Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xứng đáng là chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân

Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, thành lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 2-9-1945, từ Thủ đô Hà Nội, trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn thể hiện rõ khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do ấy; đồng thời nêu rõ quan điểm, tư tưởng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Từ quan điểm, tư tưởng đó, ngay sau khi tuyên bố độc lập, một trong những công việc cấp bách hàng đầu được Chính phủ lâm thời đặt ra là phải tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc hội khóa đầu tiên theo chế độ phổ thông đầu phiếu, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước với nhiệm vụ xây dựng và ban hành một bản Hiến pháp đầu tiên nhằm thiết lập cơ chế Hiến định cho một chế độ Nhà nước của quốc gia độc lập.

Với thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Quốc hội lập hiến được thành lập và bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946) của một Nhà nước dân chủ được xây dựng và thông qua. Ngay tại lời nói đầu của bản Hiến pháp năm 1946, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ Nhà nước đã được xác định: “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Theo đó, nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo (Điều thứ 1).


Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TL

Quan điểm xây dựng và thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân được khẳng định từ Hiến pháp năm 1946, được kế thừa và phát triển nhất quán trong suốt lịch sử lập hiến của Việt Nam. Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chủ quyền nhân dân là nội dung xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và đã thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Thực tiễn lịch sử 72 năm hình thành và phát triển của Nhà nước ta cho thấy, cội nguồn sức mạnh và sự sáng suốt của Nhà nước ta là từ nhân dân; Nhà nước tiếp thu, phát triển và sử dụng sức mạnh, sự sáng suốt ấy để phục vụ nhân dân.

Sức mạnh của Nhà nước ta bắt nguồn từ nhân dân. Điều đó được thể hiện qua việc nhân dân trực tiếp bầu ra đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp để lập ra bộ máy Nhà nước nhằm thực hiện quyền lực của nhân dân. 

Quyền lực của bộ máy Nhà nước xuất phát từ quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy quyền. Đó chính là sức mạnh nhân dân. Sức mạnh ấy được khẳng định bởi niềm tin và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với các cơ quan của Nhà nước ở Trung ương và địa phương. 

Sức mạnh ấy được tăng cường và phát huy khi Nhà nước thực sự xứng đáng với sự tin tưởng và yêu mến của nhân dân; khi bộ máy Nhà nước ý thức được trách nhiệm của mình trước nhân dân, tự giác tôn trọng và phục vụ lợi ích của nhân dân, biết lắng nghe nhân dân và hành động vì lợi ích của nhân dân.


Cử tri Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1 ngày 6/01/1946

Sự sáng suốt của chính quyền nhân dân khởi nguồn từ sự sáng suốt của chính các tầng lớp nhân dân. Trí tuệ và sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân đã tạo nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện tâm hồn, khí phách và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trí tuệ và sự sáng suốt ấy là cơ sở, nền tảng cho Đảng, Nhà nước ta nghiên cứu, tiếp thu để đề ra những chính sách đúng đắn và phù hợp, qua đó lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của mình, dù trong hoàn cảnh nào, các cơ quan Nhà nước cũng luôn gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý chí, nguyện vọng của nhân dân, học hỏi nhân dân, tổng kết kinh nghiệm của nhân dân để từ đó xây dựng, đề xuất chủ trương, chính sách nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân. Sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong các phong trào quần chúng, các kiến nghị, các phản biện của nhân dân phải luôn được các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, tiếp thu, tổng kết thành các bài học kinh nghiệm, khái quát thành những vấn đề có tính lý luận làm cơ sở cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức.

Bài học lấy dân làm gốc được Đảng ta đúc kết trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã thể hiện nhận thức sâu sắc của Đảng ta về sức mạnh và nguồn sáng tạo của nhân dân. 

Bài học đó cho thấy, chỉ khi nào, chúng ta thực sự biết dựa vào dân, lắng nghe nhân dân, trung thành với lợi ích của nhân dân, chúng ta mới thực sự có sức mạnh và trí tuệ để thực hiện đúng đắn quyền lực của nhân dân trong mọi giai đoạn phát triển lịch sử. Xa rời nhân dân, không tôn trọng dân, không biết tiếp thu và phát triển nguồn sức mạnh và trí tuệ từ nhân dân là nguy cơ làm suy yếu sức mạnh, trí tuệ, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước.

Trong quá trình trưởng thành và phát triển, Nhà nước ta về cơ bản luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân, vì nhân dân, nên được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Một trong những biểu hiện sinh động về sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân với Nhà nước ta là tỷ lệ cử tri tham gia các cuộc bầu cử luôn ở mức cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực trong việc phục vụ nhân dân, có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức xa rời nhân dân, thiếu tôn trọng nhân dân, vi phạm lợi ích của nhân dân, tham nhũng, lãng phí. Nhân dân chưa hài lòng trước những bất cập, yếu kém trong tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước thời gian qua, trước các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật chậm được phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy Nhà nước, những quyết định không hợp lòng dân, những hành vi ứng xử không đúng với chuẩn mực đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ công chức thoái hóa, biến chất đang làm suy yếu sức mạnh, mối liên hệ giữa Nhà nước và nhân dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước. 

Những vấn đề này đã được Đảng ta nhiều lần chỉ rõ và sẽ tiếp tục được phân tích, đánh giá để có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, sức mạnh, tầm trí tuệ của bộ máy Nhà nước, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.

Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là một dịp để nhìn lại quá trình phát triển của bộ máy Nhà nước chúng ta, khẳng định và tự hào về những đóng góp quan trọng của bộ máy Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Đồng thời, nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ những yếu kém, bất cập trong tổ chức và hoạt động của mỗi cơ quan Nhà nước nói riêng và bộ máy Nhà nước nói chung, ý thức rõ trách nhiệm trước nhân dân để tiếp tục đổi mới, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn lợi ích của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong (bìa phải) gặp gỡ thanh niên tiên tiến. Ảnh: Thanh niên

Quốc hội Việt Nam, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân qua 71 năm với 14 khóa Quốc hội đang không ngừng phát triển và trưởng thành. Trong quá trình phát triển ấy, Quốc hội Việt Nam luôn luôn gắn bó với nhân dân, nhận sự ủy quyền từ nhân dân, tiếp nguồn sáng tạo và sức mạnh từ nhân dân đã và đang hoàn thành những nhiệm vụ cao cả mà nhân dân và Hiến pháp trao cho. 

Mỗi bước trưởng thành của Quốc hội Việt Nam đều là kết quả của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với cử tri và các tầng lớp nhân dân, giữa sức mạnh trí tuệ của nhân dân và sức mạnh trí tuệ của từng đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội.

Trong điều kiện mới của sự phát triển, nhân dân đang đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trong 71 năm xây dựng và trưởng thành, khắc phục mạnh mẽ, quyết liệt những yếu kém trong hoạt động lập Hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, để thật sự trở thành biểu tượng của sức mạnh và trí tuệ của nhân dân.

Với phương châm đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và tự hào dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước, mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cơ quan Quốc hội và toàn thể Quốc hội Việt Nam phải tự đổi mới mình, bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo Hiến pháp và pháp luật để thực hiện có hiệu quả sứ mệnh của một cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Với tư cách là người đại diện cho ý chí, tiếng nói và lợi ích của cử tri, mỗi đại biểu Quốc hội phải tiếp tục rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn để thực hiện có hiệu quả các ủy quyền của nhân dân trong hoạt động của Quốc hội; tăng cường chất lượng, hiệu quả các hoạt động của cá nhân đại biểu theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và chương trình hành động trước cử tri; thường xuyên gắn bó mật thiết với cử tri, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, kịp thời phản ánh trung thành và đầy đủ ý chí, nguyện vọng của cử tri cho Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. 

Mỗi đại biểu Quốc hội phải tự giác đặt mình dưới sự giám sát của cử tri, tự phê bình trước nhân dân, học hỏi ở nhân dân, làm cầu nối tin cậy giữa cử tri, nhân dân với Quốc hội, giữa nhân dân với Đảng, xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân.

Các cơ quan của Quốc hội phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. 

Hoạt động của các cơ quan của Quốc hội phải bám sát thực tiễn sinh động của đời sống, nắm bắt kịp thời và chính xác những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của cử tri và các tầng lớp nhân dân, để tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách cho Quốc hội trong hoạt động xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Quốc hội Khóa XIV phát huy các thành tựu của 13 khóa Quốc hội trước đây, nhận rõ trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc, đang tích cực đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn mong ước và niềm tin của cử tri và các tầng lớp nhân dân trong các hoạt động của mình.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động lập pháp theo đúng quan điểm, lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc là gốc của mọi đạo luật. Mỗi đạo luật, mỗi quyết định của Quốc hội đều phải xuất phát từ lợi ích của các tầng lớp nhân dân, đều phải là sự kết tinh ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, trong quá trình lập pháp, Quốc hội đặc biệt tôn trọng lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân về từng dự án luật để không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, ý chí của nhân dân, nguyện vọng của nhân dân và trí tuệ của nhân dân là cơ sở quan trọng để Quốc hội dựa vào đó mà xem xét, quyết định những chủ trương, chính sách phù hợp với lòng nhân dân, phù hợp với thực tiễn đất nước, tăng cường sự đoàn kết và đồng thuận xã hội.

Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động giám sát tối cao đối với tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước. Các chuyên đề giám sát, nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật trên các mặt của đời sống xã hội. 

Các kết quả giám sát phải tạo ra được những chuyển biến tích cực để khắc phục hạn chế, yếu kém trong thực tiễn thi hành pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, xã hội và công dân; kịp thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các hành vi xâm hại đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Quốc hội tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại nghị viện tăng cường sự hợp tác, đoàn kết quốc tế giữa các nghị viện; thúc đẩy và tăng cường sự đoàn kết và hữu nghị giữa nhân dân các nước; nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình và phát triển của thế giới ngày nay.

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những nhiệm vụ mới, thách thức mới, Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước càng nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao trước nhân dân và dân tộc; đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu phát huy các thành tựu đạt được, kiên quyết khắc phục các tồn tại, yếu kém, để thực sự xứng đáng là chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đã được Hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên- Hiến pháp năm 1946.

Nguồn tin: Báo điện tử CAND
Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi