Chủ Nhật, 6/10/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Truyện ngắn Phía Khuất - Tác giả: Bùi Tuấn Minh

Tại lễ trao giải, đồng chí Thượng tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện lãnh đạo Phòng Chính trị đã đến dự và chúc mừng. Ban Biên tập Website xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc Truyện ngắn trên.

Đồng chí Thượng tá, TS Đồng Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng nhà trường chúc mừng tác giả.

PHÍA KHUẤT   

                                                                     Truyện ngắn Bùi Tuấn Minh

Trong bóng đêm nhập nhờ khen khét mùi rơm rạ, ánh điện từ máy tuốt lúa nhà hàng xóm bật sáng hắt xuyên qua khe cửa sổ. Thứ ánh sáng ấy hệt như vết dao cắt đôi bóng đêm đang mờ mịt trong căn buồng tĩnh lặng. Cảnh nhẹ nhàng đỡ Liên ngồi dậy trên chiếc giường yếu ớt gồng mình kêu lên ken két, anh cẩn thận cầm bát thuốc bắc vừa mới sắc đưa lên cho vợ uống, hơi thuốc bốc lên không che hết được khuôn mặt Liên tiều tụy, phờ phạc. Căn bệnh hen mãn tính hành hạ cô mấy năm nay đã biến Liên từ một người phụ nữ khỏe mạnh, xinh đẹp thành một người gầy gò, ốm yếu. Liên thều thào “Hay mình cứ để em chết đi cho đỡ khổ”. Cảnh vẫn in lặng. Anh thổi bát thuốc bớt nóng, rồi từ từ đưa lên miệng vợ, từng chút một cho đến khi cạn đáy. Xong xuôi lại nhẹ nhàng đỡ vợ nằm xuống. Nan giường vẫn rên rỉ kêu những âm thanh cũ như cơn đau của người đàn bà.

Hai vợ chồng Cảnh cưới nhau trước khi anh sang chiến trường K, khi trở về do đặc thù công tác, anh đi biền biệt. Nhưng sự vắng mặt thường xuyên của người trụ cột gia đình chẳng lấy gì bù đắp được. Thời chiến đã đành, đằng này hòa bình bao năm rồi mà Cảnh cứ đằng đẵng, mỗi lần đất nước có sự kiện lớn anh lại xa nhà trước đó cả tháng. Vợ đổ bệnh, Cảnh xin nghỉ phép dài ngày đưa vợ đến các bệnh viện lớn nhỏ, tốn kém nhiều không đỡ, căn bệnh mãn tính nên bác sĩ khuyên sống chung, dùng thuốc để duy trì sức khỏe. Tiền lương của anh chỉ đủ chi tiêu trong gia đình, cứ đi viện lại phải vay mượn. Mấy hôm nay Liên lại ngã bệnh, nằm liệt một chỗ để cơn hen ăn mòn sức lực.

Chờ vợ ngủ, Cảnh bước ra ngoài sân, lấy từ trong túi quần bao thuốc du lịch đỏ còn nguyên. Nghiện thuốc, nhưng từ khi Liên đổ bệnh, anh hút ít hẳn. Chậm rãi rút ra một điếu rồi đứng nơi khuất gió, lần này hút không hẳn vì thèm. Cảnh dự định đưa vợ vào miền Nam, thời tiết trong đó rất tốt cho những người bị bệnh như vợ anh. Vấn đề bây giờ là tiền, phải có tiền để lo toan nhà cửa, tiền thuốc thang trong khi nợ cũ chưa trả được. Rồi, hồi chiều anh lại mới nhận điện khẩn phải có mặt ở cơ quan gấp vào sáng mai, cấp trên không nói lý do. Đất nước đang trong giai đoạn mở cửa, người ta thay nhau đến hỏi thăm dải đất còn đầy bom đạn, vết thương nào cũng cần phải được chữa lành, cả vết thương con người, anh nghĩ. Tiếng guồng máy tuốt lúa nhà bên bắt đầu kêu lên phành phạch. làng anh, ban ngày họ gặt để chất đống ấy, tối mát mới tuốt. Cảnh nghe tiếng hàng nghìn hạt lúa lao vun vút đập rồm rộp vào nia chắn, găm vào dòng suy nghĩ. Điếu thuốc trên tay cháy sát đầu lọc, Cảnh rít một hơi thuốc cuối dài đỏ rực như hòn than.

*

Sáng hôm sau, vừa bước đến cơ quan, Cảnh gặp ngay thủ trưởng Tính, ông vui vẻ bắt tay “Bây giờ tớ và cậu đến 600, ta vừa đi vừa nói”. Chiếc xe U-oát mùi khói xăng thơm lừng nổ giòn tan rẽ ra đường Trấn Vũ, gió hồ Trúc Bạch mát rười rượi thổi vào khuôn mặt đen sạm, gân guốc của hai người lính dày trận mạc.

Thủ trưởng Tính hơn Cảnh độ dăm tuổi, là lính chiến biên giới phía Bắc. Cảnh rất nể cấp trên của mình về sự điềm đạm, ngay thẳng trong lối sống, kiên quyết, trách nhiệm trong công việc, nhưng điều anh thấy đặc biệt thích thú đó là trình độ võ thuật thượng thừa của thủ trưởng Tính. Mọi người vẫn truyền tai nhau giai thoại một mình thủ trưởng hạ gục 4 tên trong một căn nhà giữa thị xã, bảo vệ an toàn đồng đội rút lui về tuyến sau ở trận phòng thủ Lạng Sơn. Cả hai đều là những người lính xuất sắc của lực lượng cảnh vệ được lựa chọn tăng cường cho hai vùng khói lửa. Người thủ trưởng nhìn Cảnh với khuôn mặt đăm chiêu “Đơn vị ta nhận nhiệm vụ đào tạo cấp tốc cho 15 cán bộ Campuchia về nghiệp vụ cảnh vệ, họ cần người gấp vì tình hình nội bộ bên đó rất phức tạp, bí thư thứ 2 mới bị ám sát hụt. Nhiệm vụ nhận từ chiều qua, thời gian gấp, giáo án, giáo trình dạy cho học viên người nước ngoài chưa soạn ngay được, nên lãnh đạo Bộ Tư lệnh thống nhất để cậu huấn luyện nội dung bắn súng trước”.

“Xong việc tớ lại trả phép cho về mà chăm vợ, cứ yên tâm ở trong này”, thủ trưởng Tính cười nói khi nhìn thấy nét băn khoăn trên khuôn mặt người lính cấp dưới.

Đến nơi, đã có những học viên Campuchia chờ sẵn, vừa nhìn thấy hai người bước vào, một giọng nói tiếng Khơme và tiếng Việt lẫn lộn reo lên “Blen sửa tò, ân nhân, ân nhân”. Một người đàn ông đậm người, có nước da trắng hơn những người còn lại tất tưởi đến trước mặt Cảnh “Tôi, Keosay đây, Blen sửa tò (ân nhân) không nhớ tôi à”. Như một người thân quen lâu năm gặp lại, anh ta vừa nói vừa tìm lấy tay của Cảnh mà nắm chặt. Cảnh nhìn kỹ người đàn ông, anh ngờ ngợ, ký ức về những ngày gian khổ tại Campuchia như gió thông thốc thổi vào trí nhớ.

Đó là những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, sau khi đẩy lùi quân Pôn Pốt ra khỏi các thành phố lớn, ta và địch hình thành thế da báo. Cảnh là lính bắn tỉa, thường được tăng cường cho các trận tiến công cấp tiểu đoàn trở lên. Nhiệm vụ của anh là xác định và tiêu diệt những tên chỉ huy hoặc những ổ hỏa lực mạnh. Lịch sử chiến tranh biên giới họ thường không nhắc đến vai trò của những người lính bắn tỉa như Cảnh, nhưng đối với những người trực tiếp tham gia đánh trận tại đất ấy, mỗi khi nghe có lính bắn tỉa hiệp đồng là bộ đội lại an tâm, tự tin thêm bội phần, những người lính bắn tỉa đã góp phần không nhỏ giải quyết trận đánh. Nhớ một lần quân ta tiến công vào TaLen, một vị trí trọng yếu về quân sự, trinh sát ta dường như chưa phán đoán được mùa mưa ở Campuchia phức tạp như thế nào. Nước ngập, sình lầy khắp nơi, xe tăng phối hợp không tiến lên nổi, tiến công theo đường lớn thì mìn cài chi chít. Hỏa điểm DK82 và đại liên của giặc cứ thoải mái mà khặc đạn vào đội hình quân ta đang tiến chậm chạp giữa sình lầy, lui không được, tiến chẳng xong, bộ đội hy sinh mỗi lúc một nhiều, nằm la liệt trên mặt ruộng. Cối, pháo của cấp trên tăng cường bắn vào đội hình địch vẫn không ăn thua, lần lượt hai chiếc xe tăng bị bắn cháy. Lúc này, bắn tỉa được tăng cường đến, khẩu DK82 rồi đại liên của địch im bặt, quân ta thừa thắng xông lên, quân Pôn Pốt tháo chạy lâu nhâu như chuột.

Nhưng đến trận đánh ở Tonlesap, Cảnh lạc đơn vị. Ở đất ấy, lạc nghĩa là cầm chắc cái chết, địch ở khắp nơi, không chết vì chiến đấu thì cũng chết vì đói, vì bệnh tật, nhất là sốt rét. Suốt mấy ngày trong rừng già, mệt mỏi và đói lả, thi thoảng có nhìn thấy mấy tốp Pôn Pốt anh biết mình đã đi sâu vào trong vùng địch, trên người khi ấy chỉ còn con dao, khẩu CKC và 2 viên đạn. Cuối mùa khô khắc nghiệt, những con suối, khe cạn khánh kiệt nguồn nước, trời loang lổ xám xịt doạ mưa nhưng chẳng có hạt nào rơi xuống. Họng khô rát anh phải tìm những đọt lồ ô, chặt từng khúc mà vắt nước cầm hơi, nhấm nháp được tí nước lại phải giấu đi tránh bị phát hiện. Cứ thế cái chết cứ rình rập cho đến ngày thứ năm, Cảnh nghe thấy tiếng Khơme xì xào cách chỗ anh không xa. Anh nhẹ nhàng, bí mật trườn đến mô đất có bụi cây um tùm trước mặt tiện quan sát. Cách đó tầm 50 mét, một người phụ nữ nằm trên mặt đất bị trói chặt tay sau lưng. Ba tên lính mặc quần áo Tô Châu đang lăm lăm dao và súng đứng cạnh. Một tên dùng báng súng giánh mạnh vào mặt người phụ nữ đang đau đớn, quằn quại dưới đất, máu mũi phun ròng ròng. Có một tên đầu trọc xốc người phụ nữ, kéo dựa vào gốc cây thốt nốt đã cụt thân ngay đó. Tên còn lại, có vẻ là chỉ huy nói mấy lời trong khi tên khác nắm tóc người phụ nữ tì vào gốc cây, tay còn lại cầm dao giơ lên, dường như bọn chúng đang chuẩn bị hành hình người phụ nữ chống đối. Cảnh nhớ lại lần hành quân qua một ngôi làng người Campuchia, mùi xác động vật lẫn xác người trương phềnh, thối rữa. Tàn nhẫn hơn những nạn nhân bị kéo tập trung đến một nơi rồi tất cả đều bị chặt đầu, không ai chết bằng đạn. Không đành để vậy, đơn vị lại mai táng những nạn nhân xấu số, khiêng những thi thể mất đầu, lòng ai cũng căm phẫn đến tột độ.

Đạn không đủ, bỏ mặc thì không đành. Thoáng chần chừ, Cảnh nhẹ nhàng đưa khẩu CKC lên phía trước, đầu ruồi nòng súng và thước ngắm nằm trên một đường thẳng, chỉ chờ xác định mục tiêu và bóp cò, bắn ở cự ly này đối với Cảnh việc này là việc dễ dàng. Ở phía còn lại, đợi tên chỉ huy vừa dứt lời, “Đoàng” tiếng súng nổ khi tên cầm dao xuống tay. Máu bắn tung tóe lên mặt người phụ nữ, hắn ta đổ sập xuống, tên chỉ huy liền quay súng lia một tràng đạn về phía sau thì tiếng súng thứ 2 làm hắn gục tại chỗ. Tên trọc đầu còn lại hoảng loạn, vội cầm ngay cái dao dí vào cổ người phụ nữ, xốc lên, hắn kéo cô ta làm bia đỡ đạn, hướng về phía bụi cây rồi gào to “Nờ nà” (kẻ nào). Từ bụi cây, Cảnh lao ra, khẩu súng giương ngang tầm mắt, ngón trỏ vẫn đặt trên cò. Anh phăng phăng tiến về phía trước, như một dũng sĩ, đôi mắt rực đỏ “Lớt tày làn” (giơ tay lên). Ở chiến trường này, người lính Việt nào cũng phải biết mấy câu ấy để kịp thời xử lý những tình huống trong chiến đấu. Hắn ta hoảng loạn khi nhận ra trên tay Cảnh là khẩu bắn tỉa, loại súng cũng được trang bị trong quân Pôn Pốt. Nhận ra cái chết cận kề, hắn kéo đầu người phụ nữ che lấy mình, bởi chỉ cần cơ thể lộ ra sẽ lĩnh trọn viên đạn từ khẩu súng kia. Lúc này, Cảnh mới nhận ra người phụ nữ là một cô gái còn trẻ, tay Cảnh hẩy khẩu súng, quát “Khueo” (cút). Bất ngờ có đường sống, tên kia dùng hết sức bình sinh đẩy cô gái về phía Cảnh rồi chạy thục mạng về phía sau. Cảnh lao đến cởi trói cho cô gái, rồi nắm tay chạy về phía cánh rừng, không quên cầm theo khẩu súng ngắn trên người tên chỉ huy nằm dưới đất.

Chạy được một quãng họ đã nghe tiếng súng vang lên phía sau, khu rừng ôm chầm lấy hai người bằng những cơn mưa đầu mùa bất ngờ ập xuống. Họ chạy mãi, chạy mãi khi thấy tương đối an toàn, Cảnh buông tay “Đi đi”, cô gái quỳ sụp xuống, giữ chặt lấy chân Cảnh khóc lóc, van xin. Cô ta nói bằng tiếng Khơme nên anh không hiểu, nhưng có vẻ cô ta muốn đi theo. Anh nghĩ, cho cô gái theo kiểu gì cả hai cũng chết nếu bị phát hiện, bỏ cô ta lại mà bị bắt anh cũng day dứt. Đôi mắt nhìn cô gái thương hại, anh lấy từ túi áo chiếc khăn mùi xoa màu xanh vợ anh thêu tặng trước khi vào chiến trường đưa cho cô gái khi thấy máu ở miệng cô vẫn đang chảy. Con người vẫn thường bán mình cho cảm giác, tình thế không cho phép nhưng Cảnh lại im lặng như một sự đồng ý. Anh quay lưng đi, cô gái cũng đứng dậy vội vã bước theo.

Họ tránh đường mòn, lối mở, nơi thoáng đãng bởi những chỗ ấy dễ bị phục kích. Dường như đã sống lâu trong rừng, cô gái dễ dàng tìm những loại củ, hạt có thể ăn mà những người lính như Cảnh lạ lẫm không biết, nhờ vậy mà họ cầm cự được cơn đói. Nhưng rừng già nơi này đâu chỉ có thế, những ngọn núi cao trùng trùng tưởng chừng không vượt qua được, những cây cổ thụ vài người ôm vun vút che khuất ánh sáng, rồi cả thú dữ. Mưa vẫn rầm rề khắp các cánh rừng, nước bắt đầu đổ về các con suối, vắt bâu như ruồi, máu chảy dòng dòng trên da thịt hai người. Họ, một nam một nữ, lặng lẽ lần mò trong rừng sâu như những con thú bị săn đuổi.

Đêm. Mưa ngớt, trăng lên vội, họ ngồi nghỉ cạnh một gốc cây lớn gần bờ suối, cô gái đến trước mặt Cảnh, cố giao tiếp với anh bằng cử chỉ, ánh mắt. Cô gái đặt vài viên đá nhỏ rồi nguệch ngoạc mấy đường kẻ xung quanh. Anh hiểu họ phải đi qua dãy núi phía trước sẽ đến nơi an toàn. Cả ngày chỉ lo tìm đường trở về với đồng đội và tránh quân Pôn Pốt, giờ Cảnh mới để ý đến cô gái dưới bóng trăng mờ, cô ta dễ nhìn, thậm chí khá xinh, đôi mắt sâu hun hút, lôi cuốn, mạnh mẽ của phụ nữ Khơme.

 “Maly” thấy anh nhìn cô dò xét, cô gái liền chỉ tay vào mình để giới thiệu tên, rồi chờ đợi.

 “Cảnh” anh lạnh lùng đáp, cô gái nhắc lại tên anh rồi che miệng cười để lộ nét duyên làm anh hơi bối rối.

Đột nhiên, Cảnh ra hiệu im lặng khi cô gái định nói tiếp điều gì đó, anh nhìn thấy phía trước không xa có ánh lửa đang di chuyển đến. Giật mình đứng dậy, phía sau cũng có khá nhiều ánh lửa “Hỏng rồi, lần này chắc khó thoát”, Cảnh nghĩ thầm. Quân Pôn Pốt có lẽ quyết tâm bắt sống anh hoặc cô gái kia rất quan trọng với chúng, ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu. Vội cầm khẩu súng, anh kéo cô gái chạy về phía bờ suối, được chục mét cô gái bị bước hụt chân, kéo theo anh, cả hai ngã xuống một bãi có đám dương sỉ dày. Thoáng bất ngờ, Cảnh nhận thấy hai người rơi xuống một chiếc hố nông. Dường như là hố chiến đấu cá nhân hướng hỏa lực về phía bên kia bờ suối, lâu ngày cỏ dại mọc tràn lan, dày đặc phía trên che kín miệng hố. Vừa định hình, Cảnh vừa kéo cô gái ngồi thụp xuống, lấy tay gạt đám dương sỉ che phía trên đầu. Lát sau, anh thấy ánh lửa và những bước chân đi qua ngay sát miệng hố, ước lượng khoảng tầm chục tên, khẩu súng ngắn đã lên nòng hướng lên phía trên, mắt anh căng ra, không chớp. Tiếng bọn chúng nói chuyện, quát tháo ngay chỗ hai người ngồi lúc nãy, có vẻ như bọn chúng đã thấy dưới chân mấy hòn đá nhỏ. Từ từ nhô đầu lên quan sát, anh thấy vài tên cầm đuốc đang tản ra soi các lùm cây xung quanh, rồi thụt xuống khi thấy một tên tiến đến phía mình. Cô gái một tay đang bịt miệng như không thở, một tay bấu vào vai Cảnh. Chưa bao giờ Cảnh và cô gái gần nhau đến thế, mùi thơm đàn bà nồng nồng, dễ chịu quện vào hơi thở anh. Tên lính đến trước cái hố rồi dừng lại, hắn lia lia bó đuốc, cúi người nhìn xuống lùm dương sỉ. Soi đi soi lại vài lần, hắn đặt ngọn đuốc xuống và kéo quần.

Phía dưới lớp cỏ mỏng, Cảnh bất ngờ khi cô gái nhanh chóng tự cởi chiếc áo đang mặc, đưa cho anh cầm hai góc áo, cô gái giữ hai góc còn lại, cô ra hiệu cho cả hai giơ căng tấm áo đen lên trên đầu. Cảnh không kịp phản ứng, anh làm theo một cách hoàn toàn phục tùng mà quên đi mình đang ở trong hoàn cảnh nguy hiểm. Da thịt đàn bà như một thứ ma lực vô hình, ngay sát tầm mắt anh là tấm thân trắng ngần cùng bộ ngực đầy đặn căng tràn thiếu nữ, cả hai nín thở... Tấm áo quả thật đã có tác dụng che ánh lửa soi xuống khiến tên lính không hề thấy gì phía dưới. Nhưng bây giờ cả hai đang hứng trọn thứ nước ô uế, khai rình. Đợi tên lính xả xong, cả đám quân Pôn Pốt kéo nhau di chuyển lục lọi về phía bờ suối…

Không gian yên tĩnh trở lại. Đêm chỉ còn ánh trăng bám mình rung rinh trên vạt cỏ, côn trùng cũng cảm nhận được sự yên bình. Rồi một tiếng, hai tiếng dế rả ríc, sau đó cả cánh rừng như một dàn giao hưởng ngân lên giai điệu của đêm. Chưa bao giờ Cảnh nghe một thứ thanh âm quyến rũ, mê hồn đến thế, anh chỉ muốn lặng đi ở trạng thái này. Chiếc áo đã được cô gái cuộn lại, nhưng không thể mặc nó, hai tai cô co lên che trước ngực, hơi thở Cảnh trở nên gấp gáp. Bỗng nhiên anh thấy lành lạnh, mắt mờ dần…Cô gái từ từ đứng dậy, lấy tay gạt đám cỏ định leo lên, cô muốn xuống suối rũ sạch thứ mùi hôi hám kia. Khi thấy khuôn mặt Cảnh đang tái dại dưới ánh trăng, hai hàm răng bắt đầu va vào nhau cầm cập, cô liền bỏ ý định ra suối. Cảnh bị sốt rét, người lạnh toát, đôi mắt nhắm nghiền, cơn sốt rét đến nhanh tới mức ngay sau đó anh bắt đầu rơi vào vô thức. Anh chỉ cảm nhận mơ hồ có ai đó đang cởi từng cúc áo trên người rồi cứ thế thiếp đi. Cảnh như lạc vào giấc mơ nhẹ bẫng, anh thấy mình đang bay trên những ngọn cây, trên những cánh rừng, bay qua dải Trường Sơn rồi trên những cánh đồng vàng óng, anh cứ thế bay, bay mãi… Ngôi làng của anh kia, khói bếp trắng mờ tỏa thơm lừng cơm gạo mới, anh thấy Liên đứng ngoài hiên nhà đang mỉm cười nhìn anh. Cảnh bế vợ trên đôi tay rắn rỏi đặt lên giường, anh nhẹ nhàng vén áo, áp tai vào bụng vợ nghe tiếng con gọi mình. Hai tay Liên xoa tóc chồng, từ lâu Cảnh thích cảm giác này, nó dễ chịu, yên bình và dễ ngủ. Một lúc, Cảnh bắt đầu dịch lên vùng ngực vợ, từng chiếc cúc áo mở ra, anh thấy mình như chú cá đang vẫy vùng, quẫy đạp trong vũng nước mát lành, ấm môi rồi anh lại thiếp đi…

Tiếng chim ríu ríu trên đám cỏ làm Cảnh thức giấc, anh chỉ đủ sức he hé đôi mắt. Người vẫn lạnh run, nhận ra cô gái tên Maly không còn dưới hố nữa, nhưng hai khẩu súng vẫn còn. “Chắc cô ta đã bỏ đi” anh nghĩ, ý nghĩ lan về đêm qua, đầu nặng trịch, anh không nhớ gì ngoài mùi da thịt vợ nơi quê nhà. Cảnh tự hỏi liệu cô gái kia có quay lại không hay lúc nữa anh bị một đám quân Pôn Pốt lôi lên găm vài viên đạn vào đầu. Anh không thể chết, nếu chết thì chết đêm qua rồi, nhưng không đi được, anh vẫn yếu run người. Bỗng đám cỏ bị gạt sang một bên làm Cảnh ngắt dòng suy nghĩ, là cô gái, chiếc áo đen đã được mặc trên người. “Đẹp quá”, Cảnh nhìn Maly cùng ý nghĩ như muốn tuột ra thành lời. Maly tụt xuống, tay cô cầm một thứ đựng nước như chiếc gáo đưa cho Cảnh uống, lại đưa vào miệng anh mấy quả chín nhai lờ lợ. “Cảm ơn”, anh gắng gượng nói, Maly tủm tỉm cười.

Rừng mưa rừng tạnh, rả rích quay cuồng, nghe tiếng suối chảy, nước đổ về ngày càng nhiều, mùa mưa năm nay với anh bắt đầu thật khủng khiếp. Họ cứ ở đó, chiếc hố chứa hai kẻ chạy trốn thần chết, thi thoảng Maly lại ngước lên quan sát phía trên. Đến gần trưa, Cảnh khỏe thêm một chút, anh quyết định đi tiếp, Maly phải tìm cho Cảnh cành cây để chống xuống đất mỗi bước đi, lúc sau thì Maly phải dìu anh. Ra đến bìa rừng thì họ kiệt sức, vừa dừng nghỉ, anh nằm vật ra bãi cỏ hổn hển, còn cô gái đi tìm kiếm, quan sát xung quanh. Nằm được một lúc, Cảnh nghe tiếng hét lên của Maly, anh cầm khẩu K54 chồm dậy theo bản năng mà quên mất cơ thể ốm yếu. Cảnh loạng choạng bước nhanh, chân lảo đảo chữ chi, anh lao qua bãi cỏ tranh cao ngang đầu người. Trước mặt Cảnh là con đường đất, cách đó tầm ba chục bước chân, anh thấy Maly đang giãy giụa, sõng soài dưới đất, cô đang bị hai tên Pôn Pốt cầm hai chân kéo lê trên đường. Maly bị chúng phát hiện khi ra đến đây, một đám quân Pôn Pốt khác đang lố nhố bên mấy chiếc xe quân sự cách đó không xa. Chẳng nghĩ ngợi, Cảnh rút súng bắn hết băng, hai tên đổ gục, chúng rên la thảm thiết. Ngay tức khắc Maly bật dậy chạy về phía anh đang ngã khụy xuống. Phía xa, đám lính lao đến, vừa đuổi vừa xả súng về phía hai người, Maly đỡ anh chạy về phía bãi cỏ, chưa kịp quay lưng thì Cảnh bị trúng đạn, cảm giác như một mũi giáo lạnh ngắt vừa đâm xuyên thấu xương, anh thấy mình như bị bầu trời hút lên trong đau đớn, ngã vật xuống. Ngay lúc đó, một loạt đạn cối nổ đinh tai, những loạt AK vang lên cùng tiếng hô “Xung phong”, còn Cảnh thì lịm hẳn.

*

“Mời anh uống nước”, Keosay vội bỏ chiếc cặp xuống, hai tay khúm núm đỡ lấy chén trà nóng. Khuôn mặt toát lên vẻ trí thức làm Cảnh nghĩ anh ta hợp với nghề phiên dịch hơn là cầm súng. Chiều nay sau khi lên lớp, Keosay có xin Cảnh lên phòng để ôn lại chuyện xưa, cơ chế thoáng nên việc gặp mặt cũng đơn giản. Dãy nhà ở cán bộ và dãy học viên quốc tế gần nhau, vừa xong bữa tối, đã thấy Keosay tới, trong phòng một ấm trà nóng vừa pha đang đợi khách.

 “Thưa ân nhân”, Keosay rụt rè bắt đầu câu chuyện.

 “Đừng gọi mình là ân nhân, đó là việc bình thường của thời chiến, cứ gọi tên là được rồi” Cảnh ngắt lời.

 “Thầy nói thế sao được, ơn nghĩa của thầy chúng tôi biết bao giờ mới trả hết, xưng thế không được thầy ạ …”.

Cảnh chăm chú ngồi lắng nghe câu chuyện của người đàn ông Campuchia, anh ta từng sống ở miền Bắc, sau đó về nước cùng quân tình nguyện Việt Nam chống Pôn Pốt, giờ làm trong Bộ Nội vụ vương quốc Campuchia. Anh ta nói tiếng Việt sõi như người Việt, đợt này qua đây vừa tập huấn vừa phiên dịch cho lớp tập huấn này. Qua câu chuyện, Cảnh mới biết Maly là con gái của một hoàng thân. Keosay là anh họ của cô gái, mồ côi từ nhỏ và sống với gia đình cô. Trước ngày Phnôm Pênh được giải phóng, quân Pôn Pốt đã bắt cóc Maly, ép lấy một tên sĩ quan nhưng cô thà chết chứ không làm vợ hắn, lần chúng định giết cô thì Cảnh xuất hiện.

Viên đạn ngày đó không giết được Cảnh, sự việc vô tình diễn ra trong một cuộc tập kích của đơn vị bạn. Anh được đưa về hậu cứ cấp cứu, khi tỉnh dậy, anh đã thấy gia đình cô gái và một người đàn ông tên Keosay đứng ngoài cửa phòng bệnh. Nói là phòng cho sang, chứ đấy là khu trường học bỏ hoang, không cửa lối, cửa sổ toang hoác, chỗ Cảnh nằm là tấm phản gỗ được tận dụng cho thương binh nằm, nặng lắm mới được vào đây. Cô gái chẳng nói chẳng rằng đi nhanh đến chỗ Cảnh đang nằm, bật khóc rưng rức. Keosay cũng bước tới với thái độ vui mừng, liên tục nói “Blen sửa tò, cảm ơn ân nhân”. Sau đó, Cảnh được mặt trận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh và điều trị ở đó gần một năm rồi ra Bắc.

*

Hôm sau, lớp huấn luyện ra thao trường để bắn đạn thật, từng chiếc bia được dựng lên ở các cự ly, Cảnh hướng dẫn họ từng tư thế bắn. Động tác và kỹ năng điêu luyện của anh nhanh, dứt khoát tất cả các viên đạn đều trúng mục tiêu. Đến nội dung huấn luyện súng dài, từng viên đạn cũng được anh găm vào bia một cách chính xác kể cả các cự ly xa. Khi học viên thực hành, Cảnh yêu cầu tháo ống ngắm quang học, lý do để luyện kỹ năng ngắm bằng mắt thường, kết quả không ai bắn trúng bia ở cách đó 50m. Đám học viên bắt đầu xì xào “Họ bảo bắn không ống ngắm quang học ở cự ly này không thể trúng mục tiêu” Keosay nói và cầm khẩu súng đã tháo ống ngắm, anh kiểm tra thước ngắm cơ học và ngắm vào bia, súng nổ, 3 viên rời nòng. Cả đám học viên chạy lên bia cách đó 100m mục sở thị, 3 lỗ thủng chen chúc nhau vào cái hồng tâm nhỏ bằng cái đáy chén, họ trầm trồ thán phục. Keosay nói điều gì đó với những người còn lại khiến họ lại vỗ tay, Cảnh hỏi anh ta bảo “Tôi nói đây chính là người đã cứu mạng em gái tôi bằng những phát bắn như thế”.

Cảnh trở về nhà vào cuối tuần, sức khoẻ Liên chưa đỡ hơn, giấc ngủ bị những cơn hen réo rắt dài thít chặt cơ thể hom hem, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Cảnh nói với gia đình về dự tính đưa vợ vào nam, cậu con trai mới bước vào cấp ba lặng lẽ ngồi vào bàn học, sụt sùi. Liên thào thào “Mình vào sinh ra tử một đời, giờ lại vất vả vì em, mình cứ buông tay cho nhẹ gánh, em có mệnh hệ nào cũng thấy thanh thản. Cảnh lặng nhìn người vợ tảo tần, thương xót, anh nắm lấy tay Liên an ủi, rồi ra nhà ngoài nói chuyện với con trai. Trong buồng, người phụ nữ lặng lẽ khóc.

Keosay tìm đến nhà Cảnh trước ngày về nước, trên tay anh ta cầm túi xách để lộ mấy hộp sữa ngoại, anh ta nói mọi người đi tham quan thành phố, còn mình tìm về đây. Địa chỉ hỏi mấy cán bộ, mọi người chỉ biết xã, huyện, anh ta cứ thế mà dò theo. Cảnh ái ngại mời anh ta vào nhà, là một người làm ngoại giao Keosay tỏ ra là một người lịch thiệp, tế nhị trong giao tiếp luôn tỏ thái độ tôn trọng, dạ thưa với người thầy ân nhân. Trong câu chuyện, Keosay nói đã báo cho em gái việc gặp được người lính cứu cô năm xưa và luôn nhắc đến việc sẽ gặp để trả ơn. Anh ta nói sẽ liên lạc ngay với Cảnh sau khi về nước. Trở vào nhà sau khi tiễn Keosay về, Cảnh thấy anh ta đã khéo léo đặt một cái phong bì to phía dưới mấy hộp sữa, anh giật mình vì trong đó là một tập tiền đôla Mỹ, một số tiền rất lớn tính theo giá trị tiền Việt.

Đêm hôm ấy, bóng tối nhọc nhằn bám vào kim đồng hồ lê lết tới ngày mai, Cảnh hết đứng rồi lại nằm, thức rồi lại ngủ. Càng về khuya, đêm trồng lên đêm, chỉ có hạt lửa đỏ lập loè trên miệng người đàn ông nơi góc sân. Mỗi lần rít vào điếu thuốc như đầu đạn lóe lên, ngón tay khét lẹt. Cảnh nghĩ về cái nghiệp gắn bó bao năm nay khiến anh cảnh giác với tất cả những viên kẹo. Sự quan tâm đường đột, những món quà từ trên trời rơi xuống, chỉ cần một sự nhẹ dạ có thể khiến cả quốc gia phải trả giá. Nhưng anh cũng rất yêu gia đình, đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và người vợ theo anh bao năm đang héo hắt, lắt lay sống chung với bệnh tật, Cảnh ho liên tục, dưới chân đầy rẫy những tóp thuốc còn ấm.

Liên khó nhọc trở mình, tiếng thở rin rít thỉnh thoảng bị đứt gãy bởi tiếng ho khùng khục của chồng ngoài vườn. Cảnh chưa kể cho cô về người khách hôm nay, nhưng từ khi họ về, chồng cô lặng lẽ đăm chiêu, nghề của Cảnh là vậy nên Liên cũng không hỏi. Gần sáng Liên mới ngủ được, Cảnh không vào buồng, cũng không ngủ với con, nó bảo thức dậy bố đã không còn ở nhà.

*

Nhìn thấy Cảnh đầu giờ sáng đã đến tìm, thủ trưởng Tính ngạc nhiên “Tớ tưởng cậu đang nghỉ phép, hay nhiều ngày nghỉ quá định đến trả bớt phép à”, Cảnh nghiêm túc “Em cần báo cáo anh một việc”. Sau khi nghe Cảnh trình bày, khuôn mặt thủ trưởng Tính giãn ra, ông tẫm tắc, gật đầu, hai tay đặt lên vai người đồng đội “Đi sang đây với tớ”, nói rồi ông nắm tay Cảnh đến phòng đồng chí Tư lệnh. Khi hai người bước vào, trong đấy đã có đồng chí thứ trưởng và một người đàn ông mặc đồ vest lịch sự, vừa nhìn thấy họ, Tư lệnh liền cất lời “Thiêng thế, tôi đang định tìm các cậu, đây là ngài đại sứ Vương quốc Campuchia…”

*

Phnôm Pênh thay đổi nhiều sau 15 năm, dù vết đạn pháo vẫn còn lỗ chỗ trên hàng cây thốt nốt xanh tươi, sừng sững đứng dọc dài những con phố lớn. Đâu đâu cũng thấy những nụ cười tưởng chừng chẳng bao giờ tắt ở nơi vừa thoát nạn diệt chủng. Cảnh cùng vài đồng chí trong đơn vị biệt phái sang đây đã gần 1 tháng cùng nhiệm vụ phối hợp với đơn vị nước bạn bảo vệ một yếu nhân trong quãng thời gian vị này đi vận động tranh cử. Anh cũng chưa gặp lại Keosay từ hôm sang đây.

Hôm nay là buổi tiếp xúc cuối cùng diễn ra tại một khu chợ tiểu thương được người Pháp xây dựng, trông giống như chợ Bến Thành nhưng nhỏ hơn khá nhiều. Những lần trước, việc cảnh vệ được thực hiện cực kỳ chặt chẽ và an toàn, lần này cũng vậy. Cảnh đến trước cùng một nhóm an ninh kiểm tra địa điểm. Anh chú ý đến một ngôi nhà khóa cửa nhiều lớp có gác lửng, nhô lên ngay sát chợ, cửa sổ chớp hướng trực diện đến vị trí phát biểu. Anh đề nghị bạn kiểm tra nhưng họ bảo chủ ngôi nhà là một nhà sư và việc phá cửa là không nên.

Trong suốt quá trình diễn thuyết, Cảnh quan sát cẩn trọng mọi động tĩnh, nhưng để ý nhiều hơn đến cái gác lửng phía xa theo linh cảm nghề nghiệp. Tưởng như mọi thứ sẽ diễn ra bình thường, trong khoảnh khắc ánh mắt lướt qua, đột nhiên anh thấy nan chớp cửa sổ của ngôi nhà khóa đang bị rút vào để lộ khoảng đen thăm thẳm, có ánh sáng lóe lên như kính ống ngắm. Không chần chừ, chẳng cần ngắm, Cảnh rút khẩu súng ngắn hướng lên phía ô cửa bóp cò “Đoàng, đoàng”. Đạn găm vào ô cửa, vụn gỗ tung tóe làm lệch hướng bắn và ngầm tuyên bố vị trí của kẻ sát nhân đã bị lộ. Hai tiếng súng chát chúa phá tan buổi phát biểu, vị yếu nhân nhanh chóng được đưa xuống. Đám đông hỗn loạn, Cảnh nhanh chóng lao về phía ngôi nhà, vài người an ninh chạy theo. Trong khi họ tìm cách phá cửa, Cảnh chạy vòng ra dãy phố phía sau, anh thấy một người đàn ông chạy ra từ cửa sau của ngôi nhà, Cảnh đuổi theo. Những dãy nhà chen chúc và không thuộc địa hình làm Cảnh mất dấu khi đến đoạn ngõ cụt. Khi đang cố gắng xác định phương hướng Cảnh bỗng nghe tiếng súng phát ra từ ngôi nhà gần đó, anh áp sát. Vận động vào trong, Cảnh thấy Keosay đang chĩa khẩu súng còn ám khói vào người đàn ông trọc đầu nằm sõng xoài dưới đất. Tay còn lại của Keosay thõng xuống, máu chảy ròng ròng dường như đã bị thương. Vừa nhìn thấy Cảnh, Keosay lạnh lùng “Kẻ thầy cần tìm đấy”, nói rồi, Keosay ngồi thụp xuống dựa vào tường. Dường như Keosay không mặn mà, vui mừng khi thấy anh. Cảnh từ từ tiến đến, súng vẫn hướng về phía trước rồi ngồi xuống kiểm tra kẻ nằm dưới đất, hắn ta đã chết. Nhìn khuôn mặt của kẻ trọc đầu, anh ngờ ngợ, Cảnh giật mình định nói với Keosay khi chợt nhớ ra điều gì đó. Anh thấy khẩu súng trên tay Keosay đang hướng về phía mình, đôi mắt đỏ ngàu đằng đằng sát khí.

“Đoàng”, Cảnh ngã người ra phía sau, viên đạn găm vào cơ thể ngọt lịm, anh nghe thấy tiếng đứt gãy của mạch máu, vỡ vụn của lồng ngực. Bóng tối đóng sập cánh cửa ánh sáng, Cảnh thấy mình rơi vào khoảng không gian mênh mông tăm tối. Xa xa mấy vệt sáng lập lòe vút lên như những linh hồn rời xa nhân thế. Anh đợi chờ mong mỏi cảm giác được bay trên những ngọn núi, trên những cánh đồng như cái lần bị sốt rét ngày trước. Mùa này lúa đang mươn mướt non, đòng đòng chắc vẫn đượm thơm mùi từ hồi chân mạ. Tâm can bắt đầu giằng xé, cảm giác không gian, thời gian lẫn lộn một mớ hỗn độn. Lại thêm một lần đổ máu ở nơi đây, lần này thì không thể trở về. Anh nghe tiếng khóc của vợ con đau đớn và thê thiết, tiếng súng rền vang bầu trời như lời tiễn biệt của đồng đội văng vẳng bên tai... Khép mắt mãn nguyện chấp nhận cái kết của lý tưởng, lạ thay anh vẫn cảm nhận máu nóng đang trào ra, một bàn tay nhè nhẹ chạm vào thân xác và mùi hương thoang thoảng nồng nàn. Cảnh cố bừng tỉnh nhưng lại thấy mình rơi vào một bóng tối đen đặc khác.

Đồng đội kể, hai người đã chết hẳn khi họ đến, chỉ còn Cảnh thoi thóp. Những bác sĩ tốt nhất của hai nước được điều động để cứu bằng được anh, vết thương mới trồng lên vết thương cũ một cách kỳ lạ. Cảnh tỉnh lại ở một bệnh viện PhnômPênh sau thời gian dài mê man. Anh hỏi về Keosay, họ nói hắn là nội gián, hắn giết tên đầu trọc kia để bịt đầu mối và tự bắn vào tay mình nhằm qua mắt cơ quan an ninh. Nhưng một người bí ẩn khác bắn chết hắn ngay sau đó và họ vẫn đang điều tra. Khi chết, lưng vẫn dựa vào tường, viên đạn giữa trán, đôi mắt vẫn trợn tròn kinh hãi. Trước khi ra viện, bác sĩ có gửi lại Cảnh một thứ, đó là chiếc khăn tay dính vết máu bạc phếch, chiếc khăn thêu hình đôi chim bồ câu lồng hai chữ Cảnh Liên. Cảnh ngạc nhiên, họ nói chiếc khăn được lấy ra từ trong túi ngực của anh.

*

Một buổi xế chiều hai mươi năm sau, những cơn gió mát lành hiu hiu miệt mài kéo hoàng hôn xuống những làn sóng bạc lăn tăn phía xa, vỗ ì oạp vào bờ đá hồ Trúc Bạch. Mặt nước dưới chân hai người đàn ông lênh láng ánh vàng, đậm đà hoài niệm. Thẳm trong mắt sâu, tiếng vỗ về sóng nước gợi lại trong họ một miền ký ức thăng trầm nhưng vẻ vang. 

 “Vụ ấy cậu là có công lớn nhất đấy, thử hỏi nếu cậu không nhạy bén thì sự thể nguy hại thế nào, không thể lường hết được hậu quả”, một người nói.

 “Dạ, cũng may nên anh em ta còn gặp lại nhau. Sau khi về nước em chuyển công tác theo nguyện vọng vào Nam, nhà em cũng được điều trị tại bệnh viện 30/4, sức khỏe đã tốt hơn rất nhiều, chúng em còn được phân nhà tập thể, cháu lớn giờ cũng thành đạt ở trong đấy”.

“Keosay, tên này quả là ranh ma, nhưng hắn ta không phải là kẻ đứng sau mọi việc, mà cậu cũng khó chết thật”, nói rồi ông Tính cười khà khà vỗ vai người đồng đội. Lúc sau, dường như nhớ lại chuyện gì, mắt ông sáng lên “À, thế lần ấy sang đó cậu có gặp lại cái cô Maly không, nghe bảo cô ta là con gái của lãnh đạo phe đối lập?”.

Mặt ông Tính đăm chiêu, nếp nhăn trên trán xô lại khi thấy người đồng đội cũ đang mỉm cười, đôi mắt hướng về phía mặt hồ đầy gió thu gợn sóng.

                                                    B.T.M

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi