Jakarta xem đây là mối đe dọa chủ quyền quốc gia, trong khi Bắc Kinh nói rằng họ chỉ đánh cá tại những vùng biển của họ trong lịch sử…
1. Tháng 12-2019, Bakamla, Lực lượng hàng hải dân sự Indonesia, phát hiện hàng chục tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh vũ trang tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở quần đảo Natuna với mục đích đánh bắt hải sản. Đến gần lễ Giáng sinh, một đoạn video trên điện thoại di động do một ngư dân Indonesia quay ở biển Natuna cho thấy các tàu cá Trung Quốc đang thả lưới trong vùng EEZ của Indonesia. Đoạn phim nhanh chóng lan truyền, gây chấn động cả nước. Herman, một ngư dân ở đảo Natuna đã phàn nàn trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Ban đêm, khi không có lực lượng tuần tra của hải quân Indonesia, các tàu cá nước ngoài với lưới kéo đi vào và tiến hành đánh bắt. Chúng tôi đối đầu với họ, cho họ xem những tấm bản đồ xác định chủ quyền của Indonesia tại vùng biển này nhưng thường thì chúng tôi bị các tàu hải cảnh xua đuổi…”.
Những động thái ấy đã khiến Jakarta triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở nước này là ông Xiao Qian để phản đối. Ông Xiao Qian thừa nhận rằng các tàu thuyền của Trung Quốc đã vào vùng biển Indonesia. Bên cạnh đó, Indonesia còn cử tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Natuna tuần tra. Ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia tuyên bố: “Sẽ không có thỏa hiệp đối với chủ quyền lãnh thổ của Indonesia”. Chưa hết, nhằm xác định quan điểm của mình, Tổng thống Joko Widodo đã thực hiện chuyến thăm quần đảo này.
|
Tổng thống Joko Widodo đến thăm Natuna để khẳng định chủ quyền quốc gia. |
Đây không phải lần đầu tiên đội tàu đánh cá Trung Quốc đi vào vùng EEZ của Indonesia. Trước đó, Bakamla từng cáo buộc tàu cá Trung Quốc xâm phạm khu vực 200 hải lý xung quanh Natuna theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và họ đã nhiều lần đối đầu với các tàu hải cảnh Trung Quốc, trong đó hải quân Indonesia bắt giữ 3 tàu cá Trung Quốc gồm Hua Li 8, Gui Bei Yu 27088, và Fu Yuan Yu 831. Tháng 9-2019, một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động suốt 2 hai ngày ở ngoài khơi quần đảo Riau.Theo Bakamla: “Sau khi tranh cãi qua radio, tàu Trung Quốc đã được một tàu tuần tra của Indonesia hộ tống ra khỏi vùng EEZ”.
Tháng 1-2020, tàu nghiên cứu Trung Quốc Xiang Yang Hong 03 được Bakamla xác định ở trong vùng biển Indonesia nhưng tàu này 3 lần tắt hệ thống nhận dạng. Bakamla cho biết con tàu có thể đang tiến hành các hoạt động trái phép ở eo biển Sunda. Trả lời nhà chức trách Indonesia qua radio, Xiang Yang Hong 03 nói hệ thống nhận dạng tự động của họ đã bị trục trặc. Ngay cả khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hoành hành ở Vũ Hán, Trung Quốc, các tàu cá nước này được hộ tống bởi tàu hải cảnh vẫn tiến hành đánh bắt trong vùng EEZ Indonesia. Trung tâm Hàng không Hải quân Indonesia cho biết ngày 29-1-2020, tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống các tàu đánh cá xuất hiện ở khu vực bắc Natuna. Một trong những tàu hải cảnh này là chiếc Type 054A Jiangkai. Bên cạnh đó còn có những khinh hạm đa nhiệm. Nơi bị tàu cá Trung Quốc đánh bắt chính là nơi Indonesia chia thành 11 khu vực quản lý nguồn lợi hải sản theo tên viết tắt: WPP (biển Natuna), hoặc WPP 711 (bao gồm vùng biển xung quanh các đảo Natuna). Nó nằm ở mũi phía tây của tỉnh Tây Kalimantan, nhưng về mặt hành chính nó trực thuộc tỉnh Riau Islands, phía đông Sumatra.
2. Không giống như trên biển Đông, nơi Trung Quốc liên tục khẳng định chủ quyền của mình với vài quốc gia Đông Nam Á về một số đảo nổi, đảo chìm thì với Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, Bắc Kinh khẳng định họ không có ý định tranh chấp. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tuyên bố khu vực mà Indonesia coi là EEZ của họ là một phần ngư trường lịch sử của Trung Quốc đồng thời hạ thấp bất đồng bằng cách nói rằng vùng biển nói trên có thể được quản lý thông qua các cuộc đàm phán song phương.
Đáp lại, Jakarta khẳng định không có cơ sở cho yêu sách của Trung Quốc vì quốc gia này sẽ không bao giờ công nhận tính hợp pháp của bất kỳ tuyên bố nào dựa trên bản đồ đường 9 đoạn do Trung Quốc vạch ra vì những tuyên bố đó hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia nói: “Các tuyên bố của Trung Quốc đối với vùng đặc quyền kinh tế với lý do ngư dân của họ đã hoạt động ở đó từ lâu là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS 1982 công nhận”.
|
Hải quân Indonesia theo dõi một tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển Natuna. |
Năm 2016, Tòa án quốc tế tại La Hay đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc - nơi họ đánh dấu trên bản đồ với đường 9 đoạn - chiếm khoảng 90% diện tích biển Đông khi Philippines tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa La Hay đồng thời đề nghị đàm phán song phương với một số quốc gia trong khối ASEAN - đã tuyên bố chủ quyền với các đảo nằm trong đường 9 đoạn - nhằm xây dựng quy tắc ứng xử khi xảy ra sự cố trên biển.
Kể từ khi tái thiết lập quan hệ song phương vào năm 1990, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ hai của Indonesia với kim ngạch lên đến 35,53 tỷ USD trong nửa đầu năm ngoái. Cũng trong năm đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ Indonesia tăng 9%, đầu tư vào Indonesia tăng 172%. Các dự án quan trọng giữa hai bên bao gồm đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung trị giá 6 tỷ USD và nhà máy thủy điện Batang Toru ở bắc Sumatra. Riêng mặt hàng thủy sản, chỉ tính năm 2018, lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Indonesia là 71,6 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị nhập khẩu thủy sản của quốc gia này.
Thế nhưng hai diễn biến xảy ra đã làm tăng thêm sự lo lắng của người Indonesia với Bắc Kinh. Một là Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự trên một số đảo ở biển Đông đang tranh chấp. Hai là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh của họ nổ súng vào các tàu nước ngoài, cũng như có quyền phá dỡ các công trình xây dựng của nước ngoài trên vùng biển tranh chấp. Ngoài việc cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu mà không cần cảnh báo nếu xét thấy cần thiết, luật mới cũng cho hải cảnh quyền kiểm tra các tàu nước ngoài trong khu vực. Bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng luật mới không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng nó phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng đã cảnh báo Jakarta về nguy cơ xung đột giữa các tàu Indonesia với tàu Trung Quốc, thậm chí trong trường hợp xấu nhất còn phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu ở Natuna vì ngay từ đầu những năm 1990, Indonesia đã yêu cầu Trung Quốc nói rõ các quyền và lợi ích của mình ở quần đảo Natuna nhưng họ chưa bao giờ nhận được phản hồi, trong lúc một bản đồ có tiêu đề Atlas về hoạt động nghề cá ở biển Đông do Cục Quản lý Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc xuất bản vào tháng 8-1994 đã khiến Indonesia ngạc nhiên khi Trung Quốc tuyên bố toàn bộ khu vực xung quanh Natuna là lãnh hải đánh cá của mình. Một bản đồ loại này đã bị hải quân Indonesia lấy được khi họ bắt giữ một tàu cá Trung Quốc hồi năm 2016 nhưng Trung Quốc không hề đưa ra lời giải thích về tấm bản đồ ấy.
Theo Tiến sĩ Ristian Atriandi Supriyanto, học giả người Indonesia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, các cuộc đối đầu không vũ trang trên biển giữa Indonesia, Trung Quốc là “một xu hướng mới mà Indonesia phải thích ứng”. Vẫn theo Tiến sĩ Ristian, trong khi Indonesia tăng cường năng lực hàng hải của mình ở Natuna vì lo ngại Trung Quốc có thể thực hiện những hành vi cứng rắn hơn, họ cũng phải duy trì các biện pháp kiềm chế để giữ mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.
Trước tình hình đó, các nhà phân tích quốc tế tin rằng Indonesia sẽ tìm cách thể hiện khả năng răn đe của lực lượng hải quân. Tháng 11-2020, Jakarta tuyên bố chuyển trụ sở của hải đội tác chiến đến quần đảo Natuna nhằm mục đích thực thi chủ quyền trên biển. Hải đội này hiện đang có trụ sở tại Jakarta và việc di dời sẽ cho phép họ phản ứng nhanh hơn với các sự cố trên biển. Tháng 1- 2020, Jakarta cũng đã đề nghị Nhật Bản hỗ trợ phát triển ngành thủy sản và năng lượng sạch ở quần đảo Natuna sau khi xảy ra xung đột giữa các tàu Trung Quốc và Indonesia. Động thái này có vẻ như một lời giải thích, rằng Indonesia đang chuyển sang hợp tác với bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Quốc bởi lẽ bất cứ khi nào có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở biển Đông, người ta sẽ ít nhiều tìm thấy sự hiện diện của Nhật Bản. Việc hợp tác với Indonesia còn giúp Nhật Bản giảm áp lực trong việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Hoa Đông - nơi cả hai đều tuyên bố chủ quyền với hòn đảo được Trung Quốc gọi là Diaoyus còn Nhật Bản gọi là Senkakus.
|
Một đội tàu cá Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống trên đường đánh bắt. |
3. Theo Bộ Thủy sản và các vấn đề biển Indonesia, dựa trên một nghiên cứu năm 2018, sản lượng đánh bắt tiềm năng ở biển Natuna là khoảng 961.145 tấn/năm. Tổng sản lượng được phép khai thác là 768.916 tấn. Sản lượng khai thác trong năm 2019 ước tính 755.306 tấn và con số này không bao gồm đánh bắt bất hợp pháp. Yonvitner, chuyên gia về môi trường ven biển và nguồn lợi thủy sản thuộc Đại học Nông nghiệp Bogor cho biết việc đánh cá bất hợp pháp chưa hẳn đã đe dọa đến nguồn cá của Indonesia bởi lẽ hầu hết các loài cá trong EEZ là các loài di cư xuyên biên giới, chẳng hạn như cá ngừ vằn, cá thu, cá mahi-mahi và cá voi. Tuy nhiên, việc đánh bắt bất hợp pháp liên tục diễn ra trong EEZ của Indonesia với sự hộ tống của các tàu vũ trang sẽ thu hẹp ngư trường của ngư dân, buộc họ phải lui về gần bờ.
Ông Santosa, người đứng đầu tổ chức Sáng kiến công lý đại dương Indonesia cho biết, tổ chức này ủng hộ mạnh mẽ vai trò của Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia (Bakamla). Ông nói: “Bakamla cần cải tiến công nghệ để phát hiện tàu đánh bắt bất hợp pháp, đây là ưu tiên hiện nay” bởi lẽ hồi giữa tháng 3-2016, khi một tàu đặc nhiệm trực thuộc Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia bắt một tàu cá Trung Quốc trong vùng EEZ của Indonesia ở ngoài khơi quần đảo Natuna đã bị một tàu hải cảnh đâm vào nhằm giải thoát tàu cá.
Theo các nhà phân tích chính trị, cùng với các biện pháp ngoại giao mềm dẻo trên cơ sở UNCLOS, Indonesia cần phải chú trọng hơn về việc tăng cường lực lượng, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở biển Đông mà quần đảo Natuna có thể sẽ là nhân tố bất ổn mới…
Nguồn: Báo CAND