Thứ Năm, 12/9/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng chuẩn mực cho người dùng Internet tại Việt Nam

Đó cũng chính là lý do mà Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Đại sứ quán Thụy Điển lần đầu tiên đồng tổ chức Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 trong hai ngày 27 và 28-11, tại Hà Nội. Diễn đàn quy tụ hơn 40 diễn giả trong và ngoài nước, cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế.

Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg, với chủ đề "Công nghệ số cho những điều tốt đẹp", sự kiện này nhằm cung cấp nền tảng để trao đổi về việc tận dụng Internet như một phương thức cung cấp thông tin, thúc đẩy sự phát triển và mở ra những cơ hội mới đầy tiềm năng cho tát cả các thành phần trong xã hội.


Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg phát biểu tại diễn đàn

Đại sứ Pereric Hogberg cho biết thêm, Internet đã và đang phát triển vượt bậc so với những công nghệ mà trước đây chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới, trở thành một phương tiện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam, Thụy Điển cũng như trên toàn thế giới.

Không thể phủ nhận rằng chính sự tác động tích cực này đã kiến tạo nên hàng loạt những đổi mới trong kinh doanh, tạo ra các phương thức kinh tế mới. Internet cũng mở ra cơ hội để mỗi người dân có thể liên tục cập nhật và nắm bắt nhiều vấn đề, cũng như giúp các cơ quan công quyền có thể cởi mở hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm giải trình cao hơn.

Tuy nhiên, việc gạn lọc, làm chủ thông tin trên Internet không hề đơn giản. Đặc biệt, đối với các cơ quan báo chí, việc cập nhật và đăng tải các thông tin cần phải có sự kiểm chứng và các nhà báo phải tỉnh táo giữa những luồng thông tin khác nhau, thậm chí là trái ngược về cùng một sự việc.


Các học giả đang trao đổi tại diễn đàn

Hơn nữa, việc chia sẻ thông tin trên Internet và mạng xã hội của người dùng cũng hết sức quan trọng, tác động tích cực và tiêu cực đến xã hội. Vì vậy, Đại sứ Thụy Điển kêu gọi người dùng phải có trách nhiệm phân tích nhiều lần những nguồn thông tin có được, nếu đúng thì cùng chia sẻ, nếu sai thì nêu lên ý kiến để minh bạch vấn đề.

Đồng quan điểm với ngài Đại sứ, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam thông tin, sự kiện lần này đề cập đến ba vấn đề bao gồm: chuẩn mực  hành vi của người dùng Internet trong kinh doanh; việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin và công bố một số hướng dẫn cho giới trẻ khi sử dụng Internet.


Ông Vũ Thế Bình trả lời phỏng vấn báo chí. 

"Chúng ta thấy rằng Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng Internet rất tốt, số lượng người dùng Internet ngày một tăng. Nhưng sự phát triển quá nhanh này khiến các hành vi của người dùng Internet tại Việt Nam chưa theo kịp, dẫn tới những vấn đề như nói xấu trên mạng, phát tán thông tin nhạy cảm, lừa đảo, không đúng sự thật...

Cách tiếp cận thú vị từ những nước phát triển như Thụy Điển và các bài học, kinh nghiệm từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sẽ giúp Việt Nam phần nào giải quyết vấn đề này.

Thay vì né tránh, những vấn đề đó sẽ được đưa ra các diễn đàn để thảo luận, đưa vào các chương trình giáo dục và đào tạo ở học đường để người trẻ tiếp cận, có nhận thức và dần xây dựng chuẩn mực hành vi cho mình, từ đó xây dựng các quy tắc cho người dùng Internet", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Được biết, mở rộng quyền truy cập vào Internet vẫn luôn được đề cao như một phần không thể thiếu, góp phần thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, diễn đàn lần này dù là bước đầu nhưng sẽ giúp Việt Nam định hướng và xây dựng được một chuẩn mực linh hoạt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay. 

Nguồn tin: Báo điện tử CAND
Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi