Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tra cứu, tìm kiếm miễn phí các quy định pháp luật tại Bộ pháp điển Việt Nam

Sắp xếp khoa học, logic, dễ sử dụng, tra cứu

Bộ pháp điển Việt Nam được xây dựng, hình thành từ gần 9 nghìn văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đang còn hiệu lực của cấp trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề. Trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều để mục (có 271 để mục thuộc 45 chủ đề). Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản được pháp điển vào mỗi để mục.

Với cách pháp điển như vậy, Bộ pháp điển sẽ giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật, qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và trình độ pháp lý của người dân ngày càng được nâng cao.

Tra cứu, tìm kiếm miễn phí các quy định pháp luật tại Bộ pháp điển Việt Nam -0
Hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển Việt Nam. 

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, sau 10 năm triển khai, thực hiện, đến nay, Bộ pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực. Hiện đã có gần 2 triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Trong thời gian tới, công tác hệ thống hóa VBQPPL được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và Bộ pháp điển Việt Nam ngày càng lan tỏa, phát huy được giá trị hữu ích trong thực tiễn, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Thông qua công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm "sạch" gần 9 nghìn VBQPPL của Trung ương, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. 

Dùng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển công tác pháp điển

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, trong thời gian tới, cùng với các bộ, ngành liên quan, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế về rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật để tăng cường hơn nữa trách nhiệm, hiệu quả thực hiện của nhiệm vụ này trong thời gian tới, trong đó cần lưu ý đến việc quản lý đầy đủ toàn bộ hệ thống VBQPPL cũng như hiệu lực thi hành của các văn bản. 

Các cơ quan cần tăng cường tính chủ động, thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh công tác rà soát thường xuyên, kịp thời thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo sát sao việc thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; xác định chính xác hiệu lực của văn bản, thực hiện xử lý VBQPPL để chấm dứt hiệu lực của VBQPPL, công bố VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực theo đúng quy định pháp luật và cập nhật kịp thời các quy định pháp luật trong Bộ pháp điển.

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế nói chung và công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật nói riêng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy mạnh số hoá, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo đảm nguồn lực kinh phí phục vụ triển khai hiệu quả các công tác này; thường xuyên cập nhật, quản lý, duy trì kết hợp với truyền thông, giới thiệu và hướng dẫn để từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ pháp điển.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện trách nhiệm đăng tải đầy đủ, kịp thời, cập nhật chính xác tình trạng hiệu lực của văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Đồng thời, quan tâm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản pháp luật “đúng, đủ, sạch, sống” vận hành liên tục, ổn định, không chỉ phục vụ việc tra cứu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện mục tiêu công khai, minh bạch hệ thống pháp luật, mà còn là cơ sở để triển khai hiệu quả các công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, trong xây dựng, hoàn thiện đến tổ chức thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi