Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị sơ kết nghị quyết 120

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Hội nghị có sự tham sự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; đại diện các viện nghiên cứu, trường ĐH, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

 

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn. Đồng thời tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. ảnh: VGP

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới. 

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự hội nghị. 
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu dự hội nghị tại Cần Thơ. 

Nghị quyết 120 đã góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà, nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới, gỡ nút thắt về chính sách đất đai tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư. Đồng thời chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên.

Sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu hecta (chiếm 54,3% diện tích cả nước), tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới).

Năm 2020, người dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước). Diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 hecta, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3-4 tỷ con. Diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 669.000 hecta, chiếm 92,9% diện tích cả nước. 

Toàn vùng có khoảng 335.400 hecta cây ăn quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như: thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa… Nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.

Theo đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả như: kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một thể thống nhất, kết nối vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Nhiều cơ chế, chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL.

“Trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng kĩ thuật, môi trường; nông nghiệp và môi trường thủy  sản, chế biến thực phẩm và các dịch vụ liên quan…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết hỗ trợ mạnh mẽ đối với ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120. Trong giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam huy động khoảng 2,2 tỷ USD cho các hoạt động trong khu vực, hầu hết trong số đó đều phù hợp với Nghị quyết 120. 

“ĐBSCL là minh chứng thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển. Đi kèm với kỳ vọng cao là trách nhiệm to lớn để biến tư duy và cách tiếp cận đó thành hiện thực và thành công, không chỉ đối với gần 20 triệu người dân trong vùng đồng bằng, mà đối với cả nước như một nguồn cảm hứng và một hình mẫu cho phát triển vùng. Chúng tôi nhìn nhận và chia sẻ với Chính phủ về những thách thức to lớn cần đối mặt trong quá trình thực hiện Nghị quyết 120 trong thời gian tới”, bà Carolyn Turk nói. 

Với tư cách là các Đối tác Phát triển, bà Carolyn Turk cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ, thông qua quan hệ đối tác bền chặt, vì một ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và thích ứng với BĐKH. 

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi