tiền cúng cô hồn ngập tràn trên báo mạng ngày 5-9 (rằm tháng 7 âm lịch).

Những hình ảnh ghi được trong cuộc tranh giành này cho thấy người giành tiền cúng đều là những thanh niên sức dài vai rộng, nhiều người vẫn đội nguyên mũ bảo hiểm xông vào đám đông. Nhìn vào các công cụ vợt tiền, ai cũng hiểu rằng họ đã chuẩn bị từ trước khá kỹ lưỡng, sáng tạo, chứng tỏ việc này đã được biết trước. Trước sự việc trên, đa số người bình luận đều cho rằng đây là hành động phản cảm, thiếu nhân văn và đáng xấu hổ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, pháp luật ở nước ta đã có quy định chặt chẽ về cách sử dụng đồng tiền và không nên vi phạm. Ứng xử với đồng tiền ở đây có vấn đề đạo đức, không có tính nhân văn. Làm như vậy trong lễ Vu Lan đã biến tất cả mọi người thành các vong hồn. Phải khẳng định, việc rải tiền trong lễ Vu Lan không phải là việc làm từ thiện, mà là người ta cúng cô hồn. Phong tục này dựa trên giáo lý nhà Phật.

Theo giáo lý nhà Phật, phải trải qua nhiều kiếp luân hồi mới trở thành con người. Trong các kiếp đó, có kiếp phạm nghiệp chướng khiến cho  vong hồn phải đi lang thang. Người ta cúng cô hồn là để cho các vong  hồn vướng nghiệp chướng được siêu thoát. “Ý nghĩa của việc cúng cô hồn nhân văn là vậy, thế nhưng người ta đã lợi dụng ngày lễ vu lan để tạo ra cái gọi là “tham”, là “si”. “Tham” ở đây là tham danh vọng, tiền bạc, còn “si” là không hiểu biết” – nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhận xét.

Trước sự việc rải tiền trong ngày cúng cô hồn, tôi lại liên tưởng đến việc rải tiền từ khinh khí cầu trong ngày ra mắt sách của một vị doanh nhân cách đây không lâu. Sau đó vị doanh nhân này đã phải lên tiếng xin lỗi dư luận về cách ứng xử với đồng tiền. Của cho không bằng cách cho. Rõ ràng, việc rải tiền của chủ nhà từ trên cao xuống là việc làm thiếu nhân văn và phản cảm.

Trong trường hợp này cũng phải khẳng định rải tiền sau lễ cúng cô hồn không phải là làm từ thiện. Và cái cách mà đám đông hỗn loạn giành giật tiền lẻ sau lễ cúng cô hồn chẳng khác gì tự họ coi mình là những cô hồn sống. Tâm lý đám đông và sự tham lam của một số người đã tạo nên một hình ảnh méo mó về văn hóa của người Việt. Mong rằng những hình ảnh đó sẽ không còn tái diễn.

Nguồn tin: Báo điện tử CAND
Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi