Thứ Bảy, 27/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện kỹ thuật trong dạy học các môn pháp luật tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I

Đảm nhiệm giảng dạy môn học pháp luật với nhiều mã môn học khác nhau cho học viên đào tạo trình độ trung cấp hệ chính quy tại nhà trường, Khoa Luật hiện nay có 100% có trình độ sau đại học, trong đó có 03 đồng chí có trình độ Tiến sĩ. Đây là đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu về pháp luật và nghiệp vụ, có nhiều năm giảng dạy pháp luật, có khả năng nghiên cứu, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực và ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật vào hoạt động giảng dạy, trong đó có các phương tiện kỹ thuật được trang bị như: Máy tính, máy chiếu, bảng tương tác, đặc biệt là khả năng sử dụng hiệu quả các ứng dụng, phần mềm dạy học tiên tiến, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn pháp luật tại nhà trường.

Đồng chí Đại tá, PGS. TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Khoa Luật

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng phương tiện kỹ thuật trong dạy học nói chung, dạy học các môn pháp luật nói riêng; những năm qua đội ngũ giáo viên Khoa Luật luôn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, từng bước hoàn thiện và nâng cao kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật trong dạy học các môn pháp luật, coi đây là một bước tiến lớn góp phần đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và thời đại. Ưu điểm thể hiện nổi bật khi sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại vào công tác dạy học chính là nâng cao tính trực quan sinh động trong học tập, nghiên cứu, từ đó hình thành phương pháp học tập chủ động, tích cực và sáng tạo ở mỗi học viên. Thông qua các hình ảnh, video clip, mô hình hoá… được giáo viên trình chiếu trong mỗi tiết giảng, kết hợp với khả năng phân tích, luận giải chuyên sâu của giáo viên giúp học viên ghi nhớ tốt hơn, có hứng thú hơn và giảm bớt cảm giác nhàm chán trong học tập.

Một tiết giảng lý thuyết của giáo viên Khoa Luật  với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật dạy học tiên tiến

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo, thời gian tới Khoa Luật cần tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào thực tiễn công tác giảng dạy, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, xác định đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của phương tiện kỹ thuật trong dạy học, qua đó nghiên cứu, khai thác và sử dụng có hiệu quả vào thực tiễn hoạt động dạy học, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nội dung bài giảng. Các phương tiện kỹ thuật được khai thác, sử dụng vào hoạt động dạy học phải bảo đảm phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, giúp cho học viên tiếp thu được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương ứng với yêu cầu của chương trình học môn học, đồng thời, giúp cho giáo viên truyền đạt một cách thuận lợi các kiến thức cho học viên, phù hợp với mục tiêu và phương pháp giảng dạy, thúc đẩy khả năng tiếp thu năng động kiến thức của học viên. Mỗi giáo viên cần định được vai trò của phương tiện kỹ thuật với tư cách là công cụ hỗ trợ quá trình giảng dạy, một bài giảng được coi là thành công khi bài học đó không chỉ giúp cho người học ghi nhớ được nội dung bài giảng mà còn phải gợi mở, bồi dưỡng, hình thành kỹ năng liên hệ lý luận với thực tiễn; hình thành niền tin cho học viên sau khi học xong bài học.

Một tiết thảo luận của học viên trong giờ học các môn pháp luật với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật dạy học tiên tiến

Hai là, tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao khả năng ứng dụng phương tiện kỹ thuật dạy học cho đội ngũ giáo viên. Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, để bài giảng đạt được mục tiêu đề ra, mỗi giáo viên phải không ngừng phấn đấu, tự hoàn thiện chính mình về mọi mặt, trong đó cần nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; thường xuyên cập nhật thông tin mới trong dạy học, định hướng những thông tin khoa học, tài liệu tin cậy trên mạng Intenet để người học khai thác, sử dụng. Đồng thời chú trọng đến công tác nghiên cứu, viết ác bài viết mang tính trao đổi, hướng dẫn học thuật, nghiên cứu khoa học với học viên trên trang thông tin điện tử nhà trường, qua đó rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò trong đào tạo hiện nay.

Ba là, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang điều phối, hướng dẫn học viên tự học, tự nghiên cứu, tự khai thác các thông tin, kiến thức trên mạng Internet. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động rất lớn đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, qua đó, học viên sẽ có những điều kiện thuận lợi hơn khi tiếp cận các lĩnh vực kiến thức mới trên mạnh Internet dưới sự hướng dẫn của giáo viên, đây là những kiến thức được thể hiện mang tính trực quan và tương tác cao, đặc biệt những kiến thức này được coi là “kho tri thức vô tận” mà ít bị hạn chế về rào cản ngôn ngữ. Để làm được viện này, đòi hỏi giáo viên phải nâng cao năng lực sử dụng và kết nối với hệ thống máy tính, phương tiện kỹ thuật, phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả cho học viên trong quá trình học tập. Về mặt định tính, mỗi giáo viên phải có sức cảm hóa thông quan hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học khi tiếp cận học viên, phải truyền được cảm hứng đến với học viên; thúc đẩy và lan tỏa rộng cả về nhân cách, thái độ và những kĩ năng cơ bản cho học viên trong quá trình dạy học.

Bốn là, đối với công tác quản lý đào tạo và hậu cần đảm bảo. Thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, công tác quản lý đào tạo tại trường hiện nay phải hướng đến xây dựng nhà trường thông minh, theo đó mọi thông tin về đào tạo phải được thiết lập, cập nhật vừa đáp ứng tính hiện đại, vừa đảm bảo bí mật theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an, vừa tiếp cận xu hướng quản lý giáo dục, đào tạo điện tử với sự hỗ trợ của các phần mềm chuyên dụng. Muốn vậy, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật dạy - học, đây là điều kiện quan trọng và mang tính tất yếu khách quan về vật chất để nâng cao chất lượng khai thác, sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy học, trong đó tập trung xây dựng hệ thống mạng LAN và Internet đồng bộ để đảm bảo thông tin được truyền tải kịp thời, thường xuyên liên tục. Thông tin từ mạng Intenet và thông tin nội bộ từ mạng LAN cung cấp, người dạy và người học có thêm nhiều kênh thông tin để khai thác, sử dụng trong học tập, nghiên cứu. Cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính, thiết bị trình chiếu, nghe nhìn, đường dây mạng bảo đảm phục vụ cho cán bộ, giáo viên làm việc và học viên nghiên cứu tham khảo thông tin; tại các phòng học cần được kết nối mạng LAN và mạng INTERNET trong điều kiện cho phép để giáo viên và học viên có thể truy cập thông tin khi cần thiết trong quá trình dạy học. Đầu tư xây dựng và hiện đại hoá thư viện điện tử, thư viện số phục vụ học tập, nghiên cứu của học viên để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, số hóa tài liệu thư viện, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ thư viện, tiến tới xây dựng thư viện thực sự là trung tâm cung cấp thông tin, tài liệu chủ yếu có chất lượng cho cán bộ, giáo viên, học viên học tập và nghiên cứu.

Năm là, khắc phục biểu hiện lạm dụng, lệ thuộc, tuyệt đối hóa vai trò của phương tiện kỹ thuật dạy học trong giảng dạy. Phương tiện kỹ thuật dạy học có nhiều ưu điểm trong giảng dạy các môn học nói chung, các môn pháp luật nói riêng; tuy nhiên nó chỉ là phương tiện hỗ trợ không thể thay thế được những giá trị truyền cảm mà giáo viên thông qua bài giảng của mình trực tiếp đem lại cho học viên. Do vậy, trong quá trình sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy học, giáo viên không được quá chú ý đến sự sinh động của bài trình chiếu mà quên đi nội dung giảng dạy. Đặc biệt, không được lạm dụng những hiệu ứng của phương tiện trình chiếu, chỉ quan tâm đến sự lạ mắt, vui nhộn trong các slide mà không tập trung vào nội dung bài học, bởi lẽ việc này chỉ đem lại cho học viên những hứng thú “chung chung” mà không ghi nhớ được nội dung bài học. Những hiệu ứng của bài trình chiếu chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng một cách hợp lý, góp phần làm nổi bật nội dung bài học, thông qua những hiệu ứng đó để làm cho học viên thêm hứng thú với bài học, ghi nhớ được nội dung bài học. Các Slide trình chiếu phải được trình bày khoáng đạt, hình ảnh đắt giá, phù hợp, tuyệt đối không được “tham” nhiều hình ảnh, video clip sẽ làm “loãng” sự tập trung vào bài giảng của học viên. Mỗi giáo viên cần chủ động trong làm chủ bài giảng và chỉ sử dụng bài trình chiếu như một công cụ hỗ trợ, minh họa cho bài giảng của mình, tuyệt đối không được lệ thuộc vào các slide trong quá trình dạy học, điều này cũng sẽ giúp giáo viên có khả năng giải quyết hiệu quả các tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình dạy học, như: hỏng máy tính, máy chiếu hoặc mất điện...

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó, nâng cao trình độ tri thức toàn diện cho đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng, trang bị kiến thức về vai trò, kỹ năng sử dụng phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại là giải pháp nền tảng, quan trọng, giúp giáo viên làm chủ và phát huy tối đa các tính năng, tác dụng của phương tiện kỹ thuật trong quá trình dạy học nói chung, dạy học các môn pháp luật tại Trưởng Cao đẳng CSND I nói riêng./.

Bài: Khoa Luật

Biên tập: Loan Trần, phòng HCTH

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi