Thứ Hai, 29/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bước đột phá phát triển công nghiệp an ninh

Tập trung triển khai nhóm nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 14 của Chính phủ về phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Bộ Công an giai đoạn 2021-2025; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công an nhằm phục vụ công tác chiến đấu của lực lượng Công an và của xã hội; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp công an với các đơn vị trong và ngoài, tăng cường tham gia sản xuất phát triển sản phẩm dịch vụ phục vụ nhu cầu thị trường, đó là những chỉ đạo trọng tâm của Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an trong buổi làm việc với Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an. Theo tinh thần trên, thời gian qua, Cục Công nghiệp an ninh đang nỗ lực tạo nên những đột phá cho ngành công nghiệp an ninh.

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an làm việc với Cục Công nghiệp An ninh.

 Nhiệm vụ cấp thiết

Những biến đổi sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội tiềm ẩn nguy cơ về các loại tội phạm khủng bố, xâm hại môi trường, sử dụng công nghệ cao; về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng như các vấn đề an ninh xã hội khác. Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, các lĩnh vực trong Công an đều cần được đầu tư trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hiện đại.

Trên thực tế, nhu cầu về trang thiết bị lớn nhưng đa số nguồn cung là hàng nhập khẩu, chất lượng không đồng đều. Do đó, việc xác định hướng đi cho công nghiệp an ninh (CNAN), tăng cường nghiên cứu, phát triển sản xuất các sản phẩm CNAN là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc phát triển các sản phẩm CNAN theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là hướng đi phù hợp với việc thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương về việc xây dựng, phát triển CNAN theo hướng hiện đại, tạo nền tảng cho tiến trình hiện đại hóa lực lượng CAND đến năm 2030.

Thời gian qua, Cục Công nghiệp an ninh đã chủ động nghiên cứu, sản xuất hàng trăm chủng loại sản phẩm CNAN chuyên dụng về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ.

Tuy nhiên, dựa vào những nghiên cứu, đánh giá trực tiếp từ đơn vị sử dụng trong thực tế, có thể thấy một phần trang thiết bị CNAN có sẵn trên thị trường hiện nay là sản phẩm nhập khẩu có cấu hình, thông số chưa phù hợp khi về Việt Nam hoặc có những yếu tố khiếm khuyết, thiếu hụt, chưa phù hợp với điều kiện sử dụng trong nước. Do đó, Cục Công nghiệp an ninh cũng huy động mọi nguồn lực, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hợp tác, liên doanh, liên kết tạo nên sức mạnh tổng hợp, đa chiều phát triển CNAN.

Đoàn công tác của Cục Công nghiệp an ninh kiểm tra chất lượng ca nô sản xuất từ vật liệu PPC.

 Lấy ví dụ, hiện nay Bộ Công an triển khai đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Với khoảng 10.000 xã, phường trên cả nước, việc có một xe ôtô để phục vụ công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự cho mỗi đơn vị công an xã, phường là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tế sử dụng, công an một số xã, phường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã chỉ ra nhược điểm của xe tải tuần tra được cấp phát. Loại xe Isuzu 1 cầu, 2 chỗ ngồi, cabin chật hẹp trong khi lực lượng tuần tra phải có từ 3-5 người, gây khó khăn trong thao tác sử dụng, chưa hoàn toàn phù hợp cho xe công vụ vừa tuần tra, vừa truy bắt tội phạm, phạt vi phạm giao thông. Hơn nữa, động cơ thủy lực của loại xe này có công suất yếu, không đảm bảo khi tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, tạm giữ hàng hóa, phương tiện lấn chiếm vỉa hè.

Trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, hiện nay đang thiếu loại xe cứu hỏa mini chuyên dụng để có thể tiếp cận những đám cháy trong khu phố đông đúc, nhiều ngõ ngách chật hẹp, không chỉ hỗ trợ lính cứu hỏa mà còn có thể dùng rộng rãi ngoài thị trường. Hơn nữa, để nhanh chóng tiếp cận và tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ thì lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phải được trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn quần áo chữa cháy của lực lượng phòng cháy chữa cháy được nhập khẩu từ nước ngoài nên có nhiều yếu tố về kích thước không phù hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam. Vì thế, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã phối hợp với các công ty thiết kế, xây dựng bản vẽ, sản xuất thử mẫu quần áo phòng cháy chữa cháy phù hợp. Trang phục bảo hộ mang tính lưỡng dụng, sử dụng cho cả người trong và ngoài lực lượng Công an làm nhiệm vụ chữa cháy.

Liên kết tạo sức mạnh tổng hợp

Để khắc phục thực trạng nhập khẩu sản phẩm CNAN, phụ thuộc vào nước ngoài, chi phí ngoại tệ lớn; đồng thời tạo việc làm, phát triển CNAN và tham gia thị trường, Cục Công nghiệp an ninh đã chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành để nghiên cứu, phát triển sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNAN lưỡng dụng có tính năng mới thuộc các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, thiết bị phòng cháy chữa cháy, quân trang. Đây là những sản phẩm không có yếu tố bí mật, được sử dụng trong lực lượng vũ trang, lực lượng thực thi pháp luật và rộng rãi ngoài thị trường như xe ô tô chữa cháy, xe ô tô chở dây thép gai, các loại xe chở quân cho lực lượng vũ trang, xe tuần tra, tàu tuần tra...

Tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng”, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Khắc Cường - Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh đánh giá cao những đóng góp của các công ty trong và ngoài lực lượng CAND đã phối hợp cùng Cục Công nghiệp an ninh nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm sản phẩm mẫu. Đây là những sản phẩm có những tính năng mới, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác công an và mục tiêu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030.

 Gian trưng bày thiết bị an ninh lưỡng dụng thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan tại cuộc triển lãm quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh.

 Tiếp nối thành công ấy, một số sản phẩm CNAN lưỡng dụng đã được giới thiệu trong “Triển lãm quốc tế về kĩ thuật, phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ - Thiết bị an toàn bảo vệ, tòa nhà thông minh năm 2022” tại TP Hồ Chí Minh. Triển lãm là hoạt động thiết thực với việc ứng dụng công nghệ và vật liệu mới, là nơi kết nối các nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà cung cấp trong nước với bạn bè quốc tế nhằm tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển trong lĩnh vực CNAN. Việc tham gia triển lãm quốc tế đã khẳng định năng lực, bước đột phá trong sản xuất sản phẩm an ninh lưỡng dụng thuộc Bộ Công an.

Sản phẩm nổi bật tham dự triển lãm phải kể đến loại xe tuần tra an ninh, trật tự của công an xã, phường được phát triển từ dòng xe tải Pick-up. Đây là loại xe có chức năng đa dụng vừa truy bắt tội phạm, vừa tuần tra an ninh, vừa chứa đồ, chở người với 5 chỗ ngồi, trang bị bên trong như một xe bán tải nhưng có thêm tính năng phục vụ hoạt động của lực lượng Công an.

Xe chữa cháy mini chuyên dụng do Cục Công nghiệp an ninh phối hợp, liên kết với doanh nghiệp ngoài công an sản xuất sử dụng cơ động, có thể phân bổ cho những nhà máy, khu đô thị nhỏ, sử dụng công nghệ chữa cháy nano có khả năng phun nước xuyên tường bê tông và tường gạch, phun nước áp lực cao kết hợp bọt chữa cháy làm giảm nhiệt nhanh và dập lửa nhanh hơn vòi phun thông thường.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều dòng sản phẩm CNAN lưỡng dụng đã hoàn thiện, sản xuất mẫu, được đánh giá sơ bộ, đủ điều kiện đưa vào thử nghiệm, hứa hẹn sẽ được đưa vào sản xuất phục vụ thị trường.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi