Ngày 2-9-1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc lịch sử, thiêng liêng và bất hủ. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã ra lời kêu gọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài triệu người như một, hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, dũng cảm tiến lên, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch. Ngày 9-9-1969, tại lễ quốc tang truy điệu Người, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc điếu văn nêu lên năm lời thề son sắt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có học tập và làm theo Di chúc của Người, mang lá cờ bách chiến bách thắng đến đích cuối cùng. Bộ Chính trị quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập và làm theoDi chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về cách sử dụng từ, như nhiều văn bản khác, Bác dùng chữ z thay cho các chữ d, gi và chữ f thay cho chữ ph. Điều này thể hiện qua cách viết các từ ngữ, cụm từ như: tự zo, hạnh fúc; nhân zịp; một lòng một zạ fục vụ zai cấp, fục vụ nhân zân; tự fê bình và fê bình; zải fóng; lãng fí ngày zờ… Ngoài ra Bác còn viết chữ “nghĩa” thành chữ “ngĩa”, chữ nghiệp thành “ngiệp”.
Trên bút tích các bản thảo của Di chúc do chính Hồ Chủ tịch đánh máy hoặc viết tay có ít nhất là 54 chữ sau đây không viết thêm dấu sắc khi chữ đã trọn nghĩa: ap, boc, bưc, băc (2 lần), biêt (2 lần), cach (14 lần), cac (26 lần), câp, cat, chuc (2 lần), chăc (3 lần), chưc, đưc, đăc, đôt (2 lần), fuc (2 lần), fat (2 lần), fap (3 lần), gop (3 lần), hêt (4 lần), it, khăp (2 lần), khac (4 lần), kêt (8 lần), khich, lơp (2 lần), mac (4 lần), măt, mat (4 lần), nươc (17 lần), nhăc, nhât (14 lần), oc, quôc (5 lần), quyêt, rât (8 lần), ret, suôt (4 lần), sưc (7 lần), sot, tăt, tôt (7 lần), tiêt, thât (2 lần), trươc (4 lần), thich, tiêp, tac (2 lần), trach, thâp, viêt, vêt, xuât, zup.
Như vậy, trong bút tích các bản thảo Di chúc tổng số dấu sắc (ù) được giảm bớt ít nhất là 168 lần… Tuy nhiên các chữ đều đã trọn nghĩa. Ví như tại bản viết tay năm 1968 ngay tại dòng thứ hai Người có viết “hạnh fuc” thay cho hạnh phúc; sau đó là các từ “tô quôc”, “cach mạng”, “vêt thương”… thay cho “tổ quốc”, “cách mạng”, “vết thương”… Điều này cho phép ta có thể khẳng định rằng việc sử dụng từ ngữ như vậy là một dụng ý của Hồ Chủ tịch.
2. Về hình thức, bản thảo Di chúc của Hồ Chủ tịch có tất cả 10 trang. Trong đó, có 3 bản đánh máy, còn lại 7 trang là viết tay.
Về bản Di chúc Người viết năm 1965 gồm có 3 trang, do chính Người đánh máy và cuối đề có ghi ngày 15-5-1965. Đây là bản hoàn thiện nhất, có chữ ký của Người và đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương. Đây là bản hoàn chỉnh nhất, còn lại các bản khác đều chưa được hoàn chỉnh về mặt hình thức văn bản, không có chữ ký của Người và đều có những sửa chữa bằng mực màu đỏ.
Năm 1966, Người viết tay sáu trang nhằm bổ sung một số đoạn. Sáu trang này vừa có bút tích của Người vừa được sửa ngay vào tài liệu. Năm 1967, 1968 vào những ngày từ 10 đến 20-5, Người lại sửa chữa, cân nhắc thêm từng từ, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy ngay trên tài liệu. Ngày 10-5-1969, Người viết tay một bản và sửa lại phần mở đầu của Di chúc – “Tài liệu tuyệt đối bí mật”.
Về chất liệu giấy Bác Hồ sử dụng viết Di chúc, đó là các tờ bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thời bấy giờ được Người tận dụng mặt sau của giấy đánh máy, viết. Đây chỉ là những loại giấy bình thường, không phải những giấy tốt, giấy trắng hai mặt chưa qua sử dụng như các bậc tiền nhân hay nhiều người khác. Điều này thể hiện một sự giản dị đến vĩ đại của một vị nguyên thủ quốc gia một đất nước, bởi điều mà Người toàn tâm, toàn ý và kỳ vọng chính là nội dung của bản Di chúc và sự thực hiện sau này của hậu thế ra sao.
3. Về bố cục, nội dung của Di chúc : Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều nội dung quan trọng về sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng thế hệ trẻ; nâng cao đời sống nhân dân và về đoàn kết quốc tế...
Về bản Di chúc đã được công bố chính thức tháng 9-1969 ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời có một số điểm về bố cục, nội dung :
Bản Di chúc được công bố năm 1969 chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969. Cụ thể cơ cấu của bản Di chúc đã công bố chính thức như sau:
- Đoạn mở đầu lấy nguyên văn toàn bộ đoạn mở đầu Bác viết năm 1969, thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965. Bút tích của Bác về đoạn này đã được chụp lại và công bố đầy đủ năm 1969.
- Từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới ở phần giữa và nguyên văn bản Bác viết năm 1965.
- Đoạn “về việc riêng”, năm 1965 Bác dặn dò về việc tang và viết về hỏa táng, dặn để lại một phần tro, xương cho miền Nam; năm 1968, Bác viết lại đoạn này dặn để tro vào ba hộp sành, cho Bắc, Trung, Nam mỗi miền một hộp. Ngoài ra còn viết bổ sung một đoạn nói về cuộc đời của bản thân như sau: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Bản Di chúc đã công bố lấy nguyên văn đoạn Bác viết về bản thân năm 1968, trừ đoạn nói về hỏa táng.
- Đoạn cuối, từ chữ “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu...” cho đến hết là nguyên văn đoạn Bác viết năm 1965. Về đoạn này, năm 1968 và năm 1969 Bác không sửa lại hoặc viết thêm.
- Trong bản Di chúc đã công bố, các đoạn đều lấy nguyên văn bản gốc, chỉ có một câu có sửa lại. Bản năm 1965 Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”; bản công bố chính thức sửa lại là: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.
Bộ Chính trị Trung ương Đảng (Khoá VI) khẳng định bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời Bộ Chính trị cũng khẳng định việc chọn bản Di chúc Bác viết năm 1965 để công bố chính thức là đúng đắn, vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đương thời; lấy đoạn mở đầu Bác viết năm 1969 thay cho đoạn mở đầu Bác viết năm 1965 là hoàn toàn hợp lý vì Bác qua đời năm 1969, và nội dung bản viết năm 1969 cũng phong phú hơn.
Đoạn "về việc riêng", bổ sung thêm phần Bác viết năm 1968 vào bản Bác viết năm 1965 là rất cần thiết, để phản ánh được cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng, vì dân, vì nước của Bác”.
Gọi là Di chúc, nhưng thực tế cho thấy những gì dành cho riêng bản thân Người thật quá ít ỏi, ở phần được gọi là “việc riêng” Người chỉ gói gọn trong 79 chữ, đúng bằng số mùa xuân mà Người đã trải qua. Sự trùng hợp này cũng thật đặc biệt. Hơn nữa, tuy được Người gọi là việc riêng, nhưng dường như, bất cứ ai soi vào cũng thấy việc Bác nói liên quan đến cả mình, là việc chung của cộng đồng xã hội : “Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân…”.
Có thể nói rằng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài liệu lưu trữ đặc biệt của Đảng ta, dân tộc ta. Đây là một văn kiện chính trị với bao nỗi niềm, nhất là những điều mà Đảng ta, mà Bác còn chưa thực hiện được để gửi gắm, căn dặn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có trách nhiệm tiếp nối cuộc hành trình và đến hôm nay, tất cả các vấn đề Người nêu ra vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
4. Ý nghĩa của Di chúc
45 năm trước, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, Bác Hồ kính yêu của dân tộc đã ra đi. Trong một ngày đau thương, hàng chục vạn đồng bào tụ họp trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, cùng hàng chục triệu người Việt Nam từ mọi phương trời, từ hai miền Nam Bắc, trong và ngoài nước đã khóc lặng, thành kính đón nhận từng dòng, từng chữ trong Di chúc Người gửi lại. Những lời căn dặn, những điều mong muốn của Bác luôn hiện diện và là kim chỉ nam trên mỗi chặng đường phát triển của dân tộc. Bản Di chúc đó mãi mãi vẫn là tấm gương chiếu rọi cho các lớp hậu thế trên mỗi đoạn thác ghềnh của lịch sử. Di chúc của Bác có một số ý nghĩa tiêu biểu như sau :
- Di chúc của Hồ Chủ tịch là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng loài người. Việc tiếp tục nghiên cứu, học tập, khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn của Di chúc trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là khi toàn Đảng, toàn quân, toàn quân ta đã chuyển việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sang tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc sống thường nhật của toàn xã hội.
Thực hiện lời thề trước anh linh của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên, sức mạnh của cả dân tộc được huy động cao độ dồn sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện lời tiên đoán sáng suốt và điều mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”... Có thể nói, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự “dự đoán” lịch sử có căn cứ, nó góp phần tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và cổ vũ nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn để đi tới thắng lợi cuối cùng.
- Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta và phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, tác phong, đạo đức và tình cảm cao đẹp của Người. Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, suốt đời Bác chăm lo cho công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Trong Di chúc, lời đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người đặt lên hàng đầu vấn đề đoàn kết. “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đồng thời, Người chỉ ra những nguyên tắc quan trọng để thực hiện được sự đoàn kết nhất trí : “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Lường trước những nguy cơ của một đảng cầm quyền, trong Di chúc Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.Chỉ trong một đoạn văn ngắn, Người đã bốn lần dùng chữ thật và thật sự, chắc chắn đây là điều Bác đã cân nhắc rất kỹ. Điều căn dặn tâm huyết của Người mãi mãi có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng cũng như đối với việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức của đội ngũ đảng viên, cán bộ.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã luôn chăm lo, đặt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên coi đó là nhiệm vụ then chốt là điều kiện quyết định đảm bảo thắng lợi của cách mạng. đã thu được những kết quả quan trọng: Dân chủ trong Đảng và trong xã hội được mở rộng, ý thức trách nhiệm và tính tích cực vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên nâng cao. Hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng được tiến hành thường xuyên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên có những chuyển biến tích cực. Lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo ngày càng tăng.
- Là người con ưu tú của dân tộc, cả cuộc đời của Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân… Đối với nhân dân ta, Bác Hồ bao giờ cũng dành một tình thương yêu hết sức đặc biệt. Người chỉ có một tâm niệm: Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Điều mong muốn của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Thực hiện lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra… đem lại sự phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh khôi phục kinh tế ổn định đời sống nhân dân đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế - xã hội đạt được còn thấp so với yêu cầu của kế hoạch và công sức bỏ ra. Sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng, toàn dân, công cuộc đổi mới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Đất nước đã ra khỏi cuộc khủng hoảng. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ; công tác xoá đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có những tiến bộ .Nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá đã phát triển rộng khắp tạo ra diện mạo mới trong cả nước.
Một ý nghĩa quan trọng khác về công tác thanh niên, trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ trẻ. Người nói: thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên.Trong Di chúc, Người khẳng định: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Người dặn lại: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”… “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Thực hiện lời hứa với Người Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên phấn đấu rèn luyện và cống hiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế hệ trẻ Việt Nam đã có nhiều hoạt động, nhiều phong trào: Tuổi trẻ giữ nước, lập thân, lập nghiệp, thanh niên tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… Thông qua các hoạt động, thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng, thực hiện Di chúc của Người.
- Về công tác đối ngoại, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ căn dặn những việc cần làm đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta, Người còn mong Đảng ta làm tốt nghĩa vụ quốc tế. Từ một người yêu nước, trở thành một chiến sỹ lỗi lạc trong phong trào cách mạng thế giới, Người luôn giáo dục Đảng ta, nhân dân ta phát huy và xây dựng tình cảm quốc tế trong sáng, Người cho rằng sự đoàn kết và ủng hộ của quốc tế có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và ngược lại thắng lợi của cách mạng Việt Nam góp phần tích cực đến cách mạng và hoà bình thế giới. Người là hiện thân của tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Trong Di chúc Người có ý định đến ngày chiến thắng “Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ, giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Người nhắc nhở và căn dặn: “Tôi mong Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.
Thực hiện Di chúc và lời thề với Người, Đảng ta đã phát huy tinh thần và tình cảm quốc tế trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn xây dựng và củng cố tình đoàn kết với các Đảng Cộng sản, với nhân dân các nước bầu bạn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, với tinh thần Việt Nam là bạn và là đối tác tin cậy của các nước, vì hoà bình độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Hoạt động đối ngoại của nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết quốc tế, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới và hoà bình, hữu nghị, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Toát lên từ toàn bộ Di chúc là tinh thần yêu nước, yêu nhân dân vô bờ bến, là niềm tin sắt đá vào độc lập tự do của Tổ quốc, vào chủ nghĩa xã hội, vào chủ nghĩa Mác – Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969 có đoạn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời! Nhưng Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỉ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỉ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời nhưng Người luôn dẫn dắt chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người…”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 45 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ Tich Hồ Chí Minh toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua bao khó khăn, thách thức giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy vậy,cũng còn những việc chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa tốt và xin hứa với Bác sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện Di chúc bằng những hành động cách mạng, quyết tâm phấn đấu thực hiện những lời căn dặn và lời hứa trước anh linh Người.
Cùng với thời gian, chúng ta ngày càng nhận rõ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quý báu của Đảng và của nhân dân ta, là những chỉ dẫn và là nguồn cổ vũ hết sức to lớn để đất nước ta tiến lên giành thắng lợi thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để thoả lòng mong ước của Người.
Nguyễn Thị Thu Trang
Bộ môn Pháp luật, Trường Cao đẳng CSND I