Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hiệu quả từ các mô hình phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư

Thực hiện cao điểm về “Tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh” Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, có nhiều mô hình, cách làm hay như mở lối thoát nạn thứ 2, đặc biệt mới đây đưa số điện thoại báo cần cứu nạn, cứu hộ qua số App 114… nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tích cực vận động quần chúng tham gia công tác CNCH các vụ sự cố, tai nạn phù hợp với năng lực thực tế của các đơn vị và cơ sở.

 “Chuồng cọp” tồn tại lâu đời ở các khu tập thể cũ của Hà Nội trước đây nhưng hiện nay, các chung cư mới cũng xuất hiện tình trạng này. Việc cơi nới “chuồng cọp” đã tiềm ẩn không ít nguy hiểm khó lường, nhất là khi có hỏa hoạn xảy ra. Trước tình trạng này, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tích cực tuyên truyền, tăng cường mở lối thoát nạn thứ 2 được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Công an quận Hoàn Kiếm hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”.

Từ thực tế, nhiều vụ cháy liên quan đến căn hộ có “chuồng cọp”, hay ngôi nhà chỉ có đường thoát nạn duy nhất đã để lại hậu quả thương tâm, nạn nhân không thoát ra được ra ngoài, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy và cứu nạn. Đơn cử, vụ cháy ngày 4/4/2021 tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội khiến 4 người trong cùng gia đình tử vong, là bài học điển hình về việc không mở lối thoát nạn.

Căn cứ Kế hoạch số 151 của Bộ Công an, Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội và Công văn số 3732 của Công an TP Hà Nội về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; Công an quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Kế hoạch số 170 triển khai. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá đặc điểm, tình hình thực tế của địa bàn từng phường, từ đó chủ động tham mưu Quận ủy, UBND quận ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn. Trong đó, mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”, ban công, lô gia, lối lên mái…

Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi theo chân của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm “mục sở thị” những ngôi nhà cơi nới “chuồng cọp” trên phố cổ, giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Con đường vào các ngõ rất nhỏ, hẹp mà theo Công an quận Hoàn Kiếm 38/166 tuyến phố và hơn 800 ngõ xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Ngoài ra, địa bàn tập trung nhiều loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa nhiều hàng hóa, nhà thường được xây dựng theo dạng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát nạn, ban công được cơi nới và quay bằng lồng sắt “chuồng cọp”, chiếm khoảng hơn 90% nhà mặt phố có tổ chức kinh doanh. Khi xảy ra cháy, nếu không kịp thời xử lý dễ gây cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Tại ngõ 2 Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm), nơi đây đã từng xảy ra cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, chúng tôi vào nhà anh Nguyễn Đức Thắng, nhà 4 tầng, diện tích khoảng 20m2. Qua quan sát của chúng tôi từ tầng 1, dọc lên cầu thang để rất nhiều hàng hóa (gia đình kinh doanh hàng hóa). Theo anh Thắng, gần Tết nên gia đình có lấy hàng về nhiều để bán, phục vụ những ngày cuối năm. Ở khu vực tầng 2 nơi gia đình anh Thắng sử dụng làm bếp, ăn uống sinh hoạt cũng đã cơi nới thêm “chuồng cọp”. Trước đấy, gia đình cũng đã mở lối thoát nạn thứ 2 nhưng rất bé (phía bên tay phải), được Cảnh sát khu vực tuyên truyền, gia đình đã mở thêm cửa to chỗ “chuồng cọp” phía trước ngôi nhà. Cũng theo anh Thắng, chìa khóa gia đình luôn để nơi cố định, để các thành viên trong nhà khi xảy ra cháy, nổ có thể dễ dàng tìm thấy.

Cùng ngõ với gia đình anh Thắng là nhà chị Nguyễn Thanh Hà. Đáng chú ý, ngôi nhà này cơi nới “chuồng cọp” từ tầng 2 cho đến tầng 4. Tầng 1 bày biện hàng hóa khó cháy nhưng lại đặt trong bao bì dễ cháy, dọc cầu thang đi lên các tầng rất chật hẹp - chỉ một người đi nhưng cũng tận dụng xếp đầy hàng hóa… Được Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra PCCC, tuyên truyền, chị Hà và gia đình đã mở lối thoát nạn thứ 2 ở “chuồng cọp” tại các tầng. Theo chị Hà, trong nhà có bố năm nay 87 tuổi di chuyển khó khăn nên khi được các đồng chí Công an đến hướng dẫn thực hiện tờ khuyến cáo an toàn PCCC, gia đình cũng đã bổ sung mua thêm bình bọt chữa cháy.

Đây chỉ là những ví dụ điển hình khi hiện nay, người dân ủng hộ phối hợp cùng với chính quyền trong công tác phòng, chống cháy nổ - mở lối thoát nạn thứ 2. Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, căn cứ vào đặc thù của địa bàn quận Hoàn Kiếm là những khu phố cổ, nhiều ngõ sâu, Công an quận đã chủ động tham mưu UBND quận triển khai các mô hình, giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn gắn liền với phương châm "Bốn tại chỗ". Nổi bật là 2 mô hình PCCC “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ”. Tới nay, Công an quận đã vận động 1.681/2.333 hộ tạo lối thoát nạn tại lồng sắt, “chuồng cọp” (đạt tỉ lệ 72,08%). Cũng theo Đại tá Hà Mạnh Hùng, phấn đấu đến hết 31/12, 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có lồng sắt, “chuồng cọp” đều được tháo dỡ hoặc mở cửa; 90% các hộ gia đình trên địa bàn tự trang bị bình chữa cháy. Mục đích là để cụ thể hoá việc hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và phải khống chế, xử lý được đám cháy ngay trong khoảng “Thời gian vàng” mà 2 yếu tố tiên quyết là “con người” và “phương tiện chữa cháy ban đầu”.

Ngoài ra, mô hình thứ 2 được triển khai là “Lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu”. Mô hình này qua 2 năm đã phát huy hiệu quả tốt, đa số các sự cố cháy nhỏ trên địa bàn đều được người dân sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập tắt, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không phải tổ chức cứu chữa. Đến thời điểm hiện tại đã trang bị được 1.013 điểm phương tiện chữa cháy công cộng cho 875 ngõ sâu với 2.026 bình chữa cháy và đã bàn giao đến từng tổ dân phố, nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết (nguồn kinh phí do UBND các phường tự chủ động, đồng thời thông qua công tác xã hội hoá).

Ngoài ra, qua thực hiện cao điểm, Bộ Công an cũng đánh giá cao mô hình của Công an quận Thanh Xuân trong việc tuyên truyền nhân dân và tham mưu với Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các phường hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ dân tự giác dỡ bỏ “chuồng cọp”, mở ra lối thoát nạn thứ 2 và tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn. Theo Công an quận Thanh Xuân, đến nay, trên toàn địa bàn quận đã có trên 13 nghìn “chuồng cọp” được mở cửa tạo lối thoát nạn (đạt trên 86%). Hiện còn hơn 2 nghìn hộ chưa mở lối thoát nạn thứ 2, Công an quận phấn đấu cuối năm 100% hộ sẽ mở tiếp. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đã tự trang bị chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thiết bị phá dỡ, thiết bị cảnh báo cháy...



Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi