Chủ Nhật, 8/9/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên khoa Cảnh sát thi hành án hình sự đáp ứng yêu cầu đào tạo Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp

Về thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đơn vị đã có 08 lượt giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Bộ; 01 giải Nhì và 01 giải Nhất trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Bộ khối các Trường Cao đẳng, Trung cấp Công an nhân dân và các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp Trường khác, nhiều lượt giáo viên tham gia bài dạy giỏi cấp trường, cấp khoa. Bên cạnh đó công tác nghiên cứu khoa học cũng được lãnh đạo Khoa hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao, tính riêng năm học 2023 - 2024 đơn vị đã được Lãnh đạo Bộ Công an giao nghiên cứu 02 đề tài cấp cơ sở và 01 đề tài cấp Bộ, hàng năm có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí, báo cáo khoa học, kỉ yếu hội thảo khoa học. Đặc biệt công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo trong những năm vừa qua Khoa đã hoàn thành biên soạn, chỉnh lý 12 giáo trình, 01 sách tham khảo và 05 tài liệu dạy học được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao.

Đồng chí Thượng tá Tống Văn Toàn, Bí thư chi bộ khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự tham gia Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm học 2023 2024.

Với tình hình, đặc điểm về đội ngũ giáo viên và kết quả công tác đạt được ở trên có thể nói trong những năm qua mặc dù Khoa đã đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định như: Đội ngũ giáo viên còn mỏng trong khi Khoa đang phải đảm nhiệm giảng dạy 05 lớp C4K59S trong tổng số 10 đồng chí, có 01 đồng chí đang học cao học. Phần lớn giáo viên có tuổi đời còn trẻ nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác, đặc biệt là kiến thức thực tiễn còn rất khiêm tốn, chưa tích lũy được nhiều; trong khi đó, yêu cầu trong công tác giảng dạy đòi hỏi người giáo viên không chỉ nắm vững kiến thức lý luận mà còn phải am hiểu nhiều về thực tiễn. Mặt khác, sau khi Nhà trường sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, Khoa có 06/10 đồng chí được đào tạo đúng chuyên ngành thi hành án hình sự (chiếm tỷ lệ 60%); 04/10 đồng chí được đào tạo từ các chuyên ngành như: Điều tra tội phạm của Học viện Cảnh sát, Trinh sát an ninh (chiếm tỷ lệ 40%) do vậy đòi hỏi phải có kiến thức và năng lực thực tiễn nhiều hơn. Hơn nữa, thực tiễn công tác Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hiện nay gồm nhiều lĩnh vực, phạm vi rộng, mặc dù hàng năm các giáo viên đăng ký đi nghiên cứu thực tế nhưng cũng rất khó khăn để nắm bắt kịp thời và chi tiết tình hình công tác thực tiễn. Chính những khó khăn này thường dẫn đến kiến thức thực tiễn của giáo viên bị hạn chế, làm cho nội dung bài giảng chưa sinh động. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an về bố trí lại các ngành đào tạo, đang đào tạo chuyên Ngành sang đào tạo Ngành phạm vi rộng hơn, trong đó ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cũng được điều chỉnh là một ngành rộng, do đó lượng kiến thức sẽ rộng hơn.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự thời gian tới cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo hướng “ Chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và để đáp ứng được mục tiêu trên Khoa Cảnh sát Thi hành án hình sự triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng không thể thiếu đối với người giáo viên Công an. Điều này góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực nghiệp vụ để có được bản lĩnh, sự linh hoạt, nhạy bén nhằm giải quyết được các tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

Hai là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của giáo viên nhằm phục vụ công tác chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng công tác giảng dạy. Đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy cho đội ngũ giáo viên của Khoa. Xây dựng kế hoạch, lộ trình học tập, bồi dưỡng theo giai đoạn và năm  học nhằm từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ,  giáo viên; khuyến khích giáo viên đăng ký học sau đại học, ngoại ngữ, tin học để nâng cao trình độ; đăng ký luân chuyển, nghiên cứu thực tế, tham gia viết bài Hội thảo khoa học; tập huấn chuyên đề...nhằm tích lũy kinh nghiệm phục vụ công tác giảng dạy.

Ba là, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học về nghiệp vụ ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình hiện nay. Một trong những yếu tố quyết định đến việc đào tạo ra một lực lượng trung thành và tinh nhuệ là chính sách và điều kiện tiến hành đào tạo trong các Nhà trường mà trước hết là tiềm lực con người, những cán bộ làm công tác giảng dạy. Muốn vậy cần phải có kế hoạch và cơ chế mang tính chiến lược, đồng bộ, có hiệu quả trong tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo và sử dụng đội giáo viên và phải mang tính kế thừa. Thời gian qua việc tuyển dụng giáo viên còn bỏ ngỏ, do chủ trương tinh gọn bộ máy, nhiều giáo viên có thâm niên giảng dạy đã chuyển công tác, đội ngũ giáo viên không được bổ sung (từ 2020 đến nay chưa tuyển sinh viên tốt nghiệp các học viện, trường Công an nào về Khoa) do đó thiếu đội ngũ kế cận dẫn đến nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Vì thế cần phải đào tạo, bồi dưỡng có lộ trình để đảm bảo về cơ cấu và chất lượng.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự để tạo điều kiện cho giáo viên đi khảo sát, học tập, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ở nước ngoài để có dịp học hỏi và nghiên cứu tích lũy kinh nghiệm trong giảng dạy. Một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác quốc tế là nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên về nghiệp vụ, chuyên môn thông qua việc trao đổi, nghiên cứu, học tập, cũng như tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại của các nước phát triển; tiếp tục phát huy các mối quan hệ phối hợp đã có; đồng thời, tìm kiếm các đối tác mới với các hình thức hợp tác đa dạng, thiết thực. Đội ngũ giáo viên cũng cần chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, chuẩn bị về ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để đáp ứng yêu cầu đào tạo Ngành Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.

Bài: Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi