Thứ Bảy, 4/5/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công tác thực tế và một số vấn đề đặt ra trong giảng dạy ngành Trinh sát Cảnh sát của Khoa Cảnh sát hình sự

Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới, tinh gọn các ngành đào tạo trong các học viện, trường Cảnh sát nhân dân; ngày 27/9/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 7712/QĐ-BCA-X02 về ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo trong Công an nhân dân. Theo Danh mục trên, các trường Cảnh sát nhân dân còn 05 ngành đào tạo nghiệp vụ, trong đó có Ngành Trinh sát Cảnh sát. Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã ban hành Chương trình đào tạo Ngành Trinh sát Cảnh sát theo Quyết định số 1763/QĐ-T09-P3 ngày 28/9/2022 với mục tiêu đào tạo cán bộ Công an trình độ Trung cấp ngành Trinh sát Cảnh sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có kiến thức cơ bản về quy trình, biện pháp công tác và kỹ năng thực hành các thao tác nghề nghiệp; giải quyết được công việc theo chức năng, nhiệm vụ của hệ lực lượng Trinh sát Cảnh sát; có sức khỏe tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trước chủ trương của Bộ Công an về việc đào tạo theo ngành Trinh sát Cảnh sát và trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm; để đáp ứng công tác đào tạo học viên ngành Trinh sát Cảnh sát đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời, đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần có những điều chỉnh đột phá mang tính chiến lược theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo lĩnh vực, vừa nhuần nhuyễn về lý luận, vừa am hiểu sâu sắc thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; có kiến thức rộng về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; khai thác có hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ, trang thiết bị phương tiện nghiệp vụ trong quá trình công tác.

Khoa Cảnh sát hình sự là khoa nghiệp vụ chuyên ngành đào tạo lực lượng Cảnh sát hình sự. Trải qua 58 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã đào tạo được đội ngũ giáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật, có kiến thức sâu về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác. Khoa cũng đã xây dựng được hệ thống lý luận mang tính chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên ngành thông qua hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, các hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học... Tính từ năm 2015 đến nay, Khoa Cảnh sát hình sự đã đào tạo hơn 2000 học viên chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm trật tự xã hội cả trình độ Cao đẳng và Trung cấp CAND. Các thế hệ học viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.


Đồng chí Đại tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu tại Chương trình làm việc với Công an tỉnh Ninh Bình về công tác thực tập tốt nghiệp của học viên và thực tế của giáo viên nhà trường.

Thực hiện Quy định tại Thông tư số 44/2014/TT-BCA ngày 7/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác thực tế của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp Công an nhân dân, các hướng dẫn của Nhà trường và sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám hiệu, cấp ủy, lãnh đạo Khoa Cảnh sát hình sự luôn quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác thực tế đối với giáo viên trong đơn vị.


Khoa Cảnh sát hình sự họp tổng kết công tác thực tế của giáo viên.

Giáo viên của đơn vị được cử đi thực tế luân phiên hàng năm cơ bản đều đảm bảo về mặt số lượng. Năm học 2018-2019 và 2019-2020 do ảnh hưởng của chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập các trường trong Công an nhân dân nên số lượng giáo viên đi thực tế giảm; tuy nhiên, sau khi ổn định tổ chức, năm học 2020-2021, 2021-2022, số lượng giáo viên được cử đi thực tế tăng cao, chiếm tỉ lệ trên 57% tổng số giáo viên của đơn vị. Đến năm học 2022-2023 do chủ chương của Nhà trường trong việc xét tiêu chí giáo viên đi thực tế nên số lượng giáo viên thực hiện công tác thực tế giảm còn 3/10 giáo viên, chiếm tỉ lệ 30% tổng số giáo viên của đơn vị.

Qua đánh giá cho thấy, công tác thực tế của giáo viên Khoa Cảnh sát hình sự trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể như:

Tất cả giáo viên Khoa Cảnh sát hình sự được cử đi công tác thực tế tại Công an các đơn vị, địa phương đều xây dựng kế hoạch thực tế và được lãnh đạo Khoa, Ban Giám hiệu Nhà trường phê duyệt. Trong kế hoạch giáo viên đều xác định rõ  mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp thực tế. Việc xác định địa bàn và nội dung thực tế luôn bám sát vào chuyên môn được phân công giảng dạy.

Trong quá trình thực tế tại đơn vị địa phương, giáo viên Khoa Cảnh sát hình sự đã luôn nỗ lực, cố gắng tiếp cận với thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, hăng hái nhận, hoàn thành các nhiệm vụ mà đơn vị thực tế giao cho và thu thập được nhiều tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy.

Trong quá trình thực hiện công tác thực tế, mỗi giáo viên luôn chú ý phát triển mối quan hệ gắn bó với các đơn vị nghiệp vụ tại Công an đơn vị, địa phương. Từ đó, gắn kết chặt chẽ hơn giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường với thực tiễn công tác chiến đấu, nâng cao chất lượng công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, hoạt động kiến tập, thực tập của học viên.


Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, giáo viên Khoa Cảnh sát hình sự báo cáo kết quả công tác thực tế tại Công an tỉnh Ninh Bình. 

Trước yêu cầu công tác giáo dục đào tạo theo chủ trương của lãnh đạo Bộ trong thời gian tới trong việc đào tạo ngành Trinh sát Cảnh sát, để đảm bảo giảng dạy có hiệu quả theo chương trình mới thì công tác thực tế lại càng là yêu cầu cấp bách và cần thiết hơn. Sự cần thiết này được thể hiện ở một số lý do sau:

Thứ nhất, đào tạo học viên theo ngành Trinh sát Cảnh sát được thực hiện theo chương trình đào tạo mới, trong đó xác định mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm để có thể tham gia đấu tranh với tất cả các loại tội phạm. Do vậy, nội dung chương trình đào tạo cũng được thiết kế tương ứng đề đạt được các mục tiêu trên.

Thứ hai, đa số các giáo viên của Khoa trước đây đi thực tế theo chuyên ngành mà chưa đi thực tế để đáp ứng yêu cầu về giảng dạy theo ngành như hiện nay. Do đó, không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế về mặt chuyên môn trong quá trình thiết kế nội dung giảng dạy và truyền đạt kiến thức, kĩ năng trong quá trình lên lớp.

Thứ ba, tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt một số loại tội phạm về trật tự, an toàn xã hội thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại có rất nhiều các văn bản mới về công tác nghiệp vụ cơ bản cũng như công tác điều tra, khám phá tội phạm. Do vậy, việc cập nhật thường xuyên những kiến thức, kỹ năng từ công tác thực tế là hết sức cần thiết giúp giáo viên nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy.

Xuất phát từ những lý do trên, để công tác thực tế của giáo viên đáp ứng được yêu cầu công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường cần tập trung vào một số vấn đề như sau:

-  Đảng ủy, Ban Giám hiệu tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác thực tế đối với giáo viên trong Nhà trường, đặc biệt là giáo viên các Khoa nghiệp vụ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo.

- Đơn vị có chức năng tham mưu trong lĩnh vực này cần có sự nghiên cứu cụ thể tình hình của từng đơn vị giảng dạy để tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu ban hành các quy định, hướng dẫn, kế hoạch về công tác thực tế của giáo viên phù hợp với đặc thù của mỗi đơn vị.

- Cấp ủy, lãnh đạo Khoa Cảnh sát hình sự tiếp tục phổ biến, quán triệt đến giáo viên các quy định liên quan đến công tác thực tế để mỗi giáo viên nắm vững các quy định của Bộ Công an và Nhà trường về công tác này. Bản thân giáo viên cần nâng cao nhận thức về công tác thực tế, thấy được đây không những là nhiệm vụ, yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên nhằm hoàn thiện các chức danh giảng dạy mà cần thấy rõ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác này trong việc làm phong phú, sinh động, nâng cao chất lượng mỗi bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn.

- Để công tác thực tế có hiệu quả, mỗi giáo viên khi được cử đi thực tế, trên cơ sở công tác chuyên môn được phân công giảng dạy tiến hành lựa chọn địa bàn, xác định mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương pháp thực hiện trong thời gian thực tế, những tài liệu cần thu thập đảm bảo đạt được hiệu quả thực tế cao nhất. Cần lựa chọn địa bàn có nhiều công việc liên quan đến nội dung thực tế và ưu tiên lựa chọn phương pháp trực tiếp tham gia giải quyết các mặt công tác nghiệp vụ, điều tra, khám phá tội phạm về trật tự, an toàn xã hội, trao đổi với các cán bộ trinh sát, điều tra để đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, củng cố, mở rộng lý luận làm căn cứ, tài liệu sử dụng trong hoạt động giảng dạy sau khi kết thúc quá trình thực tế.

- Trong quá trình thực tế, giáo viên cần tích cực, chủ động tìm hiểu mô hình tổ chức, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; chủ động làm quen với môi trường công tác mới; nắm tình hình địa bàn thực tế; mạnh dạn trao đổi với cán bộ có kinh nghiệm trong đơn vị thực tế về các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, hoạt động nghiệp vụ trinh sát, hoạt động điều tra, các phương pháp, kỹ thuật, chiến thuật; chủ động đề xuất lãnh đạo, chỉ huy đơn vị thực tế được tham gia điều tra các vụ án, chuyên án hoặc thực hiện các công tác nghiệp vụ khác.

-  Khoa Cảnh sát hình sự cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Công an các đơn vị, địa phương nơi có giáo viên thực tế trong việc thực hiện các thủ tục về công tác thực tế cũng như tổ chức các hoạt động phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết hoạt động thực tế của giáo viên. Nội dung báo cáo kết quả thực tế của giáo viên cần làm rõ các mặt công tác đã thực hiện được trong quá trình thực tế, số lượng cụ thể. Qua quá trình thực tế đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì, đã thu thập được các thông tin, tài liệu nào phục vụ cho công tác giảng dạy... Ngoài ra, trong báo cáo cũng cần nêu rõ những kiến nghị, đề xuất nếu có.

Bài: Khoa Cảnh sát hình sự

Biên tập: Loan Trần

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi