Tham dự lễ ký kết, về phía Bộ Công an có Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Thứ trưởng: Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm và đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an.
Về phía NHNN có đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam và các Phó Thống đốc: Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng, Phạm Thanh Hà, Phạm Quang Dũng; lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN. Lễ ký kết còn có sự tham dự của các đồng chí Chủ tịch HĐQT, HĐTV 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Theo Quy chế, mục đích của sự phối hợp nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất, kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo NHNN đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, NHNN. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, NHNN trong phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ sự vui mừng và trân trọng cảm ơn Bộ Công an đã cùng ký quy chế phối hợp. Thống đốc cho biết thời gian qua, NHNN đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo sát sao của các lực lượng chức năng trong các hoạt động thường ngày của hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo NHNN và các vụ, cục thường xuyên nhận được các thông tin, báo cáo từ lực lượng công an. Những thông tin này là nguồn dữ liệu thông tin quan trọng để phục vụ công tác xây dựng chính sách, giúp cho công tác điều hành tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng của ngành ngân hàng.
Nhắc lại vụ việc rút tiền hàng loạt diễn ra vào tháng 10/2022 tại ngân hàng SCB, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đó là sự cố nguy hiểm, nhưng đã được sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an. “Bộ Công an là chỗ dựa vững chãi cho ngành ngân hàng, hỗ trợ để ngành ngân hàng xử lý sự cố”, Thống đốc nói. Đặc biệt, Thống đốc nhấn mạnh thời gian qua, Bộ Công an đã tham mưu phối hợp thực hiện Đề án 06 làm sạch dữ liệu khách hàng, phòng chống tội phạm trong hoạt động ngân hàng - vốn là lĩnh vực mà rất nhiều tội phạm nhắm tới. “Đề án 06 là cơ sở rất quan trọng để ngành ngân hàng chuyển đổi số. Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực liên quan đến tiền, nên vấn đề an ninh mạng, đảm bảo an toàn thông tin là nhiệm vụ rất quan trọng. Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của lực lượng Công an. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi số sẽ đối mặt với tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, việc luân chuyển tiền tệ xuyên biên giới ngày càng mạnh mẽ thì cũng sẽ đối mặt với những rủi ro. Vì thế, việc ký kết giữa 2 ngành là rất quan trọng, từ đó giúp đảm bảo cho nền tài chính quốc gia nói chung, ngân hàng nói riêng về phòng, chống tội phạm. NHNN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thực hiện ngiêm túc nội dung 2 cơ quan đã ký hôm nay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cam kết.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Lương Tam Quang điểm lại những kết quả giữa 2 bên đã phối hợp trong thời gian qua. Bộ trưởng xác định mối quan hệ giữa ngân hàng và công an là cùng chung mục tiêu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp để phát triển nền kinh tế đất nước. Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, nếu thông suốt, an toàn, thì lực lượng công an cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Vì thế, trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Bộ Công an và NHNN đã phối hợp chặt chẽ, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thường xuyên phối hợp trong công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự cũng như phát triển nhanh, toàn diện, an toàn, bên vững hệ thống ngân hàng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. Hai cơ quan đã tích cực phối hợp, tham mưu ban hành nhiều chủ trương về chính sách tiền tệ, ngân hàng; về phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt các thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định các chương trình mục tiêu quốc gia, Luật An ninh mạng; Luật Căn cước; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Các tổ chức tín dụng... và nhiều nghị định của Chính phủ hướng dẫn, thi hành thực hiện các luật…
Đặc biệt, hai bên đã phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính. Năm 2023, Bộ Công an và NHNN đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01 về triến khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Chính phủ;. Sau gần 1 năm triển khai đã thực hiện xác thực, làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ví điện tử và đang tiếp tục phối hợp đề triển khai làm sạch với số dữ liệu còn lại. “Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, biểu dương và là điểm sáng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Bộ Công an và NHNN”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, NHNN cần tiếp tục phát huy những ưu điểm và tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, cấp ủy, lãnh đạo, Thủ trưởng đơn vị các cấp của hai Ngành cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân viên, viên chức ngành Ngân hàng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự và lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra với nhiệm vụ của hai Ngành.
Hai là, các đơn vị chức năng của hai cơ quan cần chủ động, phối hợp làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước... tại các cơ quan, đơn vị ngành Ngân hàng.
Ba là, tập trung nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Bốn là, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 01 giữa Bộ Công an và NHNN về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Chính phủ.
Năm là, sau Hội nghị này, các đơn vị, địa phương thuộc hai Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát 10 nội dung trong Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN đề cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc cho lãnh đạo NHNN gồm đồng chí Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và 5 Phó Thống đốc gồm các đồng chí: Đào Minh Tú, Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng, Phạm Thanh Hà, Phạm Quang Dũng vì đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Để tri ân, ghi nhận sự đóng góp của lực lượng công an đối với sự nghiệp phát triển của ngành ngân hàng, NHNN cũng trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp ngành ngân hàng Việt Nam cho 7 cá nhân là lãnh đạo Bộ Công an gồm: Đại tướng Lương Tam Quang, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Trung tướng Phạm Thế Tùng và Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm vì đã có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam.
Nguồn: Báo CAND