Thứ Bảy, 27/7/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Trật tự, an toàn giao thông là trạng thái giao thông ổn định, có tổ chức được hình thành và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật và các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội được tôn trọng và thừa nhận nhằm bảo đảm hoạt động giao thông được thuận lợi, thông suốt; người, hàng hóa, phương tiện tham gia giao thông và các công trình giao thông được bảo vệ. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và trật tự, an toàn giao thông đường bộ nói riêng là yêu cầu và là nhiệm vụ cơ bản của mỗi quốc gia và là điều kiện cần thiết để bảo đảm phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ ra quân tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật Giao thông đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh 3 lĩnh vực khác nhau là: An toàn giao thông đường bộ (quy tắc giao thông, phương tiện và người tham gia giao thông); Kết cấu hạ tầng giao thông; Vận tải đường bộ. Việc ban hành và áp dụng Luật giao thông đường bộ năm 2008, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; mạng lưới giao thông đường bộ đã được quy hoạch, đầu tư, nâng cấp; chất lượng khai thác, năng lực thông qua của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng được nâng cao; chất lượng, tỷ lệ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được điều chỉnh bổ sung theo hướng tăng cường năng lực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng và hoạt động vận tải hàng hóa; văn hóa giao thông từng bước được hình thành, lan tỏa trong xã hội; tình hình tai nạn giao thông đường bộ được kéo giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn từng bước được khắc phục…

Sau hơn 16 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế giao thông hiện nay, cụ thể là:

- An toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại quy định trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực.

- An toàn giao thông đường bộ liên quan, tác động trực tiếp đến quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và quyền đi lại, theo quy định của Hiến pháp phải được quy định trong luật.

- Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định đầy đủ, cụ thể về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần nghiên cứu bổ sung như: Giải quyết tai nạn giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông... Tình trạng coi thường pháp luật của người tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn biến hết sức phức tạp, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập, giao thông hỗn hợp mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội.

-  Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật; chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông trong việc dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người, phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và gây bức xúc trong xã hội.

- Xu hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng điều chỉnh chuyên sâu một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Để khắc phục những tồn tại và hạn chế nêu trên, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ và phải được thực hiện quyết liệt trong đó có việc tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành 02 dự án Luật: Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự án Luật Đường bộ là một nhiệm vụ cấp thiết, mang tính tất yếu, khách quan và là giải pháp có tính đột phá trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận, đánh giá khách quan và thống nhất trước khi báo cáo Quốc hội. Tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm có 09 chương, 89 điều. Trong đó, có những nội dung cơ bản sau:

Chương I: Những quy định chung. Gồm 09 điều từ Điều 1 đến Điều 09, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II: Quy tắc giao thông đường bộ. Gồm 25 điều, từ Điều 10 đến Điều 34, quy định về: Quy tắc chung; chấp hành báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe; sử dụng đèn; sử dụng tín hiệu còi; nhường đường tại nơi đường giao nhau; qua phà, qua cầu phao; giao thông tại đường ngang, cầu chung đường sắt; giao thông trên đường cao tốc; giao thông trong hầm đường bộ; quyền của xe ưu tiên; trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng; xe kéo xe và xe kéo rơ moóc; người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, người mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai, trẻ em tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, người được, hàng hóa xếp trên xe thô sơ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ; người lái xe, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy.

Chương III: Phương tiện giao thông đường bộ. Gồm 21 điều, từ Điều 34 đến Điều 54, quy định về: Phân loại phương tiện giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; biển số xe; đấu giá biển số xe; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; niên hạn sử dụng của xe cơ giới; bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp; bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm, chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với phương tiện vận tải đường bộ trong đô thị; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô vận chuyển hành khách; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với phương tiện vận chuyển động vật sống, thực phẩm tươi sống; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe quá khổ, xe quá tải trọng, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe cứu hộ giao thông đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nước ngoài do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Chương IV: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Gồm 09 điều, từ Điều 55 đến Điều 63, quy định về: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe; đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng; thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ.

Chương V: Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Gồm 11 điều, từ Điều 64 đến Điều 72, quy định về: Hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát; biện pháp phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông; trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ khi tuần tra, kiểm soát; hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới; quyền và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ.

Chương VI: Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Gồm 06 điều, từ Điều 73 đến Điều 78, quy định về: Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; trung tâm chỉ huy giao thông; giải quyết tình huống đột xuất gây mất trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác; giải quyết, khắc phục ùn tắc giao thông; kiến nghị về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với công trình đường bộ.

Chương VII: Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ. Gồm 06 điều, từ Điều 79 đến Điều 84, quy định về: Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ; cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thống kê tai nạn giao thông đường bộ; quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.

Chương VIII: Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Gồm 02 điều, từ Điều 85 đến Điều 86, quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chương  IX: Điều khoản thi hành. Gồm 02 điều, từ Điều 87 đến Điều 88, quy định về: Hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.

Các nội dung cơ bản của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, toàn diện để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong tình hình mới./.

Bài: Hà Thị Vũ Ngân, Khoa Cảnh sát giao thông.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi