Thứ Hai, 29/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới

Tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, chiều 5/12, các đại biểu đã nghe đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề: "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới". 

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã tập trung phân tích quan điểm của Đảng và các nội dung của Nghị quyết về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới -0
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Cụ thể, các kỳ Đại hội gần đây của Đảng đều đặc biệt nhấn mạnh công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó Đại hội XIII xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng (chính trị; tư tưởng; đạo đức; tổ chức; cơ sở đảng và đảng viên; cán bộ; kiểm tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, tiêu cực;…)

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 28-NQ/TW) đã xác định rõ: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

 Chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc; Có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ các phương thức lãnh đạo của Đảng.  

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới -0
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới".

Nghị quyết cũng nhấn mạnh 3 mục tiêu lớn là tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.

Giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hoá, cụ thể hoá thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp.

Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Từ quan điểm, mục tiêu nêu trên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, Nghị quyết số 28 đã nêu lên các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh yêu cầu về: Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Trong các giải pháp trên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh đến giải pháp tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của Đảng cần phải theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi