Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xử lý hơn 6,8 tỷ đồng sai phạm trong khai thác khoáng sản ở Hòa Bình

Khai thác khi chưa có giấy xác nhận bảo vệ môi trường

Theo kết luận thanh tra, hầu hết các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, vẫn còn 7/93 điểm mỏ chưa được phê duyệt, trong đó có 3 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 2 dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác), 2 dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt gồm: Dự án khai thác mỏ sét của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh; mỏ đá của Công ty TNHH MTV Thiên Hà - Hòa Bình. 

Công tác hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, một số doanh nghiệp thực hiện việc quy đổi khối lượng khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để nộp phí bảo vệ môi trường chưa thống nhất về hệ số, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên theo quy định.

Qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản cho thấy vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo; chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, hoặc có lắp đặt nhưng không sử dụng được…

Trong số 17 dự án được thanh tra có 7 dự án chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành; cá biệt có 2/7 dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác là dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình; dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trũng Đô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Hiền Lương. 

Những việc này đã vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Nhiều dự án khai thác khoáng sản ở Hòa Bình có sai phạm. Ảnh minh họa.

Nhiều dự án không quản lý được khối lượng khoáng sản

Theo kết luận thanh tra, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định như: Áp giá tính phí chưa đúng, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên gây thất thu ngân sách Nhà nước. 

Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, vi phạm Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. 

Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số phương tiện vận tải trong khu vực khai thác, chế biến khoáng sản của một số dự án đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn hoạt động, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình vận chuyển khoáng sản.

Thanh tra Chính phủ đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xác định lại tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng nguyên khai của một số loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với thực tế, tránh gây thất thu ngân sách Nhà nước. 

Kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định về quy đổi khối lượng, nhân hệ số khai thác lộ thiên, kê khai khối lượng nộp phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên để truy thu đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản chưa thực hiện đúng quy định trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. 

Kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, vi phạm pháp luật về môi trường. 

Xử lý theo quy định đối với chủ đầu tư 37 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng, các dự án khai thác khoáng sản còn nợ phí bảo vệ môi trường theo quy định.

Trước kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với nội dung đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ. 

UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận. Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi