Thứ Tư, 30/10/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Dự phiên họp có đại diện các bộ, ngành chức năng.

Xin ý kiến 9 vấn đề lớn của dự án Luật
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu 9 vấn đề lớn của dự án Luật trên cần xin ý kiến, đó là về khái niệm “mua bán người”; khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hành vi mua bán bào thai; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người; đối tượng và chế độ hỗ trợ…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Về khái niệm mua bán người, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, khái niệm mua bán người trong dự thảo Luật đã mở rộng hơn một số nội dung so với pháp luật hiện hành, trong đó có nội dung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ cần yếu tố hành vi và mục đích là đã bị coi là hành vi mua bán người và như vậy, họ cũng được bảo vệ như người dưới 16 tuổi. Quy định này cũng phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. “Cùng với việc mở rộng khái niệm mua bán người thì các biện pháp xử lý khác cũng sẽ được xem xét áp dụng bên cạnh biện pháp xử lý hình sự; điều này sẽ góp phần cho việc đấu tranh phòng, chống mua bán người hiệu quả hơn” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu.
Theo dự thảo Luật thì trường hợp mua bán người dưới 18 tuổi, kể cả có sự đồng thuận của nạn nhân thì vẫn coi là mua bán người, do người dưới 18 tuổi còn chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên sẽ được pháp luật bảo vệ cao hơn. Dự thảo Luật cũng quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch.
Về hành vi mua bán bào thai, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người. Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phù hợp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2, điều 3) quy định về hành vi bị nghiêm cấm:“mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai...”.

Về đối tượng bảo vệ (Điều 35 của dự thảo Luật), Uỷ ban Tư pháp cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được bổ sung khoản 4 vào điều 35 quy định đối tượng được bảo vệ là: “Cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân” để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích họ tham gia công tác phòng, chống mua bán người.

Toàn cảnh phiên họp.

Nhất trí cấm mua bán người từ khi còn là bào thai

Qua thảo luận, các đại biểu đều đánh giá cao Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra đã tập trung nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tối đa để hoàn thiện, dự thảo Luật, góp phần khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thích ứng các quy định quốc tế có liên quan, từng bước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, một vấn đề được hầu hết các đại biểu quan tâm, thảo luận đó là quy định mua bán bào thai.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật mới nhất có 8 chương 67 điều, tăng 1 điều so với dự thảo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có 65/67 điều có bổ sung, sửa đổi.

“Điều này chứng tỏ Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các cơ quan chức năng đã làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ; đồng thời gợi ý các nội dung đại biểu cần thảo luận, trong đó có vấn đề mua bán bào thai.
Nói về vấn đề mua bán bào thai, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ nhất trí cấm việc thoả thuận mua bán người từ khi còn là bào thai; đồng thời, đề nghị làm rõ có trường hợp nào mua bán bào thai không, nhằm mục đích mua bán người không?
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng tán thành việc bổ sung quy định cấm mua bán bào thai vào hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị xem xét viết chặt chẽ hơn. “Tôi đề nghị sửa quy định mua bán bào thai thành mua bán người đã thành thai” – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu.  

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, bào thai từ khi hình thành đã được coi là người. “Ông bà chúng ta nói có tuổi mụ, tức là khi hình thành bào thai đã coi là con người, vì vậy, cần tính toán quy định cụ thể về bào thai” – Trưởng Ban công tác đại biểu nêu, đồng thời nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân gián tiếp được sinh ra trong quá trình người mẹ bị buôn bán: nhóm trẻ em này được bảo vệ như thế nào? Nhiều trường hợp phụ nữ bị mua bán sau đó sinh con ở nước ngoài, khi họ được giải cứu trở về thì việc hỗ trợ các cháu này như thế nào?.

Cũng đồng tình với việc cần nghiêm cấm việc mua bán bào thai nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lại cho rằng, cần phải quy định như thế nào cho cụ thể, dễ hiểu... Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị viết quy định này thành: cấm thoả thuận mua bán người từ khi còn là bào thai, vì quy định này sẽ rõ hơn, dễ hiểu, áp dụng hơn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cũng cho rằng, việc mua bán bào thai là vấn đề tranh cãi trên thế giới. “Tôi tán thành cách quy định trong Dự thảo. “Người là người, bào thai là bào thai” vì nếu quy định bào thai là người thì việc nạo phá thai sẽ coi là giết người” - Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội nêu.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Tư pháp, nhất trí việc mua bán người khi còn là bào thai; đồng thời, nêu quan điểm, nếu quy định mua bán bào thai sẽ rất khó thực hiện, không nên đồng nghĩa bào thai là người.  

Tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp tích cực với các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị chức năng tiếp thu, giải trình, hoàn thiện văn bản với sự thống nhất cao.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng cho biết, đối với các ý kiến tại phiên họp, dưới sự chủ trì của Uỷ ban Tư pháp, Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, tránh việc nhiều cách hiểu khác nhau; thống nhất để hoàn thành dự thảo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp có 8 ý kiến phát biểu, đều đồng thuận với các nội dung chính của dự thảo, nhiều ý kiến nêu nội dung cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dự thảo Luật.

“Để dự thảo Luật có chất lượng cao nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Uỷ ban Tư pháp tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, tiếp tục rà soát hệ thống khái niệm, đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo thống nhất với các luật khác như: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các luật chuyên ngành liên quan” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi