Cụ thể là các “Phiên chợ nghĩa tình” với nhiều gian hàng khuyến mãi, giảm giá từ 20 – 50% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nước giải khát, khẩu trang y tế, bánh mứt... cho công nhân tại 4 KCN-KCX gồm: KCN Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi), KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), KCX Tân Thuận (quận 7) và KCX Linh Trung II (TP Thủ Đức). Tại mỗi phiên chợ, Công đoàn các KCX – KCN sẽ tặng 1.000 phiếu mua hàng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Tại nhiều quận, huyện, chương trình chăm lo cho công nhân đón Tết cũng tổ chức.
Như tại quận 8, “Phiên chợ nghĩa tình” gồm 12 gian hàng bán các loại thực phẩm thiết yếu, các loại bánh mứt Tết, đồ nhựa gia dụng, túi xách, cặp học sinh... là hàng Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm với giá ưu đãi từ 15% - 45% so với giá thị trường. Dịp này, Liên đoàn Lao động quận 8 cũng tặng 1.000 phiếu mua hàng (trị giá 300 ngàn đồng/phiếu) cho công nhân lao động tham gia mua sắm Tết. Tương tự, Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh tổ chức “Phiên chợ nghĩa tình” phục vụ công nhân, viên chức - lao động với nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng cao giá giảm ưu đãi từ 5% - 30%...
Song song với các “Phiên chợ nghĩa tình”, những chuyến xe bán hàng lưu động của các doanh nghiệp, các đơn vị phân phối, cũng đã bắt đầu đến với công nhân ở các KCX, KCN, vùng sâu, vùng xa. Đại diện Sài Gòn Co.op cho biết, đơn vị dự kiến sẽ triển khai 200 chuyến bán hàng lưu động tại KCN, vùng sâu, vùng xa, xã đảo, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Tổng Giám đốc Vissan chia sẻ: “Vissan bán hàng lưu động tại KCX Tân Thuận với mong muốn làm sao để những người lao động có được những mặt hàng chất lượng cao nhưng giá rất hợp lý”. Bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân khẳng định, những chuyến xe lưu động đi vùng sâu, vùng xa, đến những khu nhà trọ công nhân để bán hàng cho người tiêu dùng với giá bình ổn, sản phẩm tiêu thụ tới đâu công ty sẽ cung ứng tới đó không sợ thiếu hàng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ tăng cường việc bán hàng lưu động. Dự kiến, có khoảng 350 chuyến bán hàng, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện vùng ven, ngoại thành, khu lưu trú công nhân, công ty, xí nghiệp... để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê đón Tết”.
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người lao động gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, triển khai chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” tại các KCX, KCN. Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương rà soát, bố trí địa điểm tổ chức bán lưu động, hàng hóa bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng công nhân, người lao động. Đến nay, chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” đã tổ chức bán lưu động định kỳ tại Công ty Pouyuen (quận Bình Tân), KCX Tân Thuận, KCX Linh Trung 1, KCX Linh Trung II. Chương trình tiếp tục mở rộng ở các KCX, KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn TP.
* Những ngày cận Tết, từ chính quyền đến các cấp công đoàn và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực chăm lo để cho công nhân, người lao động đón một cái Tết vui tươi ấm cúng. Việc này sẽ góp phần không nhỏ để giữ chân người lao động tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, địa phương tiếp tục quay trở lại tham gia lao động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết.
Với hơn 37.000 công nhân, Công ty CP Taekwang Vina Industrial ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 là một trong những DN có đông lao động nhất tỉnh Đồng Nai và cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn vừa qua. Dịch bệnh đã khiến nhiều công nhân của DN gặp khó khăn do phải ngưng làm việc nhiều tháng liền. Để góp phần giúp người lao động trang trải được phần nào khó khăn trong cuộc sống nhất là dịp
Tết năm nay, DN vẫn quyết định mức thưởng Tết bằng với năm ngoái với 1,5 tháng lương cho mỗi người lao động làm việc từ 1 năm trở lên. Đồng thời, công ty và công đoàn công ty còn tổ chức trao hàng ngàn suất quà cho công nhân khó khăn với giá trị từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng cho mỗi công nhân. Tổng số tiền chi để thưởng Tết của doanh nghiệp này lên đến gần 500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam chia sẻ, muốn giữ chân người lao động, DN phải có chính sách lương thưởng tốt. Cùng một lĩnh vực sản xuất mà công nhân thấy DN khác có lương thưởng cao hơn họ có thể chuyển sang danh nghiệp đó. Đó cũng là tiêu chí quan trọng mà Công ty Pousung Việt Nam duy trì trong nhiều năm qua.
Một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay đã có hơn 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo về tình hình thưởng Tết Nhâm Dần 2022. Trong đó có hơn 1.000 doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, đa phần là 1 tháng lương. Bình quân mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của DN có 100% vốn Nhà nước trên địa bàn là 7 triệu đồng/người; công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước đạt hơn 6,7 triệu đồng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,1 triệu đồng. Trong khi đó, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, dịp Tết năm nay đơn vị dành 260 tỉ đồng chăm lo cho người lao động. Trong đó, chi 240 tỉ đồng hỗ trợ 800.000 lao động mỗi người nhận 300.000 đồng tiền mặt và chi 20 tỉ đồng mua 100.000 phần quà tặng cho người lao động. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng trích ngân sách 20 tỉ đồng cùng với các tổ chức công đoàn giúp đỡ người lao động ở lại đón Tết.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, nhiều công đoàn cơ sở đã nỗ lực trong việc thương lượng, đối thoại, đàm phán thành công với chủ DN về lương, thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động. Nỗ lực này đã giúp người lao động yên tâm làm việc, nhất là khi Tết Nhâm Dần 2022 đã cận kề. Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng mong muốn người lao động chia sẻ một phần khó khăn với doanh nghiệp để ổn định việc làm, thu nhập sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý đề nghị cán bộ công đoàn các cấp cần sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tình hình quan hệ lao động, hạn chế tranh chấp lao động xảy ra liên quan đến lương, thưởng Tết. Đặc biệt, cần quan tâm, kịp thời động viên tặng quà cho những lao động khó khăn; lao động nhiều năm không có điều kiện về quê đón Tết; lao động bị bệnh, tai nạn lao động.
Trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã trực tiếp tham gia các hoạt động trao tặng quà cho công nhân tại các đơn vị, DN trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, năm 2021 mặc dù DN gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, phải tạm ngưng sản xuất hơn 3 tháng, song với sự nỗ lực không ngừng vượt khó, chủ DN và người lao động đã khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Nguồn: Báo CAND