1. Bác Hồ chăm lo xây dựng Công an nhân dân Việt Nam
Trong quá trình chăm lo xây dựng CAND Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến bản chất giai cấp công nhân, yếu tố cốt lõi của CAND. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ và toàn lực lượng CAND phải đặt lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, CAND phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phải phục tùng đường lối, chính sách của Đảng. Người dạy: “Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản”(1), “Công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô Hà Nội, mùng 1 Tết Quý Mão (1963). Ảnh tư liệu.
Hoạt động của lực lượng Công an phải luôn nhận rõ sự phục tùng lãnh đạo của Đảng “Công tác Công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”(3).
Do đó, từ khi được thành lập đến nay, CAND Việt Nam luôn mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, thực sự là đội quân tiên phong, nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng, chống gián điệp, phản động, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, chế độ, chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân.
Về tính nhân dân của Công an, Người chỉ rõ Công an Việt Nam là Công an nhân dân, dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ; coi đây là yếu tố quyết định, cội nguồn sức mạnh của CAND và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. “Công an phải là đầy tớ dân. Đã là đầy tớ dân thì Công an phải ra sức bảo vệ nhân dân, ra sức phục vụ nhân dân”(4).
Người đã dạy CAND 6 Điều về “Tư cách người Công an cách mệnh” là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo(5).
Năm 1951 khi đến thăm, nói chuyện tại Trường Trung cấp Công an khóa II, Người nhấn mạnh sự khác biệt lớn nhất của CAND với Công an đế quốc: “Công an nhân dân hoàn toàn khác Công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... CAND phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu CAND phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc. Do đó, CAND phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác Công an, phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Người chỉ rõ: “... Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(7).
Cùng với việc xác định bản chất, đặc tính của CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là Người dày công xây dựng tổ chức bộ máy CAND. Nguồn gốc của lực lượng CAND Việt Nam bắt đầu từ các đội Tự vệ đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), các đội danh dự trừ gian, hộ lương diệt ác... do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập với mục đích bảo vệ tổ chức. Những năm 1930-1945, để chống các hoạt động phá hoại và do thám của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, bảo vệ cách mạng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập các đội: Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh. Đó là những tổ chức tiền thân của CAND và QĐND sau này.
Sau cách mạng tháng Tám thành công (tháng 8-1945), chính quyền lâm thời của Việt Minh chỉ thị thành lập một lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Tuy nhiên, lực lượng này chưa có tên gọi chung mà mang nhiều tên gọi khác nhau, như Sở Liêm phóng (ở Bắc bộ), Sở Trinh sát (ở Trung bộ) và Quốc gia tự vệ cuộc (ở Nam bộ). Đến ngày 21-2-1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL, thống nhất các lực lượng này thành Việt Nam Công an vụ, do ông Lê Giản làm Giám đốc. Ngày 19-8 hằng năm được lấy làm ngày Truyền thống của CAND Việt Nam và được quy định là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Cùng với việc xây dựng CAND về tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, tư cách người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên thực hành, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời như đã nêu trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND về tư cách người Công an cách mệnh. Lực lượng CAND được tôi luyện qua các thời kỳ cách mạng đã trở thành đội ngũ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, trung thành vô hạn với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Người căn dặn lực lượng CAND, trong công tác, chiến đấu phải luôn ghi nhớ, giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp công tác “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(8); Chủ động phòng ngừa, tích cực tiến công; “cảnh giác giữ bí mật”(9); “Đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu”; “phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng”(10); phải sử dụng thành thục, chính xác các phương tiện kỹ thuật... Đây chính là những chỉ dẫn quan trọng, làm cơ sở hình thành, bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
2. Công an nhân dân làm theo lời Bác
Với sự quan tâm, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu, giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, lực lượng CAND không ngừng trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, vững vàng về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ và đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng Công an đã thấm sâu và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy, thi đua lập công, chấp nhận hy sinh, gian khổ cùng với các lực lượng cách mạng, nhất là Quân đội nhân dân và nhân dân cả nước, đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến với đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND miền Bắc và An ninh miền Nam, với lòng yêu nước và ý chí cách mạng tiến công không ngừng, với niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt sâu sắc Sáu điều Bác Hồ dạy, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang nhân dân; gắn bó máu thịt, dựa vào nhân dân, mưu trí, dũng cảm trong công tác, chiến đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức khắc nghiệt, đau thương mất mát, góp phần quan trọng tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Trong công cuộc đổi mới, trước những thách thức không kém phần cam go, quyết liệt với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; việc quán triệt, thực hiện "Sáu điều Bác Hồ dạy CAND" tiếp tục là điểm nhấn, điều kiện quan trọng, quyết định giúp cho CAND Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang của lớp lớp cha anh đi trước, tuyệt đối trung thành; luôn đặt mình dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; giữ vững bản chất giai cấp công nhân, thực sự là con em yêu quý của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Lực lượng CAND Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; là lực lượng của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng CAND luôn khẳng định sự tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đoàn kết, thống nhất, lập được nhiều chiến công, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Danh mục tài liệu tham khảo:
(1)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 14, tr. 71, 71-72.
(2)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 14, tr 71-72.
(3)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 15, tr. 140
(4)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 5, tr. 498.
(5)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 5, tr. 498.
(6)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 7, tr. 269.
(7)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 7, tr. 269, 270.
(8)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 5, tr. 499.
(9)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 12, tr 638.
(10)Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T. 10, tr. 259.
Bài: Phòng Chính trị
Biên tập: Loan Trần