Thứ Tư, 24/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vai trò của văn hóa đọc đối với công tác nghiên cứu khoa học trong Nhà trường

Nhận thức được việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào của các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài lực lượng CAND nói chung, Trường Cao đẳng CSND I nói riêng, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT. Bên cạnh mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giáo dục, đào tạo được giao, công tác nghiên cứu khoa học luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên đạt được nhiều kết quả, đóng góp đáng kể vào thành tích chung của Nhà trường. Từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã tổ chức, triển khai thực hiện và nghiệm thu hàng trăm giáo trình, tài liệu dạy học, chuyên đề, sách chuyên khảo; chủ trì nghiên cứu gần 140 đề tài KH&CN các cấp; nhiều sáng kiến, cải tiến, công trình, phần việc được triển khai thực hiện có hiệu quả.  Để có được kết quả trên, cán bộ, giáo viên luôn nỗ lực, phấn đấu tìm đọc, nghiên cứu các nguồn tài liệu để bổ sung kiến thức và hoàn thiện nhiệm vụ công tác khoa học của mình.

Các đại biểu tham dự buổi nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ do đồng chí Đại tá, TS Đàm Văn Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm cùng chụp ảnh lưu niệm.

Tại Trường Cao đẳng CSND I, nguồn tài liệu, kiến thức để cán bộ, học viên đọc và tra cứu tập trung chủ yếu tại Trung tâm Lưu trữ và Thư viện. Hiện tại, Trung tâm lưu trữ trên 12.000 đầu sách (hơn 300.000 cuốn) gồm giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo các học phần kiến thức chung; các loại sách văn học, truyện, báo, tạp chí, ấn phẩm với chủ đề phong phú, đa dạng. Hằng năm, Nhà trường duyệt bổ sung thêm cho Trung tâm nguồn tài liệu phục vụ nghiên cứu khoa học như các đề tài khoa học, bài báo đăng trên các Tạp chí trong Công an nhân dân, luận văn Thạc sỹ, luận án Tiến sỹ của cán bộ, giáo viên trong Nhà trường. Nguồn tài liệu phong phú trên không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết toàn diện và kiến thức chuyên môn mà còn giúp vận dụng những tri thức đó vào thực tiễn quá trình công tác, giảng dạy, học tập, rèn luyện cũng như hình thành thế giới quan, phương pháp luận vận dụng vào công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên nhà trường.

Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu có nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới nội dung giáo dục đào tạo theo hướng tự đọc, tự nghiên cứu, vì vậy văn hóa đọc trong Nhà trường đã được triển khai thường xuyên và đi vào nền nếp, chuyển biến tích cực, hiệu quả, đóng góp trực tiếp vào chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Tuy nhiên, còn một bộ phận nhỏ cán bộ, học viện hiện nay ít quan tâm đến việc đọc sách, chưa đầu tư thời gian cho đọc sách, ngại đọc sách dày, sách nghiên cứu, sách lý luận… một số học viên chưa có thái độ, động cơ đọc sách đúng đắn, thích đọc giải trí thay vì đọc sách với tính chất nghiên cứu, nên tri thức thu được được không có tính hệ thống, thậm chí là những kiến thức không có giá trị...

Học sinh nhà trường đọc sách tại Thư viện.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu, xây dựng văn hóa đọc, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là: Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền về lợi ích của việc đọc và xây dựng văn hóa đọc đối với cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường. Nâng cao nhận thức hướng tới việc tự giác thực hiện của cá nhân. Muốn vậy, phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền thông qua các bài viết, văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, đơn vị chức năng; tổ chức các phong trào, các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách, ngày hội đọc sách trong Nhà trường; thực hiện giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu, sách mới…

Hai là: Tạo thuận lợi tối đa cho việc tiếp cận, học tập, nghiên cứu, khai thác tài liệu của cán bộ, giáo viên và học viên. Với đặc thù các tài liệu nghiên cứu, học tập đa số đều nằm trong danh mục bảo vệ bí mật nhà nước, việc nghiên cứu, khai thác phải tuân thủ các quy định về bảo vệ tài liệu mật của ngành, do đó việc khai thác tài liệu, đặc biệt là tài liệu nghiệp vụ phục vụ nghiên cứu khoa học có lúc còn hạn chế. Do vậy, lãnh đạo nhà trường cần có sự quan tâm, chỉ đạo để tạo ra cơ chế thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên và học viên.

Ba là: Cần có sự định hướng, tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học, từ đó thúc đẩy nhu cầu đọc sách trong Nhà trường

Các đơn vị cần quan tâm, động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên trong đơn vị yên tâm, tích cực, chủ động tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí chức danh của cá nhân. Coi đây là điều kiện quan trọng để không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu công tác giáo dục đào tạo của Nhà trường và hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh của mỗi cá nhân.

Giáo viên trong quá trình giảng dạy cần chủ động định hướng, tăng cường giao nhiệm vụ để học viên tự nghiên cứu tài liệu ngoài giờ, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy để học viên tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ học tập.

Bốn là: Cần đa dạng hóa các hình thức đọc sách, nghiên cứu tài liệu.

Trong thời đại cách mạng 4.0 tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, việc đọc không chỉ gói gọn đối với sách in thông thường mà cần đa dạng hóa các hình thức đọc gồm sách in, sách điện tử, hình ảnh, phim tài liệu… Do đó, cần nâng cấp, hiện đại hóa Thư viện điện tử của Nhà trường. Nghiên cứu để tích hợp thư viện điện tử với mạng nội bộ của Nhà trường để mọi cán bộ, giáo viên đều có thể khai thác một cách thuận lợi.

Phòng Quản lý đào tạo

Biên tập: Phương Thảo - Phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi