Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công an đến tận nhà đón người dân đi làm căn cước

Đại tá Nguyễn Trọng Thám, Trưởng Công an huyện Sông Hinh chia sẻ, Sông Hinh là một trong 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Nơi đây có QL 29 kết nối vùng duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên và tuyến đường Trường Sơn Đông xuyên qua các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Ngoài thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh còn có 10 xã, với nhiều thôn, buôn; trong đó có không ít buôn làng nằm cách xa phố huyện hơn 50km, muốn đi đến phải vượt qua nhiều dốc cao, suối sâu…

3.jpg -0
Cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Sông Hinh làm CCCD cho những người tàn tật, già yếu.

Về dân số, huyện có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm nhiều nhất là người Ê đê. Cũng theo Đại tá Nguyễn Trọng Thám, trong “chiến dịch” làm căn cước công dân (CCCD), nhiều tổ công tác của Công an huyện Sông Hinh được huy động về các buôn làng hướng dẫn, hỗ trợ người dân và học sinh, nên đến nay đã cấp hơn 38.500 CCCD có gắn chip điện tử, đồng thời phục vụ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 của Bộ Công an phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

So với số người trong độ tuổi làm CCCD phát sinh tại thời điểm này đạt gần 87%. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn còn một số trường hợp chưa làm CCCD do già yếu, bệnh tật, hoặc người thân lưu giữ giấy tờ có liên quan nhưng đang ở xa, hoặc bám nương rẫy nhiều ngày chưa về được vì đang mùa vụ thu hoạch cây trồng, vật nuôi…

Để hỗ trợ người dân, những ngày gần đây Thiếu tá Trần Thị Mỹ Lệ, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Sông Hinh chủ động đề xuất phương án sử dụng xe ôtô riêng của cá nhân đén các buôn làng lần lượt đón 31 người dân về phố huyện làm CCCD miễn phí.

Một trong 3 người dân đầu tiên được đón về là ông Hoàng Văn Ngôi, dân tộc Tày (SN 1934, trú ở thôn Tân Sơn, xã Ea Ly) bày tỏ: “Gần 90 tuổi rồi, sức khỏe đã yếu, xương khớp đau nhức lại thêm huyết áp cao, con cái đều bận lo nương rẫy. Được các cô, chú Công an đi ôtô riêng đến tận nhà đưa đón về huyện làm CCCD, tôi thật sự vui mừng và xúc động”.

Cùng tâm trạng đó, bà Đỗ Thị Toàn (SN 1942, trú ở thôn Tân Sơn, xã Ea Ly) cho biết: “Khi nghe Công an xã Ea Ly báo tin ôtô đến tận nhà đón về Công an huyện Sông Hinh làm CCCD, tôi vui lắm. Tôi thấy các cô, chú Công an rất tận tình, chu đáo”.

Tại buôn Trinh và buôn Chư Blôi, xã Ea Bar có 3 người phụ nữ bị bại liệt là Bàn Thị Quang, Hoàng Thị Quyết và Phạm Thị Chiến đều bày tỏ niềm vui khi được Công an sử dụng ôtô riêng đến tận nhà đưa đón về phố huyện để làm CCCD. Tương tự, 8 người dân Ê đê ở buôn Thu và buôn Ly, xã Ea Trol đã quá già yếu cũng được Thiếu tá Trần Thị Mỹ Lệ cùng đồng đội lái ôtô riêng đến đón đi làm CCCD, trong số đó có các ông Y Hanh, Lê Ô Y Rách, Niê Y Puk, Niê Y Kiao, Y Tleng Lê Mô và bà Hờ Ben đều là những người ở độ tuổi trên 90… Đã thế, sau khi làm CCCD cho những người già yếu, bệnh tật nêu trên, các CBCS Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Sông Hinh còn dùng tiền cá nhân để mời cơm nước trước khi đưa họ về nhà.

Chia sẻ về những động thái giàu nghĩa cử và đậm chất nhân văn sâu sắc, Thiếu tá Trần Thị Mỹ Lệ nói rằng: “Không riêng hoạt động làm CCCD, mà khi tiếp nhận giải quyết các nhu cầu của dân, tôi cùng đồng đội luôn nhận thức nỗ lực giúp dân thực hiện nhanh gọn thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tránh phiền hà là trách nhiệm phục vụ nhân dân. Làm được một việc tốt cho người dân, chúng tôi luôn cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc, vì thế trong những ngày tới Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Sông Hinh tiếp tục phối hợp lực lượng Công an xã rà soát, tính toán và thực hiện phương án tốt nhất để hỗ trợ những người già yếu, neo đơn, bệnh tật đều được làm CCCD nhanh gọn, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao”.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi