Thứ Bảy, 23/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ

Chiều 6/12, tiếp tục chương trình Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quán triệt chuyên đề Định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị.

Hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế mở ra không gian phát triển mới

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì trong những năm qua, phát triển và tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đã phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn, quan trọng cho phát triển đất nước. Bước đầu hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, năng lượng đô thị, thông tin và truyền thông, cùng nhiều công trình hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá thể thao…tạo điều kiện mới cho đất nước. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…được quan tâm bảo vệ, mở rộng, góp phần tăng đa dạng.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực,  uy tín ngang tầm nhiệm vụ -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quán triệt chuyên đề Định hướng Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nội dung chủ yếu của định hướng tổng thể quy hoạch quốc gia có các nội dung sau, trong đó, quan điểm là: Phát triển bao trùm nhanh và bền vững, chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả ác nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là  động lực quan trọng của nền kinh tế. Khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu 5 quan điểm về tổ chức không gian phát triển; 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia; và phát triển các hành lang kinh tế Các vùng động lực quốc gia được hình thành trên cơ sở lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay.

 Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận). Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa…

 Nêu cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, với nhiều hình thức phù hợp, giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các kết luận của Hội nghị Trung ương 6. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ. Cùng với giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện, phải kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt, đồng thời chú trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Về hai Nghị quyết xây dựng nhà nước pháp quyền và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước.  Khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng dẫn việc một thông tư của Bộ Y tế về đấu thầu, mua trang thiết bị, vật tư nhưng sửa mãi không được dẫn đến chỗ nào cũng nói thiếu thuốc, vật tư, gây khó khăn cho người dân khi khám chữa bệnh; yêu cầu những vấn đề cấp bách, thực tiễn đòi hỏi, chứng minh là đúng cần điều chỉnh, sửa đổi kịp thời. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực,  uy tín ngang tầm nhiệm vụ -0
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết gần đây có tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên. Trong đó người dân phê bình, nói đôi khi cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. “Đẩy ra khỏi phòng mình là cứ đẩy, qua phòng bên cạnh cũng được. Cái này phải sửa và muốn sửa thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy phải rõ” – đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh; đồng thời chỉ rõ việc phải nêu cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn.

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định hai Nghị quyết đều khẳng định quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ  đủ phẩm chất, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đề cao tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nhấn mạnh phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống". “Lên khó nhưng xuống cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn và vào cũng khó, quy trình 5 bước nhưng đưa ra cũng toát mồ hôi hột” – đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh và cho biết, vừa qua đã kiên trì thực hiện nên sau quy định 41 thì Bộ Chính trị đã có kết luận 20 về bố trí cán bộ sau kỷ luật. Từ đó bước đầu giải quyết được một số trường hợp và dư luận xã hội đánh giá rất cao. 

toan-canh-xuoi-16702960009181768352792.jpg -0
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi có sai phạm. Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu việc vừa qua một số Ủy viên Trung ương bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi Uỷ viên Trung ương.  Ngoài ra, một số Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng xin từ chức, đảm nhiệm chức thấp hơn theo tinh thần ngã chỗ nào đứng dậy làm, cố gắng, nỗ lực khắc phục.

"Đó là một cách theo văn hóa của Việt Nam. Đó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để cho công việc tốt hơn. Tôi tin rằng với xu hướng này sắp tới sẽ tốt hơn" – đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh và cho biết, cũng có trường hợp không bị kỷ luật nhưng cảm thấy bị sức ép của công việc rất nặng nề và thấy không đảm đương được tốt thì có thể qua một công việc khác sức ép ít hơn và Đảng cũng ủng hộ việc này.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chỉ rõ cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của Trung ương bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi